TP Hồ Chí Minh xây dựng đề án phát triển ngành dịch vụ đến năm 2030

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng sự phát triển của ngành dịch vụ TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Nếu giải quyết được những hạn chế, thành phố sẽ mở ra cơ hội cho các ngành dịch vụ mang lại giá trị tăng cao.

Đây là nhận định của đại diện sở, ngành, chuyên gia tại hội thảo “Phát triển ngành dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/7. 

Chú thích ảnh
Xe buýt vòng quanh TP Hồ Chí Minh đạt 10/10 tiêu chí an toàn, gồm: đặt mua và kiểm soát vé trực tuyến.

Theo đại diện các sở, ngành, chuyên gia, hiện tại ngành dịch vụ TP Hồ Chí Minh phần lớn là các đơn vị dịch vụ có quy mô nhỏ và vừa, chưa hình thành được đơn vị dịch vụ hàng đầu có vai trò dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ thành phố cũng hạn chế về nguồn vốn đầu tư, mối liên kết tự nhiên theo xu hướng hợp nhất theo chiều dọc và chiều ngang còn hạn chế.

Ghi nhận thực tế trong thời gian qua, quá trình chuyển dịch lên các ngành dịch vụ giá trị cao còn chậm so với khu vực. Đồng thời, ngành dịch vụ thành phố tồn tại hạn chế về cơ sở hạ tầng, tính kết nối trong khu vực nội bộ thành phố và giữa thành phố với những khu vực lân cận, khu liên vùng; cùng môi trường kinh doanh thiếu tính cạnh tranh so với một số địa phương khác và quốc tế…

Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng, vừa là trung tâm kinh tế - thương mại – du lịch và dịch vụ lớn của cả nước, vừa là địa điểm trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa tốt nhất khu vực do tiếp giáp Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, cảng biển… Những điều kiện thuận lợi này, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung và ngành dịch vụ nói riêng.

Hàng năm TP Hồ Chí Minh đóng góp gần 25% nguồn thu ngân sách và gần 22% GRDP của quốc gia. Trong số đó, ngành dịch vụ thành phố có vị trí quan trọng và tỷ trọng đóng góp cao, cũng như được định vị là trung tâm dịch vụ của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Cụ thể ở giai đoạn 2010 – 2023, TP Hồ Chí Minh ưu tiên thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ như tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; du lịch… Đồng thời, trong giai đoạn này thì 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố đạt 579.786 tỷ đồng, chiếm 90,9% GRDP khu vực dịch vụ và 55,7% GRDP thành phố, tăng trưởng bình quân 26%.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, đánh giá tổng thể các ngành dịch vụ của TP Hồ Chí Minh và xác định các ngành dịch vụ ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh của thành phố, không chỉ mở ra triển vọng phát triển trong tương lai của ngành, mà còn nhằm cụ thể hóa nội dung định hướng cấp quốc gia và cấp vùng. Từ đó, thành phố phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn đảm bảo phù hợp xu thế và tính thống nhất, liên kết vùng, để phát huy thế mạnh, hạn chế các thách thức.

Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ thêm, xây dựng Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp thành phố tiếp tục có giải pháp khắc phục hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai. Đặc biệt, Đề án hướng đến đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết số 31/NQ-TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, dịch vụ có giá trị gia tăng cao là những ngành cung cấp các dịch vụ không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách hàng mà còn mang lại những giá trị bổ sung, cải thiện trải nghiệm và hiệu quả cho khách hàng. Những ngành này thường đòi hỏi sự chuyên môn cao, công nghệ tiên tiến và năng lực sáng tạo để cung cấp các dịch vụ phức tạp và tinh vi hơn.

Dự báo trong giai đoạn tới, hai xu hướng chính sẽ ảnh hưởng, tác động đến ngành dịch vụ của Tp. Hồ Chí Minh là tính bền vững và liên kết vùng. Cụ thể, phát triển dịch vụ bền vững là một yêu cầu cấp thiết, giúp cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo hoạt động lâu dài, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng bền vững.

Riêng liên kết ngành dịch vụ của TP Hồ Chí Minh với các ngành, vùng, cả nước và khu vực sẽ góp phần giúp dịch vụ cao cấp, có giá trị tăng cao dