Đầu năm 2014, Bộ Y tế sẽ tổ chức đợt “ra quân” đầu tiên, đưa các bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo. Nhưng liệu các bác sĩ trẻ có đủ khả năng khám chữa bệnh độc lập ở các cơ sở y tế tuyến huyện hay không?
Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Bác sĩ trẻ khám chữa bệnh cho người dân huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An.Dương Ngọc – TTXVN |
´Trao đổi với phóng viên, chính một số cán bộ trong ngành y tế còn e ngại về khả năng làm việc độc lập của các bác sĩ (BS) trẻ; thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, không khéo lại biến cơ sở y tế tuyến huyện thành nơi “thí nghiệm”của các BS mới ra trường. Liệu tình huống này có xảy ra không, thưa ông?
Đó là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm khi xây dựng Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo". Vậy nên, mục tiêu số 1 mà dự án đặt ra là khi đã đưa BS trẻ về công tác tại y tế tuyến huyện thì phải làm được việc.
Trong quá trình học tập, công tác tại địa phương, các BS trẻ phải nỗ lực làm việc, nếu chỉ làm việc hời hợt thì khi kết thúc thời hạn công tác sẽ không được bố trí việc làm mong muốn tại BV tuyến trung ương, mà sẽ bị điều chuyển sang làm công việc khác. Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ |
Dự án chỉ tuyển chọn BS mới tốt nghiệp có bằng khá, giỏi hoặc BS nội trú đã tốt nghiệp, đang làm việc tại các cơ sở y tế nhưng chưa có cơ hội được tuyển dụng thành viên chức. Nếu các BS này tình nguyện tham gia dự án, sẽ được tuyển dụng ngay vào các cơ sở y tế tuyến TƯ hoặc bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh. Sau đó, số cán bộ này tiếp tục được tham gia 1 khóa đào tạo. Chỉ khi làm được việc, xử lý công việc khám chữa bệnh một cách độc lập, được cấp bằng chứng nhận hoàn thành khóa học thì các BS này mới được đưa về công tác tại các địa phương (từ 2 - 3 năm). Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng khám chữa bệnh của các BS trẻ.
Dự án đã trao đổi, kết hợp với trường Đại học Y Hà Nội để xây dựng khung chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Y tế về đào tạo chuyên khoa 1, nhưng bên cạnh đó có sự linh hoạt hơn trong chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cán bộ của cơ sở y tế tuyến dưới. Ví dụ, huyện A cần một bác sĩ ngoại khoa nhưng phải có kỹ năng gây mê hồi sức, như vậy BS trẻ tình nguyện về huyện này cần được đào tạo thêm những kỹ năng mà địa phương yêu cầu.
´Nhiều BS trẻ tình nguyện về công tác tại huyện nghèo thì lại lo ngại không có “đất” để phát triển vì y tế tuyến cơ sở thường thiếu trầm trọng cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị… Vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào?
Chúng tôi đang tiến hành rà soát, đánh giá lại điều kiện làm việc tại các địa phương có BS trẻ về công tác. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi đang đánh giá lại việc thực hiện xây dựng, cải tạo nâng cấp các BV tuyến huyện theo Quyết định 47/2008/QĐ-TTg; nếu địa phương nào chưa đảm bảo thì năm 2014, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ về việc ưu tiên đầu tư thêm về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư…
Mới đây, chúng tôi đã đưa 10 BS trẻ về huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, để tìm hiểu về điều kiện làm việc tại địa phương. Tại đây, lãnh đạo địa phương, giám đốc BV, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Mù Căng Chải… rất mong BS trẻ về công tác, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa về mọi mặt để BS trẻ phát huy hết khả năng chuyên môn; bản thân các BS trẻ cũng rất hồ hởi, nhiệt tình, muốn thực hiện nghĩa vụ ngay. Một số BS trẻ hơi băn khoăn về việc nhiều người dân ở Mù Căng Chải không biết tiếng Kinh, nhưng sau đó các em cho biết, sẽ quyết tâm học cả tiếng dân tộc trong thời gian tham gia khóa đào tạo, để sau này khi về địa phương có thể giao tiếp với bệnh nhân bằng tiếng bản địa.
´Khi nào ngành y tế tiến hành đợt ra quân đầu tiên, đưa BS trẻ về công tác tại các huyện nghèo, thưa ông?
Thời điểm này có 78 BS của các trường đại học y đăng ký tham gia dự án như: Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Hải Phòng, Đại học Y dược Thái Nguyên; ngoài ra, còn có một số BS đang làm hợp đồng lao động tại các BV tuyến TƯ nhưng chưa được tuyển dụng chính thức.
Chúng tôi đang tổng hợp các số liệu và xem xét về từng trường hợp đăng ký tham gia dự án. Dự kiến đầu năm 2014, chúng tôi sẽ tổ chức đợt ra quân đầu tiên, sau khi đã khớp nối giữa “cung” và “cầu”. Như vậy, số lượng BS về huyện ở đợt đầu ra quân không nhiều, chủ yếu là các BS đã giải quyết độc lập kỹ thuật đang làm hợp đồng ở một số BV; còn các BS mới tốt nghiệp phải trải qua 2 năm đào tạo thì mới có thể đưa về các địa phương (năm 2016).
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)