Di tích Angten Parabol Núi Lớn là một cụm gồm hai giàn Angten Parabol cao 39,6m do quân đội Mỹ dựng năm 1967 trên đỉnh Núi Lớn, thành phố Vũng Tàu phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và các nước Đông Dương của Đế quốc Mỹ. Đây là chứng tích chiến tranh thể hiện sự thất bại của Quân đội Mỹ trước cuộc đấu tranh, kháng chiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Ngày 23/7/1993, Di tích Lịch sử Khu vực Angten Parabol Núi Lớn đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia.
Năm 2006, Di tích bị cơn bão số 9 làm sụp đổ hoàn toàn một giàn, giàn còn lại bị hư hại một phần. Do cụm hai giàn Angten trên nằm trong Dự án Cáp treo Vũng Tàu, ngày 27/11/2006, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn số 6975 về việc giao cho Công ty Cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu quản lý, bảo vệ, tu bổ, khai thác, phát huy giá trị di tích.
Đến ngày 22/12/2008, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra công văn số 8340 giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu trùng tu một giàn Angten và phục hồi giàn Angten đã đổ trước đó. Theo Công văn số 1852 ngày 2/4/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích là 3.061m2.
Tuy nhiên, sau một thời gian giao cho Công ty Cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu quản lý, bảo vệ và “trùng tu, phục hồi”, toàn khu Di tích chỉ còn lại là một giàn Angten đã bị cắt ngọn trên nền diện tích ước lượng khoảng 300m2. Các công trình xây phủ lên trên nền di tích và giàn Angten đổ sập trước đó đã bị mất dấu hoàn toàn.
Khó có thể nhận ra giàn Angten còn lại này vì khách sạn nhà hàng Hồ Mây 4 cao 4 tầng chắn trước mặt và khu vui chơi trượt cỏ cao gần bằng Angten áp sát phía sau. Sát chân một bên Angten là hai sân tennis, bên phía còn lại là trò chơi leo núi dựa hẳn vào Angten này. Dưới gầm chân Angten còn có một căn nhà cấp 4.
Cũng tại khu vực này, không có một biển báo, chỉ dẫn nào giới thiệu về Di tích lịch sử Quốc gia này. Giàn Angten bị các công trình quây kín sát xung quanh nên cảm giác đây như một giàn sắt bỏ hoang của Dự án Cáp treo Vũng Tàu chứ không phải di tích.
Tại Biên bản Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND thành phố Vũng Tàu bàn giao cụm di tích lịch sử này cho Công ty Cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu ngày 31/5/2010 thể hiện rõ: Thời điểm bàn giao, khu vực bảo vệ I (là khu vực phải được bảo vệ nguyên trạng) Di tích Angten Parabol Núi Lớn được tô màu đỏ trên Trích lục bản đồ địa chính khu đất khoanh vùng bảo vệ di tích do Văn phòng đăng ký sử dụng đất (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thiết lập ngày 10/4/2009, khu vực I có diện tích 3.061m2.
Biên bản này và các công văn của tỉnh về giao di tích cũng quy định: Công ty Cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu có trách nhiệm quản lý, sử dụng, trùng tu, phục hồi, khai thác, phát huy giá trị di tích, phục vụ phát triển du lịch; Di tích không tính vào tài sản của Công ty.
Hơn nữa, tại Quyết định số 937 QĐ/BT của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin ngày 23/7/1993 công nhận Angten Parabol Núi Lớn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, điều 2 quy định rõ: “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin”.
Thế nhưng, chỉ trong chưa đầy 10 năm, Di tích lịch sử Quốc gia Angten Parabol Núi Lớn đã bị Dự án Cáp treo Vũng Tàu “nuốt” tới 90% diện tích, không hề một đơn vị quản lý nào của tỉnh hay biết, ngăn chặn. Cứ đà này, có lẽ chẳng bao lâu nữa, Di tích lịch sử Quốc gia Angten Parabol Núi Lớn sẽ bị “xóa sổ” hoàn toàn.