‘Ám ảnh’ những vụ tai nạn thảm khốc của xe khách giường nằm

Vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai do xe khách giường nằm va chạm với xe tải rạng sáng ngày 7/5 làm 12 người chết, 34 người bị thương không chỉ gây “ám ảnh” cho người tham gia giao thông, mà còn gióng lên hồi chuông báo động về ý thức, đạo đức của người điều khiển xe cơ giới.

Những vụ tai nạn xe khách giường nằm thảm khốc

Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 7/5, tại km 1632+100 Quốc lộ 14, đoạn qua thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai, xe tải biển kiểm soát 77C – 139.37 đi theo hướng ngược lại đã đâm trực diện vào xe khách giường nằm BKS 18B – 018.32 chạy hướng Đắk Lắk đi Gia Lai. Cú va chạm mạnh khiến cả 2 xe bị biến dạng, xe tải bị lật úp và biến dạng hoàn toàn, nhiều hành khách trên xe khách bị hất văng ra ngoài, tử vong tại chỗ.

Hiện trường vụ xe giường nằm đam xe máy tại Ninh Thuận. Ảnh TTXVN

Trước đó, khoảng 10 giờ 45 phút ngày 12/4, trên tuyến QL1A, đoạn qua xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng khiến chiếc xe khách giường nằm chở theo khoảng hơn 20 hành khách bị lật. Vụ tai nạn làm hai người chết và nhiều người khác bị thương. Vào thời điểm trên, xe giường nằm BKS 17B – 007.02 đang lưu thong hướng Nam ra Bắc, khi đến cung đường trên bất ngờ đâm vào dải phân cách giữa đường khiến xe bị lật.

Hay vụ tai nạn lúc 20 giờ 20 phút ngày 21/3, trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách giường nằm BKS 34B – 001.09 và xe máy chạy ngược chiều. Vụ tai nạn đã làm cho người điều khiển xe máy bị kéo lê, tử vong tại chỗ và ùn tắc trên QL1A…

Liên tục hàng loạt các vụ  tai nạn xe khách giường nằm thảm khốc trên quốc lộ 1A(QL), QL14 từ đầu năm đến nay qua các tỉnh Gia Lai, Ninh Thuận, Hà Tĩnh… đã khiến nhiều chuyên gia giao thông phải định nghĩa đây là những cung đường “tử thần” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Xe giường nằm bị biến dạng cho thấy mức độ thảm khốc của vụ va chạm tại Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Nghĩa đen là do lái xe qua những cung đường này thường coi thường tính mạng của hành khách, phóng “bạt mạng”, quá tốc độ cho phép từ 30 – 50%, bất chấp lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, bất chấp các quy định về an toàn trên đường và trên xe, thậm chí chủ động “ngắt sóng” thiết bị giám sát hành trình để hạn chế sự quản lý của Sở GTVT địa phương, của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Còn nghĩa bóng là số lượng các vụ tai nạn xe khách giường nằm qua các cung đường này không có dấu hiệu thuyên giảm, được người dân địa phương coi như “dớp”.

Răn đe bằng cách nào?

Ngay sau vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Gia Lai, đích thân Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã trực tiếp đến hiện trường để giải quyết, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, hỗ trợ động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân.

TNGT đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc bảo đảm ATGT, giảm thiểu TNGT. Trung bình hằng ngày ước tính có khoảng 20 người chết do TNGT, chủ yếu xảy ra trên đường bộ. Thiệt hại kinh tế do TNGT đường bộ hằng năm ở Việt Nam vào khoảng 2,9% GDP, tương đương với khoảng 340 tỷ đồng mỗi ngày.

Mặc dù theo chỉ đạo, các lực lượng chức năng sẽ khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn thảm khốc, xử lý nghiêm việc tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp có xe gây tai nạn, nhưng dường như sẽ là không đủ sức răn đe đối với một số lái xe giường nằm chạy đường dài nếu chưa xảy ra tai nạn, bởi sự thiếu ý thức chấp hành luật giao thông và hoạt động theo kiểu “đối phó” với lực lượng chức năng.

Vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai cũng gióng hồi chuông báo động về “lỗ hổng” quản lý thiết bị giám sát hành trình trên xe khách, nhất là tại các địa phương.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, thực tế này đang là vấn đề “nóng”  đặt ra đối với với các bến xe và các địa phương. Trươc khi xuất bến, các bến xe cần tăng cường kiểm soát, đảm bảo không cho xuất bến xe không đủ điều kiện an toàn, xe chở quá số người quy định, thiết bị giám sát hành trình hoạt động không ổn định; đồng thời phải thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT chốt trực trên đường tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lái xe khách…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền khẳng định: Tổng cục đã yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các đơn vị bến xe, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải hợp lý, trong đó chú trọng kiểm tra chất lượng phương tiện vận tải, theo dõi, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình để quản lý hoặc kịp thời xử lý đối với các phương tiện có vi phạm về tốc độ, hành trình, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày, nhất là thời gian đang diễn ra nhiều lễ hội xuân tại các địa phương.

“Ngăn chặn xe khách vi phạm từ gốc, từ doanh nghiệp vận tải và xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn... là những giải pháp cấp thiết để hạn chế kiềm chế TNGT hiệu quả”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Đăng Sơn/Báo Tin Tức
Điều động nguồn lực, cứu chữa nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai
Điều động nguồn lực, cứu chữa nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai

Đại diện Cục Quản lý, Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Gia Lai về việc tiếp nhận, cấp cứu và điều trị kịp thời người bị nạn trong vụ tai nạn thảm khốc xảy ra sáng 7/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN