Đàn bà xứ nắng

Xứ này buồn quá. Buồn đến nỗi chị không kìm lòng được đành thốt lên lời khi ngồi khâu áo cho Khang. Chỉ riêng hình ảnh những người phụ nữ lủi thủi trôi đi trong cái nắng gay gắt của mùa hè, kéo theo chiếc bóng đổ dài xiêu vẹo trên đường cũng đủ làm lòng người nhàu nhĩ.

 

Đấy là chưa kể đến tiếng gà gáy báo canh da diết làm những người đàn bà đơn lẻ trong ngôi nhà này cựa mình thao thức giữa đêm. Lúc mới về làm dâu chị cứ tự hỏi nhà không phải vắng đàn ông mà sao lúc nào cũng chỉ nghe thấy tiếng thở dài của đàn bà bé mọn.

 

Sau này thôi không hỏi nữa vì thấy chính mình cũng thườn thượt canh thâu như thế. Hồi mới bỏ đồng bằng về đây, ai gặp chị cũng khen cô này thế mà gan, không gan sao dám gật đầu lấy thằng Khang. Nó có phải người đâu, nó giờ còn có cái bóng không hồn. Chị nghe chỉ cười, nhìn quanh nhà thấy đâu đâu cũng cần vá víu…

 

Minh họa: Trần Thắng


Khang đi suốt chẳng ở nhà được mấy khi. Tính tình vẫn lầm lì vậy thôi nhưng chị quen nên cũng chẳng muốn buồn. Chị lấy Khang vì thương thì bây giờ vẫn thương, có vậy thôi. Còn Khang thương ai thì mặc anh, chuyện con tim người ta đặt trong lồng ngực chứ đâu phải là cánh cửa mà mình thò tay đóng lại cho đỡ gió. Khang thích mở tung nó ra như thế để gió thốc lòng anh, đàn ông khi đã muốn giày vò bản thân thì cũng tàn nhẫn vô cùng. Mỗi lần về, thấy Khang ngồi ngó qua bờ bên ấy chị ước ao lòng dạ anh cũng như áo quần, rách đâu chị khâu đó là xong. Thiên hạ bảo lòng Khang rách bươm đã ba năm, từ khi người đàn bà tên Di sang sông đi lấy chồng.

 

Sông Hồng khúc này không chảy xiết mà hôm đưa dâu than ôi người ta cứ tưởng đắm đò. Nghe kể hôm đó Khang đứng trên bờ phóng ánh nhìn chằm chằm xuống sông trong đáy mắt dâng từng lớp sóng. Đoàn rước dâu đã lên bờ đi xa lắm rồi Khang mới buông mình xuống lòng sông. Cứ hùng hục bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia rồi quay lộn lại. Bơi đến khi mệt lả, nằm phơi mình trên cát nóng thì thôi. Có lúc vui chị hỏi bâng quơ xem sông này rộng bao nhiêu? Bữa nào nắng có khi trầm mình cho đỡ bức. Khang không nói gì, ngồi quay lưng với sông, chè pha đặc bao nhiêu hình như với Khang vẫn nhạt. Chị ngó ra sân bỗng gặp đúng bóng mình đang đổ dài câm lặng. Xứ này nắng dữ, chiều rồi mà nắng vẫn còn thiêu đốt lòng người.

 

Khang nói anh phải đi chứ ở nhà nắng quá không chịu nổi. Thì Khang cứ việc đi, ba năm làm vợ anh chị đã quen với việc đợi chờ. Có thiếu chi những cung đường đủ rộng để Khang đi, đâu như chị ngồi xó nhà ngó đến chân trời trước mặt đã thấy mỏi nhừ hai con mắt. Chân trời ấy có Di- người đàn bà mà Khang vẫn gọi tên trong những giấc mơ hay giữa lúc say ngật ngưỡng. Chị chưa gặp người đàn bà ấy lần nào nhưng vẫn thấy như Di hiện hữu quanh quẩn đến từng ngóc ngách nhà này. Trong cái nón cũ ai mắc trên cột nhà mà trong hôm cưới giữa lúc đang làm lễ thì ánh mắt Khang đã mải vướng víu trên đinh cột đến quên cả việc cúi lạy tổ tiên.

 

Trong mấy cái bát đã mẻ mà nhất định Khang không chịu cho thay bát mới để nhiều lần vắng anh chị lùa cơm vào miệng thấy nhộn nhạo vành môi. Trong chiếc giường đã cũ những đêm dài vắng Khang chị nằm nghe tiếng mọt ăn ruỗng cả lòng mình. Trong bóng cây bàng già rụng lá đỏ cả mùa đông nhuộm tim chị âu sầu qua từng đợt gió sông thổi tới. Trong cả cái chổi xể dựng góc bếp chị toan vứt đi Khang hằm hằm giật lại. Đến cả bát bí xào chị nấu Khang cũng thở dài chê vị tỏi không ngon lần sau nhớ cho hành. Kho cá nhớ kho với khế chua còn rán trứng nhớ trộn cùng đậu phụ. Cực nhất là Khang cứ thích ăn hành khô thái mỏng rim vàng ươm với nước mắm cá cơm.

 

Khang ăn ngon lành chỉ tội chị ngồi thái hành mà nước mắt chảy ròng ròng dù đã cố quay mặt ra sông đón gió cho đỡ hơi cay. Những hôm đó Khang vui vẻ ngồi ăn với một bóng hình trong hoài niệm. Chị ngồi ngay đối diện đấy thôi mà có khi Khang không nhìn thấy. Nên dễ gì được Khang hỏi vì sao mắt sưng để chị nói do hành cay, hỏi vì sao tay bị thương để chị nói cũng vì hành. Mà thôi, miễn Khang vui là được vì thực ra thì Khang đâu có nhìn chị bao giờ. Thất vọng làm chi…


*
*               *


Mùa mưa, xe hàng đường dài nghỉ chuyến liên miên. Khang về mắc chõng ngay hiên ngó mưa rơi trắng xóa sông Hồng. Đàn bà trong nhà không đi làm đồng được thì quây vào góc bếp nấu chè lam. Mẹ chồng chị ngồi khuấy bột đều tay, miệng liên tục nhắc đứa gọt gừng bào nhuyễn, đứa rắc muối, đứa đổ bột ra bàn làm áo bánh cho đỡ dính, đứa rang lạc nhớ sao cho đều lửa. Những tiếng phân công, nhắc nhở khô khốc, rời rạc lẫn trong tiếng mưa xối xả trên mái tôn.

 

Nghe như tiếng lòng đơn độc của từng ấy con người rơi tõm xuống khoảng không. Bố chồng chị tuổi đã gần bảy mươi với niềm say mê cả đời vun cả vào từng gốc cây cảnh để đầy quanh sân bãi. Ông say cây như người ta tôn sùng một thứ tín ngưỡng. Đến mức vườn cây của ông giống như thánh địa không ai được phép chạm vào. Hôm đầu về làm dâu nhà bận bịu quá không ai nhớ nói với chị về mấy cái cây. Đêm ấy mộng du chị đi quanh khu vườn ngửa cổ hớp từng ánh trăng vằng vặc đã chẳng may làm gẫy nhánh cây.

 

Chỉ có vậy thôi mà bố chồng không muốn nhìn mặt chị đến giờ. Đêm ấy là đêm tân hôn, bố chồng chị nói những thân cây xanh non của ông ghét những thân thể nhàu nhĩ mùi dục vọng. Chị giấu một nụ cười chua chát khi cúi đầu xin lỗi. Khang ngồi im ngoài hiên không nói một câu, mắt đăm đắm nhìn về dòng sông Hồng miên miết chảy. Cũng dòng sông ấy đêm tân hôn Khang trầm mình dưới ánh trăng kí ức bỏ chị với cơn mộng du đi tha thẩn trong vườn. Xác pháo giấy còn vương vãi dưới chân, lấp lánh ánh trăng phản chiếu. Mãi đến sau này chị vẫn không thể nào quên được tiếng sóng vỗ ì oạp dưới lòng sông…


Mẹ chồng nói đàn bà cứ bước chân vào cái nhà này là khổ. Không bị chửi mắng đánh đập, cũng không bệnh tật đói nghèo vậy mà trông ai cũng tàn úa như dưa muối. Thì cứ nhìn Yên- đứa em dâu sẽ thấy, chồng quanh quẩn ở nhà suốt ngày mà Yên thì cứ như sắp hóa đá vọng phu. Yên thích ngồi xó bếp gẩy tro hàng giờ chỉ để nhìn than lửa tóe lên rồi tắt lịm.

 

Nhưng qua vài câu chuyện rời rạc đứt quãng mà chị từng chắp nhặt, thì chị biết Yên đang chờ chồng mình của những ngày xưa lắc. Ngày Huy còn chưa say đánh cờ nên trưa nào cũng trèo cây hái khế chua cho Yên. Biết lượm bồ kết khô trong vườn để Yên gội đầu. Chăm làm tinh gầu bưởi cho Yên ủ tóc. Tóc Yên dài lắm, mùa hè nóng nực đã nhiều lần chị khuyên cắt ngắn đi cho bớt nặng đầu nhưng Yên không chịu. Hôm nào gội đầu Yên cũng tìm cớ làm việc này, lấy cái kia để đi qua mặt Huy mấy bận. Nhưng Huy mải đánh cờ với mấy người đàn ông khác, không ngẩng lên nhìn dù chỉ một lần. Mà chị thì chưa thấy tóc ai đẹp và thơm như tóc của Yên.

 

Có hôm rảnh quá chị ngồi ngắm mấy người đàn ông trong nhà rồi nảy lên những ý nghĩ điên rồ. Một buổi sáng nào đó họ thức dậy và chẳng thấy đàn bà trong nhà đâu liệu họ có hoảng hốt hay không? Giống như Yên từng có lần thốt lên chua xót “chị ơi, có khi em biến thành một quân cờ may chăng mới lọt vào đáy mắt của chồng”. Một quân cờ tóc dài? Em ơi em thực ra thì chúng ta cũng đã là một quân cờ trong bàn tay thượng đế, thất thế nằm ủ rũ xó đời. Rồi chị lại nghĩ lỡ mẹ chồng biến thành chậu cây kiểng hình con công ngoài vườn thì chắc chị cũng nên biến thành sông. Để chiếm lấy trái tim những kẻ đàn ông đang khô như rơm rạ.

 

Mẹ chị từng nói làm thân đàn bà mà vớ phải chồng say thì cả đời họ chỉ nhìn mình nhập nhoạng như chiếc bóng. Khang của chị say tình từ thứ men được ủ bằng kí ức. Di từng quá quen thuộc trong ngôi nhà này. Trách sao được khi Di từng sống trong ngôi nhà này từ khi còn là một đứa trẻ. Một đứa trẻ mồ côi được mẹ chồng chị nhặt về nuôi trong những năm mảnh đất này toàn dấu chân người hành khất đến xin ăn. Người ta nói Di là cô gái đẹp và ngoan, lúc nào cũng hết lòng vun vén gia đình. Cả nhà cưng Di lắm trừ Khang.


Khang lầm lì từ nhỏ, rất ít khi niềm nở với ai. Thậm chí người ta chẳng biết Khang có coi Di như người nhà hay không, chỉ thấy có đôi lần Khang bực bội trong người mà hắt hủi Di. Khang có về nhà được bao lâu đâu giữa những chuyến hàng. Nên chẳng thể biết đêm nào Di cũng ra ngõ ngóng. Mẹ nấu thứ gì Di cũng phần Khang, ngồi ăn bát canh cua cũng xót lòng “chắc gì giờ nay anh ấy đã được nghỉ ăn trưa”. Đàn ông thương Di nhiều lắm mà Di nào có để ý đến ai. Cứ sống mòn mỏi đợi hết tuần trăng này lại chờ tuần trăng khác. Nhưng Khang nào có biết, anh còn mải rong ruổi những cung đường, đi đến đâu cũng có vài ba lời hẹn trước.

Người ta nói dân lái xe cơm chợ vợ đường vậy mà Di không buồn. Thực ra thì Di đâu có quyền gì để mà trách giận Khang. Người ta mải miết đi từ năm Di mười sáu cho đến khi thành gái ba mươi. Yên kể với chị rằng có những đêm trồ phải bóng Di ngồi như hóa đá ngoài hiên, tóc buông xõa như muốn giấu đi từng đợt sóng cuộn lên từ đáy mắt. Rồi Di cũng gật đầu lấy một người đàn ông khác. Người ấy không giàu cũng không xứng với Di. Yên nói rằng cách Di lao vào cuộc hôn nhân ấy thực ra là cách của con thiêu thân cố lao vào ánh sáng. Để được một lần Khang nhìn thấy Di ư?


-Hay là chúng mình có con đi Khang?


Sao lời chị nghe như một tiếng than. Như một lời cầu xin thống thiết. Vậy mà Khang vẫn không buồn ngoảnh lại, mắt đăm đắm nhìn sông. Có lúc chị cứ tự hỏi không biết đối với Khang thì việc gì mới trở thành quan trọng ngoài việc mang Di trở lại ngôi nhà.

 

Chị nhìn Khang như muốn hét lên, lần đầu tiên con đàn bà trong chị muốn phản kháng. Nhưng vì Khang không quay lại, không ngẩng mặt, nên bao nhiêu lời chị đành tự mình nuốt lấy. Ngoài thềm giếng Yên đang ngồi cầm kéo xẻo từng lọn tóc. Mặt Yên cúi gằm hát vẩn vơ bài con chim xanh biến mất.


Đêm ấy có người nằm mơ thấy chị trầm mình xuống dòng sông Hồng cuộn đỏ…


 

Vũ thị Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN