Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Sở Xây dựng tỉnh trước mắt yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng thi công ở phía biển, dừng ngay hạng mục đê kè chắn sóng và san lấp mặt bằng đến khi có ý kiến khác của UBND tỉnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, làm việc với Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, các tác động đến khu vực xung quanh, đặc biệt là môi trường du lịch.
Dự án với tên gọi “Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu”, xây dựng thủy cung Hòn Ngưu và khối khách sạn 22 tầng, tổng diện tích hơn 6,9 ha.
Ngay khi Dự án được khởi động đầu tháng 10/2019, dư luận ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã “dậy sóng” vì lo sợ dự án này sẽ phá vỡ cảnh quan khu vực, tác động xấu đến môi trường biển mà trực tiếp là bãi tắm Bãi Trước và ảnh hưởng tới Di tích lịch sử quốc gia Bạch Dinh.
Nhìn lại tổng thể quá trình triển khai Dự án cáp treo Vũng Tàu, có thể thấy những lo ngại, phản đối của người dân đối với dự án thủy cung Hòn Ngưu là có cơ sở.
Năm 1999, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Cụm du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu (thường gọi là Dự án cáp treo Vũng Tàu) và xác định đây là dự án trọng điểm về du lịch của tỉnh. Thế nhưng, từ năm 2003, khi được chuyển cho chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu, dự án đã trở thành “trọng điểm” về sai phạm có hệ thống.
Dự án Cáp treo Vũng Tàu gồm 10 dự án thành phần như Khu cáp treo Núi Lớn - Núi Nhỏ, Khu thể thao leo núi và dịch vụ Núi Lớn, Khu thủy cung Hòn Ngưu trước Bạch Dinh, Cải tạo hạ tầng và tôn tạo cảnh quan công trình kiến trúc di tích Núi Lớn - Núi Nhỏ… Dự án có tổng mức đầu tư 1.400 tỉ đồng với tổng diện tích dự kiến sử dụng hơn 960.000 m2.
Ngày 20/10/2003, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép xây dựng số 27/GPXD cho Công ty Cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu (VCCT) tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại công trình Nhà ga số 1 phía biển tại đường Trần Phú (sát hòn Ngưu) với các hạng mục: Xây dựng đê chắn sóng, kè lấn biển, bến du thuyền, san nền Nhà ga số 1.
Ngay khi có giấy phép, VCCT nhanh chóng tiến hành xây kè, san lấp và “tiện tay” san lấp vượt ra ngoài phạm vi ranh giới hơn 1.800 m2. Đầu xuôi, VCCT thuận đà xây dựng liền mạch nhà ga số 1, nhà ga số 2 và một số công trình khác sau đó mà không hề lập thủ tục và xin phép xây dựng, không cần quyết định giao đất hoặc cho thuê đất, không tuân theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt.
Năm 2010, VCCT cố tình hoàn thành xây dựng tượng phật Di Lặc cao 15 m dù Thanh tra Sở Xây dựng đã phát hiện, lập biên bản vi phạm yêu cầu dừng thi công vì chưa có giấy phép xây dựng, không phù hợp với quy hoạch.
Sau đó, mặc dù Sở Xây dựng, Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo), UBND thành phố Vũng Tàu liên tục có những động thái quyết liệt yêu cầu VCCT tháo dỡ công trình sai phạm, Sở Nội vụ còn có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đình chỉ hoạt động của VCCT, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng cuối cùng công trình tượng phật Di Lặc vẫn hoàn thành và cũng đồng thời “khánh thành” thêm một công trình Nguyện đường với các tượng Đức mẹ Maria, Thánh Giuse, Chúa hài đồng, ông già Noel… trong nguyện đường này. Ngay tiếp sau đó, VCCT tiếp tục xây thêm 18 vị La hán (mỗi tượng cao 3 m, rộng 1,5 m) tại khu vực gần tượng phật Di Lặc.
Những sai phạm liên tiếp, cố ý của VCCT khiến ngày 25/10/2011, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải ban hành quyết định giao Thanh tra tỉnh thanh tra “việc chấp hành pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng thuộc Cụm du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu”. Kết quả thanh tra khiến bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng về mức độ tự tung, tự tác của chủ đầu tư.
Ngoài nhà ga số 1, số 2 nêu trên, chủ đầu tư không hề lập thủ tục xin phép xây dựng đối với các hạng mục: Nhà hàng Hồ Mây, Nhà hàng Trung tâm, Khu vệ sinh, Nhà ga xe trượt, dãy nhà cấp 4 thuộc khu Thủy cung, Cụm công trình Nhà nghỉ Đồi Mây, động Phật Tích, Câu lạc bộ Du thuyền, hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Đồng thời, các công trình Tượng phật Di Lặc, động Phật Tích, Nhà ga xe trượt và đường ray trượt, cụm Nhà nghỉ Đồi Mây, hạ tầng phần phía Bắc của đường Vi Ba đều xây dựng trên đất chưa có quyết định giao đất. Thậm chí, các công trình Tượng phật Di Lặc, động Phật Tích, Nhà ga xe trượt và đường ray trượt, khu nuôi thú, hang Belem, cà phê Lô cốt không hề có trong đồ án quy hoạch Khu Biệt thự cao cấp Đồi Mây.
Những tưởng sai phạm đã được Thanh tra tỉnh vạch rõ, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục sẽ khiến VCCT chùn bước nhưng thật bất ngờ, vào cuối năm 2016, qua kiểm tra, Sở Nội vụ lại phát hiện VCCT tiếp tục xây dựng các công trình tín ngưỡng tôn giáo khác không có trong quy hoạch được duyệt, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng. Sở Nội vụ đã đề nghị tỉnh thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra dự án.
Kết quả, tại Báo cáo 103/BC-ĐKTr ngày 23/5/2017 của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì có tới 6 hạng mục công trình phát sinh mới đều không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 và không có giấy phép xây dựng gồm: Chánh điện Hồ Mây, Đền thờ 14 vị anh hùng dân tộc, núi cảnh quan, sân khấu nhạc nước, hồ nước và đường nội bộ.
Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các công trình đã hoàn thành, một số đã đưa vào hoạt động (chỉ có hạng mục sân khấu nhạc nước rộng khoảng 5.000 m2 đang dọn mặt bằng, chuẩn bị thi công). Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, sân khấu nhạc nước này đã chính thức khai trương, đi vào hoạt động.
Đầu tháng 10/2019, sau nhiều năm bị “treo”, chủ đầu tư là VCCT lại rầm rộ khởi động lại dự án lấp biển để xây dựng thủy cung Hòn Ngưu với tên gọi mới “Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu”, xây dựng thủy cung Hòn Ngưu và khối khách sạn 22 tầng.
Dự án này hoàn toàn lấn biển ngay tại hòn Ngưu (trước mặt Di tích lịch sử quốc gia Bạch Dinh và sát bên bãi tắm Bãi Trước, Vũng Tàu). Dù nguy cơ rất lớn nhưng dự án không hề lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo độ tin cậy cao. Dự án bị phát hiện có sai phạm liên tục, nhiều lần trong nhiều năm, nhưng những công trình sai phạm ấy hầu hết vẫn tồn tại nên việc người dân bất bình là có cơ sở.