Theo đó, các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương thông tin, phổ biến Chỉ thị số 4/CT-TTg. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 64/2019/NĐ-CP về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ- CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 4/CT-TTg. Sở làm đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định, hướng dẫn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau). Mặt khác, tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm; bảo vệ và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước như Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, rừng ngập mặn ven biển.
Công an tỉnh tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường điều tra, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt triệt phá các đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư; không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn (nếu có); triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm.
Ủy ban nhân dân các huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri phối hợp bảo vệ và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, rừng ven biển; bảo vệ các bãi bồi cửa sông, ven biển khu vực bãi ăn của các chim hoang dã. Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri có giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững sân chim Vàm Hồ.
Tại Bến Tre, kết quả đánh giá của Dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất nhiệm vụ đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” đã xác định trên địa bàn tỉnh có 219 loài chim. Trong số đó, có 21 loài quý hiếm theo danh mục Sách Đỏ IUCN 2021-3; 12 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007; 27 loài có tên trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.