Báo chí truyền thống cần thay đổi cách nhìn về chính mình khi chuyển đổi số

Theo các chuyên gia báo chí, trong thời đại công nghệ số, báo chí truyền thống cần thay đổi cách nhìn về chính mình khi chuyển đổi số. Cụ thể, báo chí không còn là một tờ báo hay nhà đài mà là tổ hợp/công ty tin tức đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị có ứng dụng công nghệ số.

Chú thích ảnh
GS.TS Nguyễn Đức An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông thuộc Đại học Bournemouth chia sẻ tại tọa đàm. 

Chiều 23/8, tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội các cơ quan báo chí Trung ương tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Chuyển đổi số báo chí - Chuyển đổi cái gì và từ đâu?" để tìm ra giải pháp chuyển đổi số báo chí truyền thống theo hướng hiện đại.

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Đức An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông thuộc Đại học Bournemouth (Vương quốc Anh) cho biết, các loại hình báo giấy truyền thống (báo in, tạp chí, nguyệt san) đang chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt của báo điện tử cũng như các loại hình số, như mạng xã hội facebook, tiktok, youtube, zalo... Vì vậy, báo chí muốn tồn tại cần phải chuyển đổi số. "Qua quan sát, tôi thấy môi trường báo chí quốc tế với ngập tràn tin tức trong không gian số. Các công cụ làm báo càng lúc càng dồi dào, đa dạng để giải quyết những hạn chế của báo chí truyền thống. Vì vậy, báo chí truyền thống cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để tồn tại", GS Nguyễn Đức An cho biết thêm. 

Theo GS Nguyễn Đức An, báo chí truyền thống cần thay đổi cách nhìn về chính mình trong chuyển đổi số. Cụ thể, trong thời đại 4.0 báo chí không còn là một tờ báo hay nhà đài mà là tổ hợp, công ty tin tức đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị. Ngoài ra, báo chí chuyển đổi số phải đa dạng hóa thị trường (theo loại hình, nền tảng/thiết bị, địa lý, đặc điểm nhân chủng); đa dạng hóa nguồn thu và xây dựng tòa soạn hội tụ thực thụ để dứt bỏ giằng co cũ, mới. Đặc biệt, người làm báo phải bám theo dấu chân công chúng qua dữ liệu. Nghĩa là đặt ra câu hỏi: Người dùng, không phải nhà báo, kiểm soát đọc/nghe/xem cái gì, ở đâu, khi nào? Bởi mọi sản phẩm phải dựa trên sự thấu hiểu người sử dụng trên từng nền tảng và thiết bị hiện đại. 

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia báo chí cũng cho rằng, báo chí truyền thống khi chuyển đổi số nửa vời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Do đó, khi chuyển đổi số, báo chí cần sự thống nhất từ chủ trương, chính sách đến định hướng về lâu dài, có tầm nhìn dài hơi cho quá trình chuyển đổi số. Trong đó, báo chí cần tận dụng Al và các công nghệ khác nhau để "cụ thể hóa" nội dung đã được nhiều tờ báo và tổ hợp tin tức, báo chí đa phương tiện trên thế giới sử dụng từ lâu như một công cụ phổ biến để chuyển đổi số cho các tờ báo của Việt Nam.  

Bàn thêm vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đức An nhận định, hiện có thực tế là giới trẻ không đọc báo như người đọc truyền thống. Các bạn trẻ lên mạng tự chia sẻ những tin tức quan tâm qua game, qua các clip…, học vừa chạy vừa nghe… Nói chung, cách xem, nghe, đọc khác hoàn toàn cách đọc báo trước đây. Vì thế, báo chí cần lưu ý và chuyển đổi theo đối tượng độc giả này – đây là đối tượng độc giả chính trong tương lai.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu có mặt cũng có những góp ý, hiến kế để Ban Tổ chức tọa đàm ghi nhận, tập hợp và chuyển đến Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh và Liên chi hội các cơ quan báo chí Trung ương tại TP Hồ Chí Minh để học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên nhà báo khi cần chuyển đổi số báo chí.

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đẩy mạnh phát triển báo chí đa phương tiện gắn với chuyển đổi số
Đẩy mạnh phát triển báo chí đa phương tiện gắn với chuyển đổi số

Chiều 19/8, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Báo Bắc Ninh tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày ra số đầu (19/8/1962 - 19/8/2022). Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN