Thực phẩm bẩn gia tăng, ngày càng tinh vi

Cùng với việc xử lý hàng lậu, hàng giả, 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã xử lý hơn 9.700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm với trị giá hàng vi phạm hơn 73 tỷ đồng.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) ngày 8/7, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình cho biết, vi phạm về an toàn thực phẩm có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi. Vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, quá hạn sử dụng, sử dụng chất cấm, phụ gia thực phẩm sai quy định, vi phạm về vệ sinh thú y.

Gia cầm được vận chuyển bằng xe máy trên các tuyến đường Hà Nội. Tuy nhiên, quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe kiểm tra.

Hà Nội, một trong những điểm nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm, 6 tháng đầu năm đã xử lý gần 1.500 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 10 tỷ đồng. Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Hiện tượng vận chuyển gia súc, gia cầm bằng xe máy trên các tuyến đường vẫn diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, QLTT không được phép dừng xe để kiểm tra nên gặp nhiều khó khăn”.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng kinh doanh hóa chất diễn ra phức tạp ở khu vực chợ Kim Biên. Nhiều loại hóa chất bị cấm được sử dụng trong chế biến thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Hầu hết hóa chất không được phân loại, dán nhãn, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện và được bày bán công khai. Trong đó có nhiều loại bị cấm sử dụng như hàn the, formol, chất tẩy trắng, chất tạo mùi…

Đại diện Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, việc kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và thực phẩm ngâm tẩm hóa chất vẫn diễn ra phổ biến tại các chợ truyền thống và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy Chính phủ đã có quy định hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại có thể bị xử lý hình sự nhưng thực tế những vi phạm này vẫn chỉ bị xử phạt hành chính, do đó chưa đủ sức răn đe.

Một số vụ việc nóng về an toàn thực phẩm đã bị QLTT cả nước phát hiện từ đầu năm như Hà Tĩnh phát hiện 1,3 tấn da động vật không có nguồn gốc, bốc mùi hôi thối; Quảng Bình phát hiện 1,2 tấn tim lợn và gần 2 tạ cánh gà Mỹ hết hạn sử dụng; Bắc Giang phát hiện 17 tấn lợn sống nhiễm lở mồm long móng; Bến Tre phát hiện 15 tấn măng ngâm tẩm hóa chất; Thanh Hóa phát hiện 6 tấn mỡ động vật không rõ nguồn gốc…

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu ngân sách và thiết bị. Ông Cao Xuân Luật, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh có 138 chợ, trong đó chỉ kiểm tra rau củ quả tại 18 chợ loại 1 đã hết sức khó khăn.

“Chi phí kiểm tra trung bình là 3-5 triệu đồng, nếu kiểm tra đủ các chỉ tiêu thì mất 7 triệu. Mẫu rau củ quả phải chuyển đi Hà Nội hoặc Hải Phòng để kiểm định. Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương sớm thành lập mỗi địa phương 1 phòng lab để kiểm định ngay tại tỉnh, rút ngắn thời gian và chi phí kiểm định”, ông Luật nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ hiện nay rất quan tâm đến công tác quản lý thị trường. Vừa qua, Bộ Công Thương đã được cấp ngân sách để mua 37 xe công cho lực lượng QLTT tại 37 địa bàn trọng điểm. Liên quan đến những kiến nghị về cơ chế tài chính, Thứ trưởng Hải cho biết sẽ có ý kiến đến các bộ ngành để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Xử lý thực phẩm bẩn: Không thể "bắt cóc bỏ đĩa"
Xử lý thực phẩm bẩn: Không thể "bắt cóc bỏ đĩa"

Chưa khi nào việc “ăn gì, uống gì” lại “nóng” như hiện nay và vấn đề an toàn thực phẩm đã vào nghị trường Quốc hội cho tới câu chuyện hàng ngày của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN