Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Chú thích ảnh
Ngày 1/4/2019, Đồn Biên phòng Si Ma Cai, Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố hình sự một đối tượng về hành vi mua bán người; đồng thời giải cứu được hai nạn nhân. Đối tượng bị bắt giữ là Ly Seo Ca, sinh năm 1998, dân tộc Mông, trú tại thôn Bùn Giao, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh minh họa: TTXVN

Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP), góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm có liên quan, đồng thời xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước ACTIP phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, chính sách và điều kiện của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu về đối nội, đối ngoại, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Kế hoạch đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên Cộng đồng ASEAN trong phòng, chống buôn bán người; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Theo Kế hoạch, các bộ, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; nội luật hóa và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước ACTIP; đẩy mạnh công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế, bổ sung cơ chế hợp tác phòng, chống mua bán người phù hợp với Công ước ACTIP.

Kế hoạch sẽ thực hiện nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán và chuyển tuyến để thực hiện các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin về nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Kế hoạch, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng và thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật để bảo đảm nhanh chóng trong việc thực hiện các hoạt động giải cứu, bảo vệ, phục hồi, hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán; xây dựng các chương trình giúp nạn nhân bảo đảm sinh kế; xây dựng chương trình để bảo đảm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán; tăng cường nỗ lực để điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, nhất là các nhóm tội phạm có tổ chức tham gia vào hoạt động mua bán người; áp dụng các biện pháp thích hợp như phong tỏa tài sản, áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này…

TTXVN/Báo Tin tức
HĐBA thông qua Nghị quyết về buôn bán người và di cư trái phép ở Libya, thảo luận tình hình Cao nguyên Golan
HĐBA thông qua Nghị quyết về buôn bán người và di cư trái phép ở Libya, thảo luận tình hình Cao nguyên Golan

Theo phóng viên TTXVN tai Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 2/10 đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết 2546 về gia hạn các biện pháp chống buôn bán người và vận chuyển trái phép người di cư liên quan đến Libya và tiến hành họp định kỳ hàng quý về tình hình Cao nguyên Golan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN