Hồn biển gọi ta đi

Xóm nhỏ ven biển đêm nay không ngủ. Những chiếc đèn bình ắc quy lập lòe trong cơn gió biển tràn về ào ào. Mấy rặng phi lao nghiêng qua nghiêng lại như muốn đổ ập xuống giồng cát miền Trung phát ra những tiếng kêu lào xào. Đêm ba mươi tối đen như mực. Cánh đàn ông đi biển ngồi quanh đống lửa với những đôi mắt căm thù, uất hận đăm đăm nhìn ra phía biển mênh mông. Cánh phụ nữ ngồi nấu những nồi bắp lớn với tâm dạ ngổn ngang, lo lắng. Trẻ con xóm này không còn hồn vía đâu mà vui chơi như những lần người thân chuẩn bị ra biển. Chúng mơ hồ nhận ra có cái gì đó bất thường đang đè nặng xuống cái xóm nhỏ thân quen này. Người già thì quây quần trên những chiếc chiếu theo dõi thời sự trên Biển Đông trong tâm trạng uất ức, bực dọc, hờn căm. Tiếng sóng biển đuổi nhau vào bờ đập vào ghềnh đá tạo những tiếng kêu huỳnh huỵch liên tục kéo dài trong khoảng lặng mênh mông đầy sóng gió.


 

Minh họa: Trần Thắng

 

Chậm rãi rót từng chung rượu Bàu đá chính gốc, ông Hai Tửng nói một mạch:


- Hàng chục năm bôn ba trên những chuyến tàu không số chở vũ khi xuôi ngược Bắc Nam, tao đâu có ngán, sống chết là lẽ thường, vậy mà giờ đây thấy mấy chiếc tàu Trung Quốc hung hăng xâm lấn, tao ức quá, phải chi tao còn trẻ sẽ xung phong ra ngoài ăn thua đủ với tụi nó.


- Thôi. Bố à. Chuyện đâu còn có đó. Tiếng Ngân, con dâu ông Hai Tửng nhỏ nhẹ.


- Thôi sao được con. Mình càng nhịn nhục thì nó càng làm tới. À mà nè, qua nay thằng Tâm có gọi điện về hôn? Tình hình ngoài đó sao rồi con?


- Dạ có. Ảnh nói sức khỏe anh em cảnh sát biển ngoài đó rất tốt và quyết tâm bám biển quyết liệt lắm. Ảnh nói bố cứ yên tâm.


Nói cho bố chồng an lòng chớ qua sóng điện thoại của chồng lúc nghe được, lúc không, kèm theo tiếng nước phun ầm ập, Ngân đang hình dung ra sự đối phó rất gay go của chồng mình và đồng đội trước những chiếc vòi rồng phun nước hung tợn. Cứ sau mỗi đợt đối phó, cam go, Tâm lại gọi điện về đất liền trấn an gia đình. Trên chiếc bàn thờ giữa căn nhà đơn sơ, Ngân đốt liên tục những cây nhang trầm cầu nguyện cho những người từng ngày, từng giờ ra sức canh giữ biển trời, trong đó có chồng mình.


- Nội ơi. Mai mốt lớn lên, con sẽ giống như nội như ba con nghe nội? Tiếng thằng Trí nói rất vô tư, vừa nói nó vừa ôm lấy cổ ông nội nó ra chiều hí hửng lắm.


- Sao bây nói vậy?


- Thì cô con dạy, mình là người Việt Nam, mình phải yêu quê hương đất nước, phải biết giữ gìn biển đảo quê hương chớ. Với lại con… con…


- Con làm sao ?


- Con xem vô tuyến thấy Trung Quốc hống hách quá chừng. Con mà có “rô bô” thì biểu nó bay ra biển “nện” vài phát cho nó chìm giàn khoan, chìm tàu cho nó “tởn”. Ba con nói dù phải hy sinh cũng phải giữ biển của mình.

 

- Yêu nước như bây là tốt rồi, con cái vụ “rô bô”, “rô bốt” gì đó lớn lên tính sau.


- Nội nhớ nghe. Lớn lên con nhất định sẽ làm hải quân để giữ đảo Trường Sa, Hoàng Sa hay bất cứ đảo nào của Việt Nam - Trí cười hì hì nhe mấy cái răng cùn rất dễ thương và lí lắc làm sao.


- Mà nội ơi. Đêm nay khó ngủ quá, nội kể cho con với mấy đứa nhỏ xóm này cái chuyện hồi xửa, hồi xưa nội đi trên mấy chiếc tàu chở súng đạn đánh Mỹ đi nội.


