Dịp này, Bộ cũng khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa I khóa 8 với 28 bác sỹ được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn khắt khe.
7 bác sỹ trẻ này đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại Đại học Y Hà Nội và các trường đại học Y – Dược khác, tình nguyện tham gia dự án, tiếp tục được đào tạo bài bản tại Đại học Y Hà Nội và đã nhận bằng tốt nghiệp Chuyên khoa I. 7 bác sỹ đều đã được nhận chứng chỉ hành nghề; được hưởng các chế độ đối với cán bộ công tác ở các vùng khó khăn . Số bác sĩ này sẽ về công tác tại các huyện của 4 tỉnh Cao Bằng (2 bác sĩ), Lai Châu (2 bác sĩ), Hà Giang (2 bác sĩ) và Điện Biên (1 bác sĩ).
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền
núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Thông qua đó, góp phần tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.Triển khai tốt Dự án còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Dự án trên được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện vào tháng 2/2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sỹ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên cả nước.
Hiện tại dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 154 bác sỹ thuộc 10 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sỹ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện nghèo.
Trước đó, cuối tháng 6/2017, Bộ Y tế đã bàn giao 7 bác sĩ trẻ chuyên khoa I, tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo của 4 địa phương là: Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên và Sơn La.
Kết quả bước đầu cho thấy, về kỹ thuật ngoại, các bác sĩ trẻ đã làm chủ được 56 kỹ thuật, trong đó kỹ thuật cao nhất là cắt ruột thừa, u buồng trứng, mổ chửa ngoài tử cung bằng nội soi. Về chuyên ngành Nhi: Các bác sĩ trẻ đã thực hiện được 31 kỹ thuật, trong đó kỹ thuật cao nhất là chọc não tủy và nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh. Về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh: Các bác sĩ trẻ đã làm được 62 kỹ thuật, trong đó kỹ thuật cao nhất là siêu âm Doppler chẩn đoán bệnh lý mạch máu...
Lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên khoa I cho 28 bác sĩ ở các chuyên ngành khác nhau như: Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Gây mê hồi sức, Ngoại, Nhi, Truyền nhiễm, Nội, Hồi sức cấp cứu và Sản tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.
Trước khi trúng tuyển, họ đã được tuyển dụng làm viên chức ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Phổi Trung ương và một số bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tại huyện khó khăn của tỉnh Hòa Bình (Trung tâm y tế huyện Đà Bắc), Điện Biên (Trung tâm y tế Điện Biên Đông,Trung tâm y tế Mường Chà,Trung tâm y tế Tủa Chùa và Trung tâm y tế Nậm Pồ), Sơn La (Bệnh viện huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai và Mường La), Lào Cai (Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương và Trung tâm y tế Sìn Hồ (Lai Châu).