Đã có 364 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70% (Điện Biên 14, Sơn La 44; Yên Bái 2, Lào Cai 1, Cao Bằng 2, Lạng Sơn 3, Thái Nguyên 1, Phú Thọ 3, Thanh Hóa 267, Nghệ An 27); 754 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La 616, Hòa Bình 18, Yên Bái 82, Lào Cai 2, Phú Thọ 9, Nghệ An 27); 6.523 ha lúa, hoa màu, thiệt hại (Điện Biên 82, Sơn La 869, Hòa Bình 34, Lào Cai 198, Yên Bái 594, Bắc Cạn 44, Phú Thọ 90, Thanh Hóa 4.586, Nghệ An 26). Thêm vào đó là 512 con gia súc, 56.367 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 963 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 620m kè và 6.174m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại. Sạt lở 89.396 m3 đất đá.
Hiện tại các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành địa phương, chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông. Các tuyến Quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa về cơ bản đã được thông xe; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Các tỉnh đã cử các đoàn xuống các khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo các ban ngành tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống.
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 137.400 ha gieo trồng trong vụ Hè Thu và 43.028 ha gieo trồng trong vụ Thu Đông thuộc vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng lũ thuộc 4 tỉnh: Long An, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127 ngày 31/8; chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Công điện số 45 ngày 27/8 về ứng phó với lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh, trẻ em khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ; khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và bảo đảm an toàn cho diện tích lúa thu đông.
Các tỉnh An Giang và Kiên Giang thực hiện các biện pháp ứng phó với việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư, Tha La theo nội dung công văn số 438 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam, Quy hoạch Thuỷ lợi Miền Nam phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Chi cục Phòng, chống thiên tai Miền Nam cung cấp các thông tin dữ liệu, xây dựng các bản đồ ứng phó với lũ; bố trí cán bộ giao ban hàng ngày tại Văn phòng Chi cục phòng chống thiên tai miền Nam.
Đối với các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127 ngày 31/8 về việc phòng tránh và khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn chống lũ của hệ thống đê điều; tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất
Riêng tỉnh Thanh Hóa tập trung lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý giờ đầu, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Các địa phương khu vực hạ du hồ Hòa Bình sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, đê điều, công trình thủy lợi và các hoạt động trên sông khi hồ xả lũ.
Đối với các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo, tiến hành tính toán tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành liên hồ chứa theo quy trình; hàng ngày có báo cáo về Văn phòng thường trực (qua trực ban) và các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các chủ hồ, các đơn vị, các cơ quan phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Đối với các hồ chứa khu vực miền Trung: Tổ chức tính toán, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lưu lượng đến các hồ chứa để sẵn sàng tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành đảm bảo an toàn hạ du.