Áp dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn xử lý rác thải

Trong vài thập kỷ vừa qua, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng, nhưng môi trường cũng đối mặt với sự gia tăng các nguồn chất thải, rác thải, nhất là nhựa bao bì. Thực tế này đặt ra bài toán đối với ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường về cơ chế phối hợp giải quyết, xử lý an toàn đối với các nguồn thải.

Khủng hoảng chất thải

Dự báo của Ngân hàng Thế giới dự kiến, lượng rác thải sinh hoạt ở Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục gia tăng từ 1,31 kg lên 1,72 kg/người mỗi ngày ở vùng đô thị và từ 0,86 kg lên 1,13 kg/người mỗi ngày ở vùng nông thôn. Ước tính, thành phần rác thải sinh hoạt rắn mỗi nơi mỗi khác. Tổng lượng rác thải hàng năm tăng gấp đôi trong vòng 15 năm vừa qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn hiện nay lên 54 triệu tấn năm 2030. Trong đó, nhựa và ni lông chiếm khoảng 3,4-10,6%, giấy và bìa cứng 3,3-6,6%, kim loại 1,4-4,9% và thủy tinh 0,5-2,0%. Chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn là rác thải hữu cơ (50,2-68,9%) và rác thải khó phân hủy (14,9 đến 28,2%).

Còn theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), các hộ gia đình ở Việt Nam dùng khoảng 1,2 triệu tấn bao bì nhựa/năm. 

Chú thích ảnh
Xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường cần phải gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ra thị trường. Ảnh: Lê Phú.

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều tác động kinh tế xã hội sâu rộng, mà hậu quả còn chưa thấy hết. Các biện pháp giãn cách phòng dịch góp phần làm gia tăng khối lượng chất thải bao bì (thông qua mua hàng ở siêu thị, thương mại điện tử, giao đồ ăn tại nhà và cầm đi).

Mặc dù các hoạt động du lịch tạm thời suy giảm có thể giúp bù trừ hệ quả trên ở mức độ nhất định, nhưng lực lượng người lao động bán chính thức và không chính thức trong thu gom, phân loại và tái chế rác thải cũng suy giảm do dịch, cũng làm gia tăng lượng rác thải tồn đọng. 

Đơn cử, ước tính ở Hà Nội có khoảng 10.000 người làm nghề đồng nát, hàng ngày thường thu gom rác thải có thể tái chế được (giấy báo, nhựa và kim loại) hoặc mua trong dân, sau đó bán cho khoảng 800 cơ sở thu mua phế liệu, các cơ sở này lại bán lại cho các cơ sở tái chế và làng nghề. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, nhiều người làm nghề đồng nát phải về quê, làm giảm lực lượng lao động này.

Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng và Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang phối hợp với các địa phương đang xây dựng cơ chế EPR (Giải pháp kinh tế tuần hoàn xử lý rác thải-Cách tiếp cận dưới góc độ chính sách bảo vệ môi trường, gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, doanh nghiệp đối với sản phẩm được mở rộng tới tận giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó), nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là Công ước Basel của Liên Hợp Quốc năm 2019.

Nhân rộng cơ chế EPR thành xu hướng xanh tương lai

Tại hội thảo Đào tạo giảng viên về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, doanh nghiệp EPR đối với bao bì ngày 24/11, do Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hợp tác quốc tế Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ chế EPR đối với chất thải bao bì có thể làm đối trọng cho những biến động lớn của giá cả thị trường trong tương lai do tái chế không phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả thị trường, mà còn phụ thuộc vào đóng góp tài chính của các nhà sản xuất, doanh nghiệp khi đưa bao bì ra thị trường.

Thực tế hiện nay tại các địa phương, việc xây dựng, áp dụng cơ chế EPR sẽ tạo ra khung hoạt động đảm bảo kinh doanh cho các cơ sở tái chế hoặc các hình thức xử lý khác (đốt rác đồng thời trong lò nung xi măng), tuân thủ những chuẩn mực cao về mặt môi trường, công nghệ (xử lý chất thải, nước thải), đảm bảo sức khỏe, an toàn và điều kiện làm việc.