- Được rồi, chuyện gì chớ mấy cái chuyện đó, tao thuộc làu làu, khỏi cần sách vở gì hết.


Câu chuyện cứ trôi đi nhẹ nhàng, đều đều trong đêm lạnh. Tới giờ ông cũng không biết cha mẹ của mình là ai nữa. Nghe nói một người tốt bụng nào đó đã đem ông về quê biển này nuôi khi ông còn đỏ hỏn, được quấn chặt trong một chiếc mền rách tả tơi bị bỏ rơi trước một ngôi chùa miệt Quảng Ngãi nầy.


- Chắc tại hồi nhỏ, tao hơi phá phách, tưng tưng, nên cha mẹ nuôi tao đặt cho cái tên Tửng, tửng là khùng khùng, điên điên đó mà. Ông cười khà khà.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt cứ liên tiếp đi qua trên vùng cát nóng đầy gốc xương rồng này. Bom đạn quân thù cứ thay nhau dội xuống những đồi cát, vậy mà ở đây vẫn tồn tại những chiến sỹ du kích bám trụ kiên cường. Có lần nửa đêm thức giấc bởi cơn biển động ầm ầm, ông không thấy cha mẹ nuôi của mình đâu cả. Ông bật dậy lần mò ra phía cánh rừng nằm sâu trong con lạch nhỏ. Ở đó đang le lói những vệt đèn bão tù mù được vặn tim rất nhỏ, tiếng bàn tán khe khẽ cứ dồn dập vang lên.


- Chuẩn bị cho chuyến tàu không số mang vũ khí vào Nam, trung ương đề nghị chúng ta đánh một trận để “dằn mặt” tụi nó, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến hàng cặp bến an toàn, các đồng chí rõ chưa? Tiếng người cha nuôi của ông nghiêm khắc đầy sự quyết tâm.


Những cánh tay đưa cao từ những bóng người chập chờn trong rừng sâu làm ông rùng mình. Trong mơ hồ nhận thức giản đơn, ông hiểu những bóng đen ẩn hiện kia là Việt cộng. Những con người bình thường, dung dị nhưng cũng rất phi thường đang làm cho kẻ thù ăn ngủ không yên.


Trong trận đánh phủ đầu ấy, xác giặc nằm ngổn ngang dọc theo bờ biển. Cứ mỗi cơn sóng đánh tạt vào là hàng loạt xác người phập phều trôi vào bãi biển. Cũng trong trận chiến kiên cường ấy, cha mẹ nuôi của ông đã không còn trở về cùng đồng đội. Đơn vị làm đám tang và chôn cất những chiến sỹ hy sinh trên cái ụ đất nhỏ lọt thỏm giữa rừng. Có lẽ ai cũng muốn linh hồn họ luôn quấn quýt quanh đây, gắn bó với sóng biển miền quê, phù hộ anh em còn lại đủ sức chiến đấu đến ngày thắng lợi.


Ông nhớ lắm cái ngày được chú Tư Phong, Bí thư huyện ủy gọi đến giao nhiệm vụ. Trên chiếc ghe lênh đênh giữa quãng sông cái rộng mênh mông trong đêm ba mươi tối đen. Giọng chú Tư chậm rãi nhưng kiên quyết và đanh thép


- Tửng à, cơ quan định giao mày làm một chuyện, nguy hiểm lắm nhưng tính tới tính lui hoài chỉ có mình mày là tiện nhất, mày nghĩ sao?


- Có gì chú cứ nói đi, dù nguy hiểm mấy con cũng cố gắng hoàn thành, đây cũng là dịp để trả thù cho cha mẹ con.


- Được rồi, chuyện là vầy, bay sẽ làm nhiệm vụ dẫn đường cho mấy chuyến tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc tập kết vào đây, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam. Bây còn nhỏ dễ qua mắt địch, vả lại rành đường đi nước bước, bơi lội như rái nên tiện dữ lắm.


Đêm ấy trong căn chòi lá “dã chiến”, đơn vị tổ chức kết nạp Đảng cho ông thật đơn sơ nhưng trang trọng biết bao.


- Rồi sao nữa nội kể lẹ lẹ lên, tụi con sốt ruột quá trời. Tiếng thằng Trí thúc giục.


- Từ từ tao kể, gấp dữ vậy bây?


