Thằng bé nổi tiếng ở cái xóm trọ nghèo này bởi “thành tích” học hai năm chưa xong lớp một. Người không biết chuyện nói cái thằng ngu chi ngu lạ. Học hoài mấy chục chữ cái không nhớ đừng nói đến ráp chữ, đánh vần. Người biết chuyện chép miệng như thanh minh giúp nó. Hoàn cảnh nó thế. Học được mới lạ. Không học xong lớp một thì có sao? Không biết chữ cũng có sao? Nó sống được là may phước rồi.
Đúng là thằng Đen- tên nó- sống được quả là may phước. Nếu hôm đó nó không gặp sư thầy đi công chuyện ngang qua đìa sen. Có đám tang trong xóm mời thầy đến lo giúp hậu sự. Khi về ngang qua đìa sen nở rất đẹp, thầy lội xuống hái vài bông về trưng. Chùa quê, cảnh quê quanh năm thanh bình. Hoa trái do người dân trong chùa đem đến dâng cúng. Quê nghèo nên hoa trái cũng nghèo luôn.
Nhưng sư thầy không để cho Tam bảo quạnh quẽ chút nào. Luôn tươm tất là hình ảnh ai cũng thấy khi đến chùa. Ít nhiều thì Tam bảo, nhà thờ Cửu huyền thất tổ luôn ấm áp. Đó là nhờ thầy khéo tay trồng trọt, khéo tay chọn hoa như khi qua cái đầm sen này đây.
Đang lúi húi hái sen, thầy giật mình thấy thằng bé lóp ngóp rồi chìm dần, chìm dần. Vội vã, thầy nhảy ào xuống cầm chỏm tóc nó kéo vào bờ. Sau một hồi xóc nước, thằng Đen tỉnh dậy ngơ ngác nhìn quanh rồi khóc: “Mẹ con đâu rồi? Mẹ ơi, mẹ ơi…“. Khi đó, nó năm tuổi. Nhưng nó ốm o nên nhìn cứ như đứa trẻ mới lên ba.
Khi sư thầy đưa được thằng bé vào chùa, lấy khăn lau khô cho nó, lấy cái áo chú tiểu rộng thùng thình cho nó mặc xong thì bà ngoại nó hớt hơ hớt hải chống cây nạng gỗ ào vào chùa: “Cháu ơi, cháu ơi, cháu tôi đâu rồi?”, bà khóc và ôm chầm nó vào lòng.
Bà cứ tưởng nó đã đi lạc hay bị bắt cóc gì đó. Bà mừng khi tìm được thằng cháu nên cứ khóc nức nở như trẻ con. Một người nào đó trong đám đông nói một câu nhói lòng: “Xùy, ai mà thèm bắt cóc cháu bà? Người ta bắt cóc cũng… nghiên cứu dữ lắm. Nhà nào giàu mới bắt để có tiền chuộc. Bắt cháu bà làm gì?”. Đôi khi, để an ủi một nỗi đau, người ta lại chồng lên một nỗi đau khác. Nhiều người đưa ánh mắt trách móc về phía người vừa phát ra câu nói vô ý vô tứ. Sư thầy nhẹ nhàng nói: “Mô Phật, bà con về lo cơm chiều đi chứ. Đứng đây hoài à? May mà thằng bé không mệnh hệ gì”.
Bà ngoại thằng Đen kể, bà đang chống nạng đi lượm ve chai thì người ta nói thấy con gái bà về kìa. Bà lật đật chạy về thấy căn phòng trống trơn. Trên bàn có mấy bịch gạo, đường, sữa và ít tiền ai bỏ lại. Nhìn quanh phòng trọ không thấy thằng Đen đâu, bà lật đật đi tìm cháu.
Để cho thằng bé bình tĩnh lại, cho nó ăn no nê một bữa cơm chay, sư thầy và bà ngoại nó thay nhau hỏi han nó rằng con đi đâu mà rớt xuống đìa sen. Nó nói con rình rình đi theo mẹ. Sao mẹ không ở nhà với con và ngoại mà bỏ đi đâu vậy? Khi nó đang ngủ trưa muộn chưa dậy, nó thấy có ai đó cúi xuống ôm mặt nó và khóc. Giọt nước mắt nóng hổi của mẹ làm cho nó thức giấc.
Nhưng nó vờ như ngủ say. Sau một hồi thổn thức cùng con, mẹ nó bỏ mọi thứ trên bàn và vội vã ra đi cũng vội vã như khi trở về. Nó bám theo mẹ. Nhưng đến một con hẻm nhỏ phía ngoại ô, mẹ nó khuất bóng. Mất dấu mẹ, thằng Đen vừa đi tìm vừa khóc. Xa dần thành phố, nó lạc đến một góc còn sót lại ruộng vườn. Đói bụng, nó định xuống đìa hái ít hạt sen tươi để ăn thì trượt chân té.