Trong khi đó, các chuỗi giá trị tái chế bán chính thức và không chính thức hiện nay gắn với điều kiện xã hội bấp bênh, chuẩn mực hạn chế về sức khỏe, an toàn và rủi ro về môi trường. Những người lao động hành nghề đồng nát thường chỉ thu gom được một số loại rác thải, tùy thuộc vào giá cả biến động của vật liệu thị trường, khoảng cách vận chuyển, khả năng bán được và những yếu tố khác. Tỷ lệ tái chế vì thế còn hạn chế và không xác định được. Cơ chế EPR đối với bao bì có thể làm tăng tỷ lệ thu gom rác thải đã phân loại và tái chế cũng như tăng chất lượng nguyên liệu tái chế.

Mặt khác, về trung hạn, cơ chế EPR đối với chất thải bao bì cần tính đến việc làm thế nào để tất cả các hộ gia đình ở Việt Nam đều tiếp cận được với điểm thu gom chất thải bao bì để tái chế hoặc xử lý dưới các hình thức khác một cách an toàn cho môi trường. Tuy nhiên, cơ chế EPR đối với chất thải bao bì không thể giải quyết được tất cả các vấn đề hiện nay trong xử lý chất thải sinh hoạt rắn ở Việt Nam.

Vì vậy, việc nhân rộng áp dụng cơ chế EPR hiện nay là yêu cầu bắt buộc đối với trách nhiệm của nhà sản xuất, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ra thị trường trước yêu cầu bảo vệ môi trường sống ngày càng cấp bách; đảm bảo các nhà sản xuất, doanh nghiệp phải cung cấp nguồn tài chính đáng tin cậy và đầy đủ thông qua ngân sách hoặc phí xử lý chất thải cụ thể và chính quyền địa phương tổ chức thu gom rác thải, chất thải hiệu quả.

Các khung pháp lý của nước ta hiện nay liên quan đến xây dựng cơ chế EPR gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 16/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg giao trách nhiệm cho “nhà sản xuất” được định nghĩa là cơ sở sản xuất đặt tại Việt Nam và các nhà nhập khẩu chính thức. Về nguyên tắc, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần thu hồi sản phẩm thải bỏ của mình hoặc phối hợp với nhau nhằm đảm bảo một hệ thống thu hồi tại một số điểm thu gom nhất định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan hợp tác quốc tế tại Việt Nam cũng đề xuất thực hiện dự án đào tạo giảng viên là các chuyên gia chuyên ngành EPR theo tiêu chuẩn châu Âu, để sau đó, lực lượng này sẽ chia sẻ kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn hiện nay tại các địa phương về những nội dung như: Chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn; cơ chế vận hành EPR; vai trò và trách nhiệm của các nhân tố EPR; thiết kế khung chính sách EPR và cách tính phí EPR trong quy trình thu gom, xử lý, phân loại rác thải bao bì...

Vân Sơn/Báo Tin tức
  Doosan Vina -'Nhà cung cấp tốt nhất năm 2021' về sản phẩm lò hơi công nghệ đốt rác thải (WtE)  
Doosan Vina -'Nhà cung cấp tốt nhất năm 2021' về sản phẩm lò hơi công nghệ đốt rác thải (WtE)  

Doosan Vina được công ty MHIEC (Nhật Bản) cấp chứng nhận là nhà cung cấp tốt nhất sau khi hoàn thành chế tạo và cung ứng các thiết bị áp lực lò hơi công nghệ đốt rác thải (Waste to Energy – WtE) và có những đóng góp quan trọng về đảm bảo chất lượng và tiến độ cho nhà máy điện rác tại Fushimi (Kyoto).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN