Trong hơi men ngà ngà say loại rượu đế Ba Thán vốn là món “ độc chiêu” của huyện Phong Điền này, chú sáu Hiền kể vanh vách về sự linh thiêng làm hàng chục người khách ngồi nghe mặt xanh như tàu lá. Có người bán tín bán nghi nhưng mê cái lối kể chuyện rất hấp dẫn của chú nên cũng ngồi xếp lớp để nghe. Tiếng trống múa lân rộn rã trên khoảng sân rộng rợp mát bởi những hàng gừa. Nhang, khói bay mù mịt từ ngôi miếu Bà lan xa trong khoảng không gian lồng lộng nắng tháng Tư. Lũ con nít thì chăm chú theo dõi màn lên đồng của các đoàn múa từ khắp nơi đổ về khu tâm linh huyền bí này. Người chật cứng. Cũng dễ hiểu thôi, lễ hội mà.
- Nè vô khu này chớ có dại dột mà leo trèo hay bẻ nhánh gừa nghe, coi chừng “bà” quở đó. Chú cảnh báo rất nghiêm trang.
- “Bà” mà chú nói là ai vậy?. Một người khách lạ chen vào.
- Tui mà biết mặt chết liền, nhưng hồi nhỏ lớn lên đã thấy giàn gừa này và sự tích của Bà Thượng Động Cố Hỉ. Bà chết nay đã một trăm năm mươi bốn năm rồi. Ngày hăm tám tháng hai “ta” là làm lệ cúng giỗ.
Chú Sáu còn kể câu chuyện mà xứ này ai ai cũng biết. Số là một chiếc Kô Be múc đất làm thủy lợi vô ý làm gãy nhánh gừa xanh tốt đang chìa ra mé sông. Đêm đó, bỗng dưng chiếc cần cẩu của nó gãy lìa rất lạ lùng. Biết chuyện mấy lão nông cố cựu khuyên người chủ kô be ấy đến tạ lỗi với bà bằng cặp vịt mới yên ổn. Chú nói hổng biết chuyện có thiệt hay không nhưng thuở nhỏ, người làng ở đây đều truyền lại cho con cháu câu chuyện về Bà. Hồi mấy trăm năm về trước, một số người thân, tay chân của chúa Nguyễn Ánh chạy vô Nam lập nghiệp, trong đó có gia tộc họ Nguyễn của chú bây giờ. Không hiểu sao loại cây Gừa này lại mọc lên xanh tốt, rộng đến một mẫu Tây. Lạ ở cái chỗ ai chặt phá, bẻ nhánh gừa đều bỗng dưng phát bệnh mà chết. Từ đó khu rừng gừa này không ai dám lai vãng, gừa tốt mịt mù, cây này quấn chặt với các cây khác tạo thành những giàn Gừa rất lạ lùng đẹp mắt, cái tên “Giàn Gừa” xuất hiện từ dạo đó. Một hôm có mấy người dân quê làm ruộng hút thuốc “mô” sơ ý quăng tàn thuốc làm khu rừng này bốc cháy tan hoang.
- Thuốc “mô” là sao? Tụi tui chưa thấy nó bao giờ? Một người khách tò mò hỏi.
- Là thuốc rê mình quấn với lá mã tiền hay lá chuối non, vậy là bóc lăn xe, coi vậy chớ hút “phê” dữ lắm nghe. Nghe kể hồi đó lá gừa ở đây dầy tới bốn, năm tấc lận đó, bởi vậy chịu cháy là kể như đi đứt.
Sau đó mấy hôm, nhiều dân làng bỗng lăn ra chết vì căn bệnh lạ: không ăn uống được, ói mửa, nóng sốt, tiêu chảy rồi chết. Nhiều người lo sợ đã bỏ xứ ra đi, riêng dòng họ Nguyễn của chú cương quyết ở lại. Lại mấy tháng sau xuất hiện một đạo sỹ đầu tóc bác phơ nghe đâu tới từ Châu Đốc. Ông này hốt thuốc nam chữa bệnh lạ cho dân làng rất hiệu quả. Trước khi về xứ, ông mời dân làng đến và nói trong khu rừng gừa này có vong linh của bà Thiên Động Cố Hỉ, bà nổi giận vì dân làng làm cháy rừng nên quở bệnh. Nay phải nhanh chóng cất mới lại ngôi miếu thờ bà thì mới yên ổn làm ăn.
- Rồi dân làng có làm y như lời ông đạo sỹ đó hôn chú?
- Trời đất. Hổng làm cho bà bắt hay bẻ cổ sao? chú cười rất vui.
Vậy là hàng năm cứ vào ngày hai mươi tám tháng hai âm lịch là dân làng lại tổ chức cúng tế long trọng. Nhiều người tới cầu khẩn rất linh ứng nên đồn đại khắp nơi, ngày lễ giỗ có đến hàng ngàn người cúng vái.
Ra vẻ rất quan trọng, chú Sáu Hiền nhắm nghiền mắt lẩm bẩm cầu khẩn lầm bầm trong miệng khoảng vài phút rồi im lặng khá lâu. Nhớ hồi nhỏ, chú và mấy người bạn thỉnh thoảng lén bò vào khu giàn gừa mát lạnh để bắn bi, đánh trỏng, chơi bông vụ, chơi xong thì phóng xuống sông bơi lội cho thỏa thích. Có lần bị phát giác, cha chú lôi chú về nhà nện cho một trận đòn roi mây sưng đít phải nghĩ học cả tuần. Cha chú nói:
- Hết chuyện chơi sao mầy vô cái khu rừng gừa đó. Bà vặn họng mầy có ngày. Hiểu chưa?
- Tao cấm mầy từ nay hổng có sớ rớ tới lui khu đó nữa. Cãi là tao đập chết.
Cấm thì cấm nhưng chú và lũ bạn cũng cứ len lén tới đây bởi sức hẫp dẫn rất kỳ lạ mà tới nay dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy mà chú cũng không tài nào giải thích được. Năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm tới bảy mươi hai, vùng này chiến tranh ác liệt. Mỹ - Ngụy càn quét liên miên, pháo dội vô rừng gừa nồng nã ngày đêm. Dân làng này, trong đó có chú Sáu ruột đau như cắt. Mỗi lần hết pháo kích là chú lại ù ù chạy bộ tới đây coi mấy cây gừa sống chết ra sao.
Đang kể, bỗng dưng chú nín thinh rồi đứng bật dậy, mắt ngước nhìn lên những đọt gừa cao nghều nghệu như đang tìm kiếm cái gì đó xa xôi huyền hoặc trong cái khoảng xanh sầm sậm to đùng của giàn gừa. Trên khuôn mặt già nua khắc khổ ấy, những giọt nước mắt hiếm hoi đang chực trào ra.
Chú nhớ thời khắc pháo giặc bắn vào khu này ầm ập suốt đêm. Cũng dễ hiểu thôi, chúng đang giãy chết trong khí thế tiến công ào ạt của bộ đội đang rầm rộ tiến về giải phóng miền Nam. Nhà nhà ở cái xóm này không ai ngủ được. Lửa cứ cháy phần phật từ khu Giàn Gừa, những cột khói cứ bốc cao ngùn ngụt, tiếng gừa cháy rôm rốp nghe đau đến nhói lòng. Vợ chú ra đứng phía sau nhà mắt bừng bừng lửa giận.
- Tui phải qua đó với anh em để cứu giàn gừa, ông ở nhà coi chừng xấp nhỏ nghe. Bà nói rất lớn như muốn át cả tiếng pháo.
- Trời ơi. Nguy hiểm như vậy mà bà đi sao đặng. Thôi thì đi đi. Tui còn phải chuẩn bị vũ khí cho mấy “Ổng“ dìa lấy. Xin Bà “thượng động cố hỷ” dìa đây phò hộ cho làng này.
- Có chết tui cũng đi. Khu rừng đó là xương, là máu, tài sản vô giá của dân làng mình. Mắc mớ gì mà nó tàn sát. Thôi tui đi đây, nhớ lời tui dặn, chút nữa tui dìa.
Nói xong bà quơ cái phảng rồi chạy vụt biến trong màn đêm. Bên ngoài màn đêm thỉnh thoảng lại rực sáng lên bởi hàng loạt hỏa châu của địch bắn liên tục.
Vậy rồi vợ chú không về. Sáng hôm sau, cả xóm kéo nhau lội ra giàn gừa mới thấy năm người du kích đã chết thân mình còn vắt qua thân gừa trong đó có thím Sáu, tay người nào cũng còn nắm chặt những chiếc thùng múc nước bằng tôn. Có lẽ họ đang ra chuyền nước cho nhau để cứu những cây gừa non không bốc cháy. Xóm này bắt đầu có một cái đám ma tập thể từ đó đến nay, đám giỗ hàng năm các gia đình đều tập trung cúng kiến tại nơi họ nằm xuống.
- Phải rảnh rỗi, tui mời mấy cô chú tới dự đám giỗ tập thể cho biết. À. Mà để tui kể chuyện này cho mấy cô chú nghe mới rùng rợn. Ai yếu bóng vía thì đi chỗ khác, tui hổng chịu trách nhiệm lỡ có người xỉu nghe. Chú hóm hỉnh nói.
- Trời đất. Chú làm tụi tui sốt ruột quá, kể nhanh đi chú, nôn dữ lắm rồi đây.
- Gấp dữ vậy, để tui nhớ coi. À mấy lần giặc càn quét vô khu rừng gừa này thì y chang lần đó bỏ mạng. Ngộ cái chỗ là chết mà hổng tìm thấy xác mới ghê. Riết tụi nó đồn rằng đã bị “bà” bẻ cổ nhấn xuống mương, từ đó chúng không còn dám càn vô khu “tử địa” này.
- Chú nói nghe “dỡn óc” quá. Mà chuyện đó có thiệt hôn chú.
- Tụi nó chết là có thiệt. Tụi tui lúc đó là du kích làm thịt nó chớ ai. Còn cái chuyện mất xác là do tụi tui “ém” rồi tung tin cho nó hoảng hồn hoảng vía vậy thôi. Vậy mà “linh ”. Tụi nó chạy vắt giò lên cổ. Thiệt đã. Chú cười hề hề.
- Hiện nay, chú sống ra sao?
- Tui ở một mình. Một thân một ngựa mà. Xấp nhỏ có vợ có chồng ra riêng hết trơn rồi.
- Sao vậy?
- Tại cái số là vậy. Trời kêu ai nấy dạ. Với lại tui còn nặng nợ với cái khu tâm linh này lắm, nhất là vong linh của vợ tui cùng đồng đội, hổng làm chuyện khác được. Ai tới đây đều kiếm tui để nghe kể lại nguồn gốc khu này, chuyện bà Thiên Động Cố Hỷ, chuyện giặc đốt rừng gừa, chuyện khai hoang mở đất thời hồi xửa hồi xưa, thời buổi bây giờ, kể cho vui, cho nhớ, tui kỵ cái vụ mê tín “dị đan” lắm, làm gì cũng phải “tính tán” cẩn thận. Hổng khéo bọn xấu nó lợi dụng nói từa lưa thì công sức mấy trăm năm gìn giữ khu này kể như “Dã tràng xe cát biển Đông”. Sau giải phóng, dân làng lại tiếp tục tu bổ, chăm sóc khu giàn gừa và khói hương cho miếu bà không hiu quạnh. Đáng tiếc là khu rừng nguyên sinh quý hiếm năm xưa giờ chỉ còn tồn tại khoảng bốn công.
Đang kể, bỗng dưng giọng chú chùng xuống rất lạ thường.
- Có chuyện gì mà sao thấy chú buồn buồn vậy?
- Không buồn sao được. Tuổi thơ tui đã gắn bó với gừa, mất nó tui cảm thấy có lỗi vô cùng. Vậy mà nghe nói...
- Nghe nói sao chú sáu?
- Nghe nói “chánh quyền” sắp qui hoạch khu di tích tâm linh này thành khu du lịch sinh thái sinh thiết gì đó, tui lo lắm.
- Trời đất. Đáng lẽ chú nên mừng mới đúng, mở rộng khu này mai mốt đất có giá cho coi.
- Tui biết, nhưng cứ lo. Rồi đây Giàn Gừa nguyên sinh quí hiếm và nhiều kỷ niệm với tui biết có còn nguyên hôn? Hay người ta lại đốn hạ, chặt bỏ nó không thương tiếc. Nói đến đó chú im lặng, đôi mắt già nua cứ đăm đăm nhìn về phía Giàn Gừa đang xanh thăm thẳm như những chứng nhân lịch sử ngàn năm. Trong mơ hồ hoang tưởng chú thấy ẩn hiện đâu đây hình bóng năm người du kích đang cười mãn nguyện, thấy cái quá khứ tuổi thơ của chú cứ bay lượn chập chờn dưới những hàng gừa báo hiệu một sức sống rất mãnh liệt, phi thường.
Tô Phục Hưng