Cuộc sống đổi thay tốt hơn
Gặp chúng tôi trong một ngày cuối tháng 4, ông Đặng Xuân Định, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, tròn 48 năm sau ngày giải phóng, nhân dân TP Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Đảng bộ Thành phố đã có cuộc sống đổi thay tốt hơn mỗi ngày.
“Những năm đầu sau thời điểm 1975, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều khó khăn do chiến tranh để lại và chịu ảnh hưởng của chính sách cấm vận, dẫn đến thiếu thốn mọi mặt, từ lương thực đến thuốc thang… nhưng chúng ta đã phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực để ổn định cuộc sống của nhân dân. Để rồi sau 48 năm đổi mới, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố tiếp tục đầu tư các cơ sở văn hóa, giáo dục nhiều hơn để trẻ em ai cũng được đến trường và được nâng cao, mở rộng kiến thức sau này đóng góp cho nền kinh tế, xã hội của nước nhà, sánh vai với bạn bè năm châu. Các sơ sở y tế của TP Hồ Chí Minh cũng phát triển mạnh mẽ để chăm lo sức khỏe cho người dân tận nhà. Các doanh nghiệp, nhà máy xí nghiệp mọc lên liên tục để giúp người lao động có việc làm ổn định, không bị thất nghiệp…”, ông Đặng Xuân Định xúc động nói.
Trong khi đó, khi nhớ về ngày 30/4/1975, bà Đặng Thị Thiệp (bà còn có tên khác là Đặng Thị Tuyết Mai) 80 tuổi - người vợ thứ hai của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (biệt danh Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.Som) cho biết: “Ngày 30/4/1975, trong khi ông nhà tôi chọn bộ đồ đẹp nhất để về chiến khu gặp đồng đội, tôi mở toang cửa ra bảo với mọi người: Tôi là vợ chính thức, tôi không làm bé, chồng tôi làm cách mạng”.
Theo bà Đặng Thị Thiệp, sỡ dĩ bà nói câu nói đó trong ngày giải phóng là do sau chiến dịch Mậu Thân 1968, gia đình bà gần như sống trong tình trạng cảnh giác, đến ngủ cũng “mắt nhắm mắt mở”. Đó là 7 năm ròng rã bà sống dưới "mác vợ bé” để nuôi chồng bị truy nã và cũng nhờ "mác vợ bé" mà chồng bà an toàn khi sinh sống ngay dưới căn hầm của gia đình.
Bà Đặng Thị Thiệp nhớ lại: "Tết Mậu Thân 1968, 15 anh em Đội 5 Biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập thì 7 người hi sinh, chỉ còn 8 người cầm cự được hơn 6 tiếng và bị bắt đày ra Côn Đảo. Căn nhà ở Nguyễn Đình Chiểu rơi vào tay địch nhưng bí mật về hầm vũ khí vẫn được giữ cho đến sau ngày giải phóng. Do có đề phòng, ông Năm Lai đã mua thêm nhà ở Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp) và khi bị truy nã, ông lui về lẩn trốn và sinh sống 7 năm dưới căn hầm tại nhà này mà không bị ai phát hiện".
Sau ngày giải phóng, ông Năm Lai tiếp tục làm công tác cách mạng, bà buôn bán nhỏ nuôi 6 người con. Năm 1979, khi hợp thức hóa hôn thú, ông Năm Lai đi làm giấy khai sinh cho các con, đổi từ họ mẹ sang họ cha. Ngày nay, tiếp nối truyền thống của cha mình và để khôi phục lại các cơ sở biệt động Sài Gòn năm xưa, bà Thiệp và các con dần chuộc lại nhiều căn nhà trước đây làm hầm chứa vũ khí và xây dựng thành hệ thống Bảo tàng di tích lịch sử văn hóa của Biệt động Sài Gòn.
Theo đó, ngày 16/11/1988, căn hầm ở Nguyễn Đình Chiểu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Tuy ông Năm Lai đã đi xa hơn 20 năm (ông mất năm 2002), nhưng để vinh danh tinh thần bất khuất, quả cảm, cống hiến nhiều tài sản, vật chất cho cách mạng, năm 2015, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Trần Văn Lai.
Anh Trần Vũ Bình, con trai thứ ba của bà Đặng Thị Thiệp cho biết: "Hàng ngày, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm, lưu giữ, sưu tầm và tìm hiểu chi tiết về cuộc đời hoạt động cách mạng của cha mình và các đồng đội của ông để cho thế hệ mai sau biết và hiểu hơn về các chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa. Bởi cuộc sống hòa bình hôm nay được đổi bằng những sự hy sinh anh dũng, cao cả của các thế hệ đi trước. Chúng ta nhớ về cội nguồn để tri ân những hy sinh đó".
Kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Chia sẻ về các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, nền kinh tế TP Hồ Chí Minh đang có sự chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Hiện TP Hồ Chí Minh tập trung vào 4 ngành công nghiệp chủ lực; sản xuất nông nghiệp dịch chuyển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại để tăng năng suất cao gấp 3 lần bình quân cả nước.
“Sau nhiều năm nỗ lực, hiện nay kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng cao nhất cả nước, trong nhiều năm qua luôn duy ở mức trên 8%. Qua đó, Thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng Thành phố đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất thu ngân sách cả nước, chiếm 27%. Chất lượng tăng trưởng kinh tế không ngừng được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, năng suất lao động bằng 2,7 lần năng suất bình quân cả nước”, bà Lê Thị Huỳnh Mai nói.
Trong khi đó, ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho biết, TP Hồ Chí Minh đang có nền kinh tế sôi động nên luôn có lực lượng doanh nghiệp thành lập mới đông đảo. Hiện TP Hồ Chí Minh chiếm gần 1/3 tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước mỗi năm; tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập ở TP Hồ Chí Minh cũng chiếm hơn 51% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp trên cả nước. Việc thành lập hàng chục ngàn doanh nghiệp mới mỗi năm tại Thành phố cũng giải quyết bài toán việc làm cho hàng triệu người dân. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đang hướng đến phát triển là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam; đồng thời, thành phố cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục…
Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong nhiều năm qua, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; vị trí, vai trò của Thành phố đối với cả vùng và cả nước ngày càng được khẳng định, đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Áp dụng cách làm mới, cách làm hay
Để giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong giai đoạn hậu COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Chương trình Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2023 - 2025 với quan điểm và mục tiêu rõ ràng.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, để phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian qua, như: Giải quyết vướng mắc liên quan tới hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân; tháo gỡ vướng mắc các dự án, tạo công ăn việc làm, tạo khí thế và niềm tin cho nền kinh tế; đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, bởi Thành phố vẫn xem đầu tư công là động lực quan trọng và thúc đẩy mạnh mẽ tỉ lệ giải ngân, bảo đảm đầu tư công diễn ra đúng tiến độ...
Trong khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, sau những năm đổi mới và phát triển, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã nổi lên nhiều điểm tích cực. Cụ thể như công tác triển khai nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố được Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố và UBND Thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời cũng như đề ra chương trình hành động có trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực cụ thể.
"Thực tế, sau nhiều năm giải phóng, các thế hệ cán bộ Thành phố luôn tự hào về đất nước, tự hào về truyền thống năng động, sáng tạo, luôn tìm cách vượt qua khó khăn của Thành phố. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm và đoàn kết. Bởi, TP Hồ Chí Minh luôn ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, cùng cả nước và vì cả nước để chung tay nâng cao đời sống cho người dân hơn nữa", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.
Sau 48 năm đổi mới, TP Hồ Chí Minh cũng đã mạnh dạn áp dụng các cách làm hay, cách làm mới, Thành phố đã không ngừng đề ra sáng kiến, không ngừng tổ chức hoạt động, tổ chức phong trào, tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ đạo thực hiện để hướng đến xây dựng đời sống nhân dân tốt hơn, doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
“TP Hồ Chí Minh cũng đã chứng minh khi người dân đồng lòng, chung tay cho mục tiêu chung thì mọi khó khăn, trở ngại TP Hồ Chí Minh đều có thể vượt qua. TP Hồ Chí Minh cũng đã xứng đáng là thành phố hiện đại, nghĩa tình khi luôn chung tay chăm lo đời sống tinh thần, vật chất không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà còn cho tất cả người dân Việt Nam. TP Hồ Chí Minh cũng đã từng bước phát triển kinh tế nhiều thành phần để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố...”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết thêm.
Mới đây, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng cũng đã biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hồ Chí Minh trong hơn 48 năm giải phóng và đổi mới; trong phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Theo Thủ tướng, trong 48 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, vì vậy cả nước, Trung ương, Chính phủ luôn đồng hành với Thành phố trên tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc với TP Hồ Chí Minh để cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn và đưa ra giải pháp thúc đẩy TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, tự tin vững bước đi lên.
Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh cần vượt qua thách thức, tạo động lực, truyền cảm hứng cho doanh nghiệp và người dân; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; gỡ khó cho thị trường trái phiếu, bất động sản; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng...
Thành phố cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh bám sát tình hình, trên tinh thần bình tĩnh, chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để xử lý, giải quyết cả 3 nhóm công việc gồm công việc thường xuyên, công việc tồn đọng và công việc phát sinh.
TP Hồ Chí Minh cần tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung. Thành phố cũng cần xử lý dứt điểm những tồn đọng liên quan đến cán bộ; khen thưởng, kỷ luật kịp thời.