Tỷ lệ này có thể sẽ còn nhỉnh hơn sau khi các trường hoàn thành tuyển sinh vào ngày 14/7. Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh kỳ thi vừa qua, nguy cơ thiếu chỗ học trong những năm học tới đã hiện rõ, nhất là khi số lượng học sinh của Thủ đô được dự báo sẽ tăng theo từng năm.
Trúng tuyển thực tế cao hơn kế hoạch
Căn cứ kết quả tuyển sinh đợt 1 lớp 10 Trung học Phổ thông của Hà Nội từ ngày 5 đến 7/7, nguồn học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào các trường, tình hình thực tế và đề xuất của hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông, ngày 10/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 30 trường công lập. Sau khi hạ điểm chuẩn trúng tuyển của 30 trường, đã có 78.623 học sinh đỗ nguyện vọng công lập, đồng nghĩa tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập của toàn thành phố tăng lên đến 60,9%, cao hơn so với dự kiến đã công bố trước đó là 55,7%. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các học sinh trúng tuyển do điểm chuẩn hạ sẽ nộp hồ sơ đến 17 giờ ngày 14/7. Như vậy, tỷ lệ trúng tuyển thực tế có thể còn cao hơn.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 132 trường tuyển học sinh lớp 10. Trong đó, 115 trường công lập không chuyên, 4 trường chuyên và có lớp chuyên, 9 trường công lập tự chủ và 4 trường hiệp quản. Với số lượng trường như vậy, thành phố Hà Nội vừa đồng thời thực hiện các giải pháp phân luồng, vừa bảo đảm chất lượng và đủ chỗ học cho học sinh trong bối cảnh số lượng học sinh ngày càng tăng.
Tuy nhiên, với đặc thù dân số Thủ đô tăng mạnh theo từng năm, kéo theo số học sinh liên tục tăng, thể hiện rõ qua số liệu tuyển sinh các lớp đầu cấp. Trong khi đó, hầu hết người dân đều mong muốn cho con theo học ở các trường công lập. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ học sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường công lập rất cao, đặc biệt là ở các trường trong nội thành, đẩy tỷ lệ chọi và điểm chuẩn của các trường này lên rất cao khiến có những học sinh học tốt, điểm thi cao những vẫn không thể trúng tuyển.
Một vài trường tư thục và công lập tự chủ xảy ra hiện tượng phụ huynh học sinh tập trung đông người, xếp hàng xuyên đêm để được nộp hồ sơ vào trường. Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc, băn khoăn và đặt câu hỏi, Hà Nội sẽ làm thế nào khi số học sinh ngày càng tăng qua mỗi năm? Bao giờ hiện tượng xếp hàng giành chỗ học cho con mới chấm dứt?
Cần những giải pháp quyết liệt
Theo khẳng định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay, thành phố không thiếu chỗ học. Việc thiếu chỗ học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn đông dân cư, nhất là ở các quận. Bên cạnh đó, các phụ huynh muốn con vào học tại một số trường uy tín, có chất lượng tốt nên đổ dồn vào gây ra cảnh tượng xếp hàng trong thời gian dài.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, chưa tính đến chất lượng đào tạo, chỉ cần nhìn vào số lượng trường Trung học Phổ thông trên địa bàn một số quận đã thấy rõ sự khốc liệt trong cuộc chiến giành suất vào lớp 10 công lập. Đơn cử như ở quận Cầu Giấy, khi tỷ lệ đỗ công lập của toàn thành phố dao động quanh 60 - 62%, ở quận này, tỷ lệ đỗ công lập chỉ vào khoảng 28 - 30%.
“Cả quận chỉ có hai trường Trung học Phổ thông công lập là Yên Hòa và Cầu Giấy. Nhiều học sinh ở lớp con tôi sợ trượt đã chuyển nguyện vọng sang khu vực khác. Tuy nhiên, cũng chỉ dám chuyển không quá xa, chứ không thể nhà ở quận Cầu Giấy mà đăng ký nguyện vọng tận quận Hoàng Mai hay quận Hà Đông”, chị Hoàng Thu Linh (quận Cầu Giấy) chia sẻ.
Anh Bùi Tiến Hòa (quận Hà Đông) cho rằng, cơ hội học tập của học sinh sau Trung học Cơ sở rất phong phú, nhiều lựa chọn. Anh luôn đồng ý với chủ trương phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở. Song có lẽ, việc này cần phải thực hiện trên sự tự nguyện.
“Lựa chọn học trường nào là quyền của mỗi cá nhân, phù hợp với mục đích và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Tuy nhiên, khi việc phân luồng chưa thực sự hiệu quả mà Hà Nội không mở thêm trường công lập sẽ ngày càng có nhiều học sinh học hết lớp 9 buộc phải lựa chọn trường học không như ý muốn. Với lứa tuổi còn nhỏ, điều này rất thiệt thòi cho các con”, anh Bùi Tiến Hòa tâm sự.
Theo dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, so với năm học 2023 - 2024, Hà Nội sẽ có 134.942 học sinh vào lớp 10 (tăng 5.732 em) vào năm học 2024 - 2025. Con số này lần lượt ở năm học 2025 - 2026 là 129.890 - 680 và năm học 2026 - 2027 là 151.710 - 22.500. Về quy mô trường Trung học Phổ thông công lập so với năm học 2023 - 2024 (không tính trường công lập tự chủ và hiệp quản), năm học 2024 - 2025 dự kiến có 121 trường, tăng 2 trường; năm học 2025 - 2026 dự kiến có 123 trường, tăng 4 trường và năm học 2026 - 2027 có 125 trường, tăng 6 trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, việc đầu tư xây dựng trường Trung học Phổ thông công lập đã và đang được thành phố Hà Nội quan tâm. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới các trường Trung học Phổ thông gồm: Minh Hà (huyện Thạch Thất); Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); một trường tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy); Việt Hưng (quận Long Biên); Uy Nỗ, Nguyên Khê và Việt Hùng (huyện Đông Anh). UBND thành phố đã có kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp thành phố có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường Trung học Phổ thông, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.
Ông Trần Thế Cương cho biết thêm, bên cạnh giải pháp tăng cường đầu tư xây dựng và thành lập mới, cải tạo sửa chữa các trường học, đẩy nhanh tiến độ triển khai 7 dự án trường liên cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học và trong các khu đô thị tham mưu thành phố cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập.
Giải pháp xây thêm trường, cải tạo trường đã có, song đi cùng với đó luôn là áp lực tăng dân số khi các “đại đô thị” đang trong quá trình xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng trong tương lai gần. Nếu Hà Nội không đồng bộ triển khai quyết liệt các giải pháp, bao gồm cả xây thêm trường và thực hiện phân luồng sau Trung học Cơ sở thật tốt, câu chuyện hàng ngàn học sinh 7 điểm mỗi môn vẫn trượt công lập rất có thể không còn là nỗi buồn riêng của kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024.