UBND TP Hồ Chí Minh giải trình về các dự án đầu tư công

Ngày 24/8, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. 

Chú thích ảnh
HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp giải trình về đầu tư công tại TP Hồ Chí Minh trong ngày 24/8.

Báo cáo tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư ngân sách Thành phố là 302.839,6 tỉ đồng, gồm: 869 dự án nhóm C, 1.074 dự án nhóm B và 6 dự án nhóm A.

Trong đó, giai đoạn 2016-2020, Số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 là 521 dự án với tổng số vốn 24.742 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 16% tổng số vốn trung hạn, trong đó 324 dự án hoàn thành; số dự án khởi công mới là 1.278 dự án với tổng số vốn 57.400 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 38,3% tổng số vốn trung hạn, trong đó 456 dự án hoàn thành. Giai đoạn 2021-2025, số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 là 1.191 dự án với số vốn 67.853 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 48% tổng số vốn trung hạn, đến nay 298 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.  

Theo quy định tại Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, UBND TP Hồ Chí Minh đã trình HĐND TP Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án nhóm A. Đa số các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Nói về công tác bố trí vốn đầu tư công, ông Phan Văn Mãi cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 171.895 tỉ đồng, đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư của thành phố. Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỉ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 của thành phố (tổng nhu cầu khoảng 672.000 tỉ đồng). Trong bối cảnh đó, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố được UBND TP Hồ Chí Minh xây dựng theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp để nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016-2020.

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mãi, ngoài những kết quả khả quan đạt được, hiện nay công tác quản lý nhà nước về đầu tư công còn bộc lộ một số hạn chế, còn một số chủ đầu tư chậm báo cáo, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư định kỳ; tổ chức thực hiện công tác lập dự án còn chậm so với thời gian quy định. Về tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp của các bên có liên quan… Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, do đó công tác quản lý điều hành dự án còn tồn tại hạn chế…

Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi đã đưa ra 7 giải pháp, bao gồm: xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn. Tăng cường, thường xuyên đôn đốc chỉ đạo các đơn vị hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức hiệu quả các hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hằng tháng để đánh giá kết quả, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn; linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh; thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư; chủ động cân đối các nguồn vốn từ đầu năm, các nguồn vốn được bổ sung hằng năm. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác đầu tư công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Các công trình, dự án được TP Hồ Chí Minh lựa chọn đầu tư có trọng tâm, theo thứ tự ưu tiên, tập trung bám sát 7 Chương trình đột phát của TP Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết nhu cầu về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, quốc phòng, an ninh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng vẫn chậm
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng vẫn chậm

Theo Bộ Tài chính, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm nay đạt 39,15% đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 là 40,60%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN