Ở cái tuổi 88, nhưng cụ ông Đặng Văn Hành (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) vẫn không biết nghề trồng trầu, trồng cau ở cái xứ Bà Điểm này có từ khi nào.
Những vườn cau ít ỏi còn lại sau đô thị hóa ở Bà Điểm. |
Cụ chỉ biết khi lên năm lên bảy, ông đã được cha mẹ tập leo giàn để hái trầu, hái cau. Từ đó, cây cau, vườn trầu như cái nghiệp gắn bó suốt cuộc đời cụ, cho đến khi gối mỏi, chân run không leo được nữa. “Tôi không biết sau này thế hệ cháu chắt có giữ nổi vườn trầu, cây cau không, chứ bây giờ nó cũng đã dần mai một rồi” - cụ tiếc nuối.
Cụ kể rằng, những năm 30 của thế kỉ trước, nghề trồng trầu, cau rất thịnh ở vùng Bà Điểm. Nhà nhà trồng trầu, người người trồng trầu. Con đường nhỏ mà nay là đường Phan Công Hớn hai bên rợp bóng cau và tấp nập người mua kẻ bán. Nhà nào trồng trầu thì cũng phải có vườn cau.
Mỗi nhà có ít nhất cũng vài thiên trầu (một thiên là 1.000 gốc) và vài trăm gốc cau. Cái tên “Mười tám thôn vườn trầu” cũng xuất phát từ cái thời hưng thịnh ấy. “Trồng trầu tưởng dễ mà không phải dễ - cụ Hành nói. Coi vậy chứ dây trầu cũng “khó chịu” lắm. Nắng quá cũng không được, mưa quá cũng không xong, đúng với cái thành ngữ “nắng không ưa, mưa không chịu, kị mù sương”. Chính cái sự “đỏng đảnh” này mà bây giờ, khi giá thu mua thấp, nhiều gia đình đã bỏ nghề để trồng cái khác.
Mặc dù tuổi cao, nhưng kí ức của cụ Hành vẫn còn rất rõ nét. Cụ hãnh diện nói rằng dân Mười tám thôn vườn trầu nói chung và xã Bà Điểm này nói riêng, từ xưa đã có truyền thống đấu tranh cách mạng.
Người dân nơi đây vừa sản xuất, vừa đấu tranh cách mạng lại vừa che giấu cán bộ. Cái địa danh Bà Điểm cũng xuất phát từ một căn cứ của Trương Định - khi đó đặt tại nhà của một cụ bà tên Điểm. Những cái tên được ghi vào sử sách như: Trương Định, Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá... của thời kháng chiến chống Pháp đều đặt căn cứ tại xã Bà Điểm này. Bởi thế, Mười tám thôn vườn trầu cũng được chọn làm hậu cứ, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo của Ðảng, nơi cất giấu tài liệu bí mật của Ðảng.
Khu di tích ngã ba Giồng. |
Bà con Mười tám thôn vườn trầu đã bảo vệ, che giấu, nuôi nấng nhiều chiến sĩ cộng sản, nhiều người con ưu tú của dân tộc như: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn... Tin vào dân, dựa vào dân, Trung ương Ðảng cũng đã tổ chức ở đây ba cuộc họp quan trọng. Khởi nghĩa Nam kì bùng nổ, bà con Mười tám thôn vườn trầu cũng gậy gộc, giáo mác đứng lên tham gia giành chính quyền.
Và Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Mười tám thôn vườn trầu Hóc Môn - Bà Điểm đã tích cực tham gia giành chính quyền tại địa phương (24/8/1945) và biểu tình tại Sài Gòn chào mừng Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi (25/8/1945). Thời kháng chiến chống Mỹ, vùng Mười tám thôn vườn trầu cũng trở thành “điểm nóng”, luôn có những cuộc nổi dậy của nhân dân. “Tôi tự hào là dân Mười tám thôn vườn trầu, tự hào là dân Bà Điểm không chỉ “nổi tiếng” về nghề trồng trầu, mà còn về truyền thống đấu tranh cách mạng của vùng đất này” - cụ Hành cho biết.
Sau giải phóng, đất nước không ngừng đổi mới và vùng Mười tám thôn vườn trầu cũng có nhưng thay đổi rõ rệt. Hôm nay, con đường mang tên vị anh hùng Phan Văn Hớn - tuyến đường xuyên tâm của Mười tám thôn vườn trầu xưa, đã nhộn nhịp nhà cửa, người qua kẻ lại đông như mắc cửi. Người mua kẻ bán cũng tấp nập nhưng ít ai thấy bóng dáng của những gánh trầu cau. “Hơn chục năm trước, đi từ trụ sở UBND xã đến ngã ba Giồng rợp trời bóng cau, vườn trầu hai bên đường, nhưng bây giờ kiếm mãi mới thấy được một vài nhà còn trồng” - cụ Hành nói. “Ngay như nhà tôi đây, hồi trước có đến 3 - 4 mảnh vườn với vài thiên trầu, bây giờ cũng chỉ còn lại có khoảng 1 thiên trầu với chưa đến 200 gốc cau”. “Sao lại phải bỏ trồng thế cụ?” - tôi hỏi. “Đầu tư trồng trầu bây giờ cao lắm, nhất là gỗ để làm giàn cho trầu leo.
Gỗ bây giờ không có như ngày xưa nên phải dùng tre để thay, mà tre lại mau mục nên một hai mùa phải thay. Một lần thay thì tốn cả vài triệu cho 1 thiên trầu, trong khi giá trầu hiện nay chỉ khoảng 30.000 đồng/kg thì không thể nào lấy lại vốn. Cây cau cũng vậy, bây giờ người ta phá cả vườn, chỉ để vài chục cây trồng xung quanh đất coi như làm hàng rào thôi. Giá 1 chục cau (10 trái) bây giờ rẻ lắm, chỉ khoảng 6.000 - 7.000 đồng thôi” - giọng cụ Hành trầm xuống. Gắn bó cả đời với nghề trồng trầu, cụ Hành bảo quý nghề như con cháu vậy. “Giữ được vườn đến lúc nào hay lúc nấy. Mặc dù tâm huyết với nghề nhưng các cụ vẫn muốn con cháu sau này không phải cực khổ. Các cụ mong con cháu lo học hành, kiếm cái nghề để làm việc văn phòng cho đỡ vất vả” - con dâu cụ Hành đưa 2 ngón tay thâm đen vì mủ trầu, phân bua.
Vài năm trở lại đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, đất đai cũng có phần ô nhiễm, nhiều nhà vườn đã dần phá bỏ vườn. Đi dọc các tuyến đường chính ở các xã Bà Điểm, Xuân Thới Thượng, Tân Xuân... bây giờ không còn nhìn thấy bóng dáng của những vườn cau. Chợ Bà Điểm - nơi từng được xem là đầu mối cung cấp trầu lớn của vùng, số người bán trầu hiện nay thưa thớt hẳn, chỉ còn lại dăm ba người. Những tiểu thương ở đây cho biết, số người mua trầu ngày càng ít và một ngày chỉ bán được hơn 500.000 đồng, chưa tính tiền vốn. Trong khi đó, lão nông Hai Ảnh (ngụ ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm) chỉ những cây cau xen lẫn trong vườn chuối um tùm cạnh nhà, tiếc nuối cho biết trước đây vườn này có đến 1.000 cây và vài thiên trầu. Thế nhưng, đời sống kinh tế khó khăn, nguồn huê lợi từ vườn trầu, cây cau không nuôi sống nổi nên ông phải đốn bỏ dần và bỏ luôn vườn trầu để thay vào đó là 8 căn phòng trọ. “Cũng tiếc lắm, nhưng hiện nay trồng trầu không có lãi bởi chi phí đầu tư cao, trong khi đầu ra lại không có. Chưa kể, trầu chỉ ưa đất sạch nhưng nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, đất bị ô nhiễm, có trồng cũng không tươi tốt như xưa” - ông Hai Ảnh rầu rĩ.
Theo số liệu của UBND xã Bà Điểm, hiện địa phương này có hơn 10.000 hộ, trong có đến gần 900 hộ kinh doanh phòng trọ với gần 7.000 phòng. Những nhà trọ này đang có xu hướng ngày càng xuất hiện nhiều ở xã Bà Điểm và đang dần trở thành nguồn thu nhập chính thay thế nguồn thu nhập từ những vườn trầu. Hiện số hộ trồng trầu hiện nay của cả xã chỉ còn trên dưới 80 hộ dân với khoảng 10 ha so với 1.000 hộ vào năm 2000. Ngay cả ấp Tây Lân, một ấp được xem là nơi còn trồng trầu nhiều nhất ở xã Bà Điểm với diện tích gần 4 ha nhưng hiện nay đã không còn đến 1ha. Hầu hết những hộ còn gắn bó với nghề chỉ xem việc trồng trầu cau như là gìn giữ nghề truyền thống lâu đời của ông bà, chứ không còn xem đó là nguồn kinh tế chính nữa.
Đứng trước thực trạng địa danh Mười tám thôn vườn trầu chỉ còn lại cái tên và nguy cơ chỉ còn nằm trong ký ức, tháng 7 vừa qua, Thành ủy TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tái lập, bảo tồn và khôi phục Mười tám thôn vườn trầu thành khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn lịch sử; vừa làm nơi tham quan cho khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời lưu giữ cho được nét văn hóa truyền thống của con người và vùng đất gắn liền với quá trình hình thành và phát triển hơn 300 năm của Sài Gòn - TP.HCM. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng với diện tích khoảng 20 ha nằm ở một phần của xã Bà Điểm và một phần của xã Xuân Thới Thượng. Nhiều người dân còn giữ được vườn trầu, như cụ Hành, đã rất vui khi biết được thông tin này. “Dù tương lai chẳng ai ăn trầu nữa, nhưng tôi vẫn mong cái nghề này đừng mai một, để thế hệ cháu, chắt biết và ghi nhận cái truyền thống của ông bà ngày xưa” - cụ Hành trầm ngâm.
Bài và ảnh: Minh Thuyết