Tràn lan thực phẩm bẩn
Ba năm nay, cứ đến gần Tết, gia đình chị Phạm Thị Huyền, ngụ tại chung cư Phú Lợi, phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh lại lên kế hoạch đặt thực phẩm sạch từ quê nội, ngoại để sử dụng trong những ngày Tết.
“Từ đầu tháng 12 âm lịch là gia đình tôi đã nhờ ông bà ngoại ở Đồng Nai đặt trước thịt gà, thịt bò và các loại rau, củ, trái cây. Các loại hải sản tươi, khô thì mẹ chồng ở Bình Thuận gửi vô từ 20 Tết. Tôi không dám mua ở ngoài vì sợ không đảm bảo an toàn mà lại không được tươi, ngon như đồ ở quê”, chị Huyền chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị An Tâm, ngụ quận Thủ Đức lại chỉ tin tưởng mua thực phẩm Tết từ người quen tự làm và nói không với các loại bánh mứt, chả giò bán tràn lan ngoài thị trường. Theo chị Tâm: “Thực phẩm handmade của bạn bè, người quen làm thì yên tâm hẳn vì mình biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và cũng thấy hài lòng về chất lượng”.
Không tin tưởng, lo ngại thực phẩm bẩn là tâm lý chung của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh trong những ngày Tết. Và rõ ràng lo lắng đó của họ là có cơ sở khi mà cận Tết, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện số lượng lớn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ chuẩn bị được tung ra phục vụ thị trường Tết.
Đội Quản lý thị trường 6B - Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra một cơ sở sản xuất các loại mứt Tết không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Cuối tháng 12/2016, lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra kho hàng tại địa chỉ 127 An Dương Vương, phường 10, quận 6 phát hiện hơn 10 tấn mứt mận, táo tàu, hạt dẻ, hạt điều... do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Số mứt này chuẩn bị được đóng gói để đưa ra chợ Bình Tây phục vụ nhu cầu Tết của người dân.
Sau đó không lâu, công an quận Thủ Đức đã phát hiện cơ sở sản xuất giò chả ở số 937 tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức đang chế biến giò, chả lụa từ nguyên liệu gồm thịt gà, mỡ lợn... cũng không rõ nguồn gốc. Kiểm tra các tủ đông lạnh, lực lượng chức năng phát hiện 768 kg nguyên liệu, bao gồm mỡ lợn đông lạnh, thịt gà, thịt xay…
Toàn bộ số nguyên liệu trên không có thông tin xuất xứ và hạn sử dụng. Ngoài ra lực lượng chức năng cũng phát hiện gần 10 kg bột màu trắng được xác định là phụ gia dùng để bảo quản và làm giòn, dai giò chả.
Mới đây, trung tuần tháng 1/2017, cơ quan Thú y TP Hồ Chí Minh phát hiện 200 con lợn có nguồn gốc từ Bình Dương được đưa vào một cơ sở giết mổ tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Tuy nhiên, toàn bộ lợn này đã bị bơm nước và tiêm thuốc an thần chuẩn bị giết mổ, đưa đi tiêu thụ.
Chỉ trong 20 ngày trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 101 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đã phát hiện 8 cơ sở vi phạm. Trong khi đó, chỉ trong 2 tháng cận Tết, Chi cục Thú y Thành phố cũng đã phát hiện 38 trường hợp thịt lợn từ các tỉnh đưa về tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh chứa chất cấm.
Khó kiểm soát Với hơn 70% thực phẩm được chuyển về từ các tỉnh, thành khác thì TP Hồ Chí Minh khó ngăn chặn được thực phẩm không an toàn tràn về thành phố. Đây là nhận định của đại diện các sở, ban, ngành trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm những ngày đầu năm 2017.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, do phần lớn thực phẩm từ các địa phương khác chuyển về nên việc kiểm soát rất khó khăn, nhất là kiểm soát các chất cấm sử dụng trong thực phẩm như kháng sinh, sabutamol, chất bảo quản…
Đồng tình với quan điểm đó, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc lấy mẫu kiểm tra đối với nguồn hàng từ các tỉnh về thường khó khăn, mất thời gian. Do đặc thù thực phẩm dễ hư hỏng trong khi các đơn vị vẫn chưa có kho lạnh chuyên dụng nên trong thời gian chờ đợi lấy mẫu xét nghiệm đã có nhiều hàng hóa bị hư hỏng, phải đền bù cho chủ hàng.
“Có những lô hàng giá trị lên đến mấy trăm triệu đồng nhưng nếu để hư hỏng thì số tiền phải đền bù rất lớn khiến chúng tôi rất khó khăn trong công tác kiểm tra”, ông Phát nói.
Bên cạnh đó, theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, hiện nay vẫn còn thiếu những quy định bổ sung danh mục các chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm như chất tạo màu công nghiệp Aumatine O, chất tạp màu thực phẩm sử dụng trên sản phẩm tươi sống.
Cùng với đó, quy định về ngưỡng một số thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng phổ biến, ngưỡng quy định hàm lượng Ure trong thủy sản… cũng chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng người sản xuất, kinh doanh sử dụng tràn lan trong khi các cơ quan chức năng lại khó xử lý.
Về vấn đề sử dụng chất cấm, ông Huỳnh Tấn Phát cho biết thêm, thời gian qua đã ghi nhận nhiều trường hợp “lách luật” sử dụng chất cấm mà cơ quan chức năng khó xử phạt. Đơn cử, khi Sabutamol bị kiểm soát gắt gao, xử phạt nặng thì nhiều người chuyển sang sử dụng chất Cysteamine – một chất cấm khác có tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hormone tăng trưởng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi.
Trong khi đó, theo thông tư mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến 1/3/2017, chất Cysteamine mới chính thức được đưa vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Do chưa có quy định cấm sử dụng chất cysteamine trong chăn nuôi nên cơ quan thú y TP Hồ Chí Minh không thể xử phạt mặc dù việc sử dụng chất Cysteamine đã được báo động từ đầu năm 2016.
Như vậy, “cuộc chiến” kiểm soát thực phẩm bẩn vốn đã nan giải nay lại càng khó khăn hơn trước những chiêu thức mới của một bộ phận người sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Bài 2: Nỗ lực kiểm soát thực phẩm Tết