“Sao con không gọi mẹ? Sao con chỉ âm thầm đi theo?”, sư thầy hỏi thằng Đen với giọng lo âu pha chút xót xa. Thằng bé rơm rớm nước mắt: “Mẹ biết con đi theo đằng sau sẽ chạy nhanh hơn nữa. Nhiều lần vậy rồi. Con tính… theo dõi để biết chỗ ở của mẹ…”. Sư thầy gật gù nhưng có lẽ, thầy khó có thể hiểu hết ngọn nguồn, tình cảnh khổ sở của mẹ con, bà cháu nhà cu Đen. “Khổ lắm thầy ơi, thôi trời bắt tội, đành chịu. Thôi cảm ơn thầy và cho phép bà cháu tôi về”…
Không tiện hỏi han gì thêm, sư thầy để cho hai bà cháu dắt díu nhau về nhưng trong lòng không khỏi thương cảm cho đứa bé tội nghiệp. Thầy dặn thằng Đen hễ đói bụng, tới thầy cho ăn cơm chay đừng hái sen ăn, có ngày chết đuối. Thỉnh thoảng thằng bé đến và thầy cũng nghĩ nó được bà chăm nom đàng hoàng.
Đó là chuyện của hai năm trước. Bây giờ, thằng Đen đã bảy tuổi, học hai năm chưa xong lớp một như đã nói ở đầu truyện. Đó cũng là câu chuyện của chú tiểu kể lại với thầy khi thầy thấy lâu quá không có tin tức gì của bà cháu thằng bé như dạo trước.
Hai bà cháu vẫn ở khu xóm trọ nghèo ven thành phố. Hàng ngày, bà ngoại dắt cháu đi lượm ve chai, bọc nilon. Thằng bé được đi học nhưng đến trường nó chỉ ngồi ngáp và ngủ. Không có bạn bè chơi cùng, nó lủi thủi một mình. Sách vở cũng là của thầy cô trong trường cho. Thầy cô thấy nó học quá tệ nhưng không đành lòng la mắng. Bởi có nói một đôi câu, thằng bé lại rơm rớm nước mắt, khóc gọi mẹ ơi nghe não nề lắm…
“Con đem thằng bé về đây, dạy dỗ nó đàng hoàng cho ta”, lệnh của sư thầy với chú tiểu trong chùa. Chú mừng thầm vì từ nay mình nghiễm nhiên có… đệ tử! Ít ra nó cũng giúp được mình chẻ củi, xách nước, nấu cơm…
Thằng Đen “chuyển địa chỉ” đến chùa sống cùng sư thầy và chú tiểu. Bà ngoại nó ban đầu không chịu vì thương cháu nhưng sau thấy ở với mình chẳng có tương lai gì nên bà cũng đồng ý. Thỉnh thoảng nhớ cháu, bà lại chống nạng lên thăm thằng Đen.
Sau này khi đã thân quen, sư thầy mới hỏi rõ sự tình. Bà ngoại thằng Đen nói ba nó đành đoạn bỏ rơi con gái bà khi thằng Đen còn trong bụng mẹ. Đẻ con ra, mẹ nó giao cho bà ngoại và đi biền biệt, lâu lâu mới về một lần. Sau này bà mới biết con bà làm vợ hờ cho một người giàu lắm. Giàu sang nhưng không cho nhìn con. Bà nhất quyết cấm cửa con gái, không cho nó về thăm. Bà cũng không thèm nhận những đồng tiền con gái đem về như chuộc lỗi…
Thằng Đen hóa ra không tệ. Đầu nó không phải… đầu đất như mọi người nói. Sư thầy “sắp xếp” lại cái đầu ngổn ngang nỗi niềm giúp nó. Chuyện nào ra chuyện đó. Mẹ con có nỗi khổ tâm riêng. Cái chân của bà ngoại con bị cưa cụt cũng bởi đạp phải cây sắt cũ, không lo chạy chữa và cũng không có tiền chạy chữa cho đến khi một khúc chân bị hoại tử.
Con thương mẹ, thương ngoại, thương thân mình thì phải học hành đàng hoàng, phải nên người. Sư thầy và chú tiểu có cách dạy từ tốn và nó nhớ từng chút một. Có những lúc nó… sợ chữ, chú tiểu còn đem quyển sách chữ Hán ra… dọa. Nói chữ Quốc ngữ dễ vậy không học được ta cho đệ học luôn cái chữ khó xơi này nhé. Thằng Đen khiếp quá lại chịu khó đọc sách, viết chữ.
Thằng Đen giờ đọc thông, viết thạo. Giờ nó lại mon men học cái chữ… khó xơi! Kinh sách nó cũng mê lắm. Ngoài giờ phụ cơm nước ở chùa, nó đọc sách miệt mài. Thỉnh thoảng, nó lại nhìn dòng người đến viếng chùa rồi thở dài. Khi nào thấy cảnh cha mẹ dắt con tung tăng đến chùa lễ Phật thì cái thở ra của nó dài hơn chút nữa.
“Con cứ ở đây chờ mẹ. Không cần đi tìm đâu cả. Sẽ đến ngày mẹ con tự đến tìm con. Con sẽ tìm gặp mẹ khi mình giỏi giang, trưởng thành, hiểu chuyện… Thầy tin chắc thế!”.
Và nó cũng tin chắc thế như thầy…
Trần Quỳnh Như