Sau nhiều năm làm nhiệm vụ dẫn đường ngon trớn, hàng chục chuyến tàu được ông đưa vào cặp bến an toàn. Đến chuyến thứ mười lăm, cũng đúng vào đêm ba mươi tối mù mịt, địch bất ngờ phát hiện bủa vây truy kích ác liệt. Trên không trung hỏa châu sáng đỏ trời, máy bay địch quần kín mặt biển. Dưới mặt nước hàng chục chiếc tàu chiến triển khai đội hình bao vây tàu không số. Tình thế khẩn trương, chỉ huy tàu - chú Hai Phát ra lệnh:


- Anh em tìm đường bơi vào bờ nhanh lên. Mình tao ở lại chết với tàu, chết với tụi nó, anh em đi mạnh… giỏi. Tiếng chú Hai thúc giục khẩn khoản


- Không, tụi tui thà chết với anh Hai, thà hy sinh vì Đảng vì nước, sao lại bỏ anh trong lúc này, anh cho tụi tui ở lại anh Hai… ơi !


- Không, tao là chỉ huy, tụi bây không được cãi lệnh. Mắt chú Hai đỏ ngầu ánh lên những tia màu đỏ ngầu đến khủng khiếp.


Biết không thể lay chuyển ý anh, cả đoàn thủy thủ trong đó có ông đau đớn rời tàu. Sóng đánh rất to. Trời bắt đầu đổ mưa. Chiếc tàu chòng chành, chòng chành, lúc ẩn lúc hiện. Khi cả bọn bơi thoát vào gần bờ thì một tiếng nổ long trời vang lên, cốt lửa bốc cao phừng phừng trong cơn giông tầm tã. Nhiều tiếng nổ tiếp tục vang lên như một phản ứng dây chuyền, nhiều cột lửa bựng khói vọt lên trời. Cả bọn lặng im tuôn trào nước mắt. Những chiếc nón tai bèo ướt đẫm mằn mặn mùi nước muối giở ra tiễn biệt người chỉ huy gửi lại đời mình trên biển cả. Hôm sau nghe nói bốn tàu chiến với hàng chục tên địch bỏ thây khi hí hửng cặp dây neo nhảy sang con tàu không số. Dưới khoang hầm chú Hai Phát đã cho nổ tung tất cả.


Đã hơn 12 giờ đêm mà câu chuyện kể của ông Hai Tửng vẫn kéo dài không dứt. Mấy đứa nhỏ ngồi nghe kể chuyện mà mắt cứ tròn xoe, miệng mồm há hốc. Lần đầu tiên chúng mới được nghe về chuyện đoàn tàu không số.


Sau giải phóng, ông lập gia đình với một cô thôn nữ ở cái làng quê biển này. Ông đâu có quê đâu mà về. Thôi chọn nơi này làm quê hương vậy. Thằng Tâm ra đời và lớn lên giống ông như đúc. Từ tướng đi, giọng nói, tánh nết đến ước mơ. Nó mê biển tột cùng. Sau khi tốt nghiệp sỹ quan, nó xung phong đi công tác ở Trường Sa rồi chuyển ngành qua lực lượng Cảnh sát biển tới nay. Ai nói gì nó cứ cười. Bạn bè bàn tán, vợ mới cưới cằn nhằn nó cũng cười cười tỉnh rụi. Chỉ có ông mới hiểu sự cuốn hút rất kỳ lạ của biển trong lòng nó cũng luôn náo nức sôi sục giống như ông. Lạ thiệt lạ. Trời xui đất khiến thế nào mà thằng cháu nội ông cũng bắt đầu yêu biển. Ba thế hệ sẽ tiếp nối nhau yêu biển và giữ biển.


Ông Hai Tửng lẳng lặng đi trong đêm tối đen hướng về ngôi nhà của mình. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn nho nhỏ, ông thấy Ngân đang trầm ngâm suy nghĩ bên chiếc điện thoại với nụ cười rạng rỡ tin yêu. Có lẽ nó đang chờ tín hiệu từ thằng con trai ông gọi về giữa lòng biển cả mênh mông. Trên chiếc bàn học trò của thằng Trí, ông thấy nét chữ rất đẹp và thẳng ngay với những lời hát “… Mỗi cánh thư về từ đảo xa…Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi… Thương nhớ không nguôi người chiến sỹ Trường Sa ơi …


Ông hiểu rằng hồn biển đang gọi ông, thằng Tâm, thằng Trí và mấy mươi triệu trái tim người Việt Nam yêu nước bằng tiếng sóng đang dần lan tỏa trong mỗi tâm hồn.


Truyện ngắn của Tô Phục Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN