Cảnh báo, trong 3 - 6 giờ tới (từ 21 giờ 30 phút ngày 4/10 đến 3 giờ 30 phút ngày 5/10), lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các huyện thuộc các tỉnh trên.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại huyện: Mường Lát (Thanh Hóa); Thanh Chương, Kỳ Sơn (Nghệ An); Bố Trạch (Quảng Bình); Đa Krông (Quảng Trị); Sơn Tây (Quảng Ngãi); Khánh Sơn (Khánh Hòa); Bắc Ái (Ninh Thuận); KBang (Gia Lai); Đắk Rlấp (Đắk Nông).
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ trung bình tại huyện: Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa); Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An); Minh Hóa (Quảng Bình); Hướng Hóa (Quảng Trị); Ba Tơ (Quảng Ngãi); Khánh Vĩnh, Ninh Hòa (Khánh Hòa); Ninh Sơn, Thuận Nam (Ninh Thuận); An Khê, Chư Păh, Ia Hdrai, Chư Pưh (Gia Lai); Tuy Đức (Đắk Nông).
Theo các chuyên gia, hiện tượng trượt lở đất thường xảy ra nhiều ở các sườn đồi, núi dốc, đường giao thông, hệ thống đê đập, các bờ mỏ khai thác khoáng sản, các hố đào xây dựng công trình... Đây là loại hình tai biến thường có quy mô từ trung bình tới lớn, phạm vi phát triển rộng, diễn biến từ rất chậm (2- 5cm/năm) gây chủ quan cho con người, tới cực nhanh (lớn hơn 3m/s) làm cho con người không đối phó kịp. Đất, đá trượt lở từ vài chục vạn m3 tới 1 - 2 triệu m3, trườn đi xa tới 0,5 - 1 km, đủ lớn để chặn dòng sông suối, dòng nước, tạo nên lũ quét nghẽn dòng, đặc biệt nguy hiểm cho các cụm dân cư ở hạ du.
Người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng hoặc gần khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cần chủ động lên kế hoạch phòng tránh, khẩn trương di dời người, tài sản đến nơi an toàn.