Xóm núi Làng Hương

Thùy Dương, bạn gái của tôi quê ở xóm núi Làng Hương. Làng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, ngoảnh mặt ra sông Ngàn. Những cây cọ xù xì mà người dân Hương Khê vùng quê này gọi là cây tro, cường tráng, vươn thẳng lên trời cao, xòe tán lá tựa hàng ngàn mặt trời xanh, ôm ấp, chở che những mái nhà lợp bằng lá cọ đã ngả màu nâu thời gian. Chiều chiều từ các mái nhà ấy những sợi khói xanh mơ mỏng tang, bay lên uốn lượn quyện vào sương núi bảng lảng. Một con suối nhỏ nước trong văn vắt, lững lờ trôi như cánh tay mềm mại ôm lấy làng. Người già kể lại, ngày xưa khi dân làng mới đến đây, vào lúc ban mai, nước suối cứ thoang thoảng một mùi thơm huyền hoặc. Có lẽ vì thế mà từ đấy, suối mang tên là suối Hương.

Thùy Dương là nhân viên thư viện trường PTCS xã. Tôi và em quen rồi thân nhau từ hồi hai đứa còn là sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội. Những dịp nghỉ hè, tôi thường cùng em về Làng Hương. Bố Thùy Dương hy sinh ở biên giới Tây Nam, mẹ đi lấy chồng, em lớn lên trong lời ru và tình yêu thương của bà nội. Những lần tôi đến nhà Thùy Dương, trong những đêm trăng sáng, trên chiếc chõng tre trước sân, phe phẩy chiếc quạt bằng lá cọ, bà nội rủ rỉ kể chuyện làng cho tôi nghe. Rằng từ lâu lắm rồi những người dân miền xuôi đi tìm đất mới ngược rừng đến đây, thấy nơi này đất tốt bèn rủ nhau ở lại. Họ chặt cây, san núi, khai khẩn đất đai lập làng. Ngày ấy nơi đây là rừng đại ngàn, cây cối rậm rạp, chưa hề có dấu chân người. Đêm đêm cọp về ngồi vuốt râu trước nhà. Biết bao mồ hôi, nước mắt chín nắng, mười sương và cả máu của dân làng đổ xuống đất này để xóm núi trở nên trù phú. Dân làng ai cũng bảo đất có tốt, cây cối có sum suê, cảnh có đẹp là nhờ có nước suối Hương. Vì thế, người già lấy tên con suối đặt tên cho làng. Làng mang tên Làng Hương từ đó!

Dưới ánh trăng, núi ngàn đẫm màu cổ tích, tôi như bị hút hồn trong lời kể của bà. Rằng, cứ mỗi mùa lũ, con sông Ngàn lại chở về cho đất nơi đầy ăm ắp phù sa. Đất đai thêm phì nhiêu, tốt tươi, cuộc sống người đi khai phá miền đất mới no ấm, đủ đầy. Những cái Tết đầu tiên đến với xóm Làng Hương bên những mâm cỗ vùng sơn cước đầy ắp thịt béo, xôi dẻo, bánh ngon; mùi trầm hương ngào ngạt, người dân đi khai phá miền đất mới vẫn thấy có điều gì trống vắng. Thì ra là thiếu sắc hồng của màu hoa đào, màu hoa thân thiết, hồng hào, ấm áp biết bao không khí Tết trước vườn mỗi nhà, trên bàn thờ tổ tiên chốn cố hương. Thế là, làng họp lại, cử những chàng trai khỏe mạnh vào rừng sâu, lên tận đỉnh núi cao tìm đào. Những cây đào giống được mang về. Năm nối năm, đào lớn lên, xanh tốt. Và khi những hạt mưa ấm áp lất phất bay, khi những vầng nắng trong vắt tỏa xuống, những cây đào trước vườn các nhà bật nở muôn ngàn cánh hoa. Xóm núi Làng Hương như choàng làn mây hồng sắc hoa đào.

Câu chuyện của bà nội Thùy Dương trong những đêm trăng ở Làng Hương ghim vào ký ức tôi. Đã bao lần đến đây, nhìn những thửa ruộng lúa tốt bời bời chênh vênh bên sườn núi, những mái nhà yên ấm, vương vít khói bếp, nép mình dưới những hàng cọ, lòng tôi không khỏi rưng rưng. Biết bao cuộc đời đã sinh ra, đã sống, đã lớn lên nơi xóm núi này? Đất đai bình yên ôm vào lòng đất bao nhúm nhau những đứa trẻ chào đời, giữ trọn hình hài người về tiên tổ. Dưới những cánh hoa đào mùa xuân trinh bạch của xóm núi, bao lời thề nguyền đã trở nên đôi lứa. Trong phân vân, đã có lần tôi buộc hỏi Thùy Dương:

- Làng ở trong thung lũng, gần sông Ngàn thế này, núi non thì dốc đứng, lỡ mưa núi, lũ ngàn bà con ta biết tính sao?

Thùy Dương tủm tỉm cười, chỉ tay lên trần nhà, nơi có cái gác lát bằng những phiến gỗ chắc chắn, thật thà:

- Đó là cái chạn, nơi tránh lũ của người dân quê em. Trên chạn có lúa, gạo, nồi niêu, mắm muối, chăn mền… Hễ lũ về là mọi người trèo lên chạn ở. Lũ rút lại xuống làm ăn. Ở đây người dân phải biết cách sống chung với lũ!

- Có khi nào nước lên ngập quá chạn không em?- tôi vẫn băn khoăn.

- Theo người già kể lại, cả 100 năm nay chưa có mùa lũ nào nước ngập chạn. Cơn lũ cao nhất cũng chỉ mấp mé dưới mép chạn mà thôi, anh ạ.

Nghe em nói, nhìn suối Hương và con sông Ngàn hiền lành uốn lượn, chảy lững lờ, tôi cũng cảm thấy an lòng.


Tôi về Hà Nội. Bỗng đêm 16/10/2010, Thùy Dương gọi điện thoại cho tôi. Tiếng em hốt hoảng: “Mấy ngày nay bầu trời như sập xuống, anh ạ. Mưa như thể có bao nhiêu nước tích tụ trên bầu trời đều kéo về đây trút xuống. Nước thì ầm ào, cuồn cuộn, sôi réo, thét gào. Bà nội bảo hơn 80 năm nay bà chưa hề thấy cơn lũ nào khủng khiếp như lần này. Dãy Trường Sơn như sạt lở, nước cuốn theo bùn, đất đá, cây rừng, xác súc vật… tràn qua xóm Làng Hương, xô cây cối bật gốc, cuốn phăng nhà cửa, cuốn đi cả những người bao đời thủy chung với đất, với nước. Con sông Ngàn cũng trở nên hung dữ, chồm lên hợp sức cùng mưa lũ, dâng trào thành biển cả…? Nghe em nói mà ruột gan tôi như lửa đốt. Trong điện thoại, tiếng Thùy Dương run run, nghe thảng thốt, nhòa nhạt chìm trong tiếng mưa:

- Nước tràn vô ngập chạn rồi, anh ơi. Trời tối đen, chỉ nghe tiếng trâu bò ọ lên tuyệt vọng vì sặc nước, tiếng chó tru hoảng loạn đâu đó man dại, tiếng nước réo ầm ầm. Cái chạn lung lay lắm rồi, không chừng cũng bị nước cuốn mất thôi…! Phải bỏ nhà bơi đến hàng tro anh ạ. Cây tro cao hơn nóc nhà, rễ tro bám sâu vào đất, cầu trời, may ra nó trụ được với dòng nước xiết. Em sẽ cố sức bơi dìu bà nội đến đó. Thế nào rồi dân làng, bộ đội cũng biết mà đến cứu…

Tôi vừa nghe đến đó thì tín hiệu tắt ngấm. Điện thoại của em đã bị ướt mưa hay em đã... Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Đêm ấy cứ bồn chồn, không sao chợp nổi mắt. Liên lạc tứ tung mãi, rồi tôi cũng được một người bạn ở Ban thanh niên quân đội đi cứu trợ nhân dân vùng lũ Hương Khê, Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cho đi nhờ xe về Làng Hương. Dấu vết của trận hồng thủy kinh hoàng in hằn khắp nơi trên đường chúng tôi qua. Vết bùn khô trắng trên lưng chừng thân những rặng tre đằng ngà. Rác rưởi, cây cối, bao bì, chăn, chiếu treo lơ lửng, vật vờ trên các đường dây điện cao thế, hạ thế, cáp điện thoại. Những ánh mắt thảng thốt của người dân hằn sâu trên gương mặt sạm đen, hốc hác. Những cánh tay bám đầy những vết bùn xin xỉn vì ngâm lâu trong nước lũ... Xóm Làng Hương ngày chưa xa tôi đến còn ngời ngợi màu xanh sự sống, bỗng trở nên điêu tàn như thuở hồng hoang... Một màu nước đục ngầu mênh mông, lạnh ngắt, phủ lên nơi miền quê trù phú. Chỉ lơ thơ những ngọn cọ, ngọn tre, những mái nhà nổi liu hiu trên đó. Hoang vắng rợn người! Thùy Dương và bà nội đã được lực lượng dân quân xã cứu đưa đến ngọn đồi sau làng, trú trong những căn nhà bạt của bộ đội mới dựng. Ca nô chúng tôi vừa dừng, Thùy Dương đã nhào đến, ôm choàng lấy tôi nấc nghẹn...


Tháng cuối năm, tôi quyết định về Làng Hương. Dù đã nghe em kể qua điện thoại, lòng tôi vẫn không nguôi lo lắng. Xuống xe, tôi thắc thỏm đi dọc con đường ven sông Ngàn. Con sông độ tháng 10 dữ dằn như hung thần, nay hiền hòa chảy, trông xa mỏng tang như sợi khói lam chiều. Quanh tôi, ngan ngát màu xanh rau, xanh ngô, xanh khoai, xanh bí, xanh bầu... phủ kín cả cái màu đất nâu đen như nham thạch phun trào trong cơn hồng thủy. Mùi rau xanh, mùi ngô non, mùi khoai bở, mùi lộc cây, mùi phù sa lắng lại sau cơn lũ... gợi cho tôi cái vị mặn mòi của mồ hôi, của nước mắt và cả máu đỏ... thắp trong tôi rạng rỡ những nụ cười cùng sự ấm no, bình yên lại đến, đang về...!

Tôi dắt tay Thùy Dương đi trong cái màu xanh như mơ như thực của Làng Hương. Chợt tôi sững sờ, buông tay em, dụi mắt mấy lần mà cứ ngỡ mình mơ. Những cây đào xóm núi bị mưa dập, nước vùi, đã được người Làng Hương chống dựng lại, vun gốc, sửa cành... đang bật lên những chồi xanh man mát, non tơ.

Bút ký của Nguyễn Xuân Diệu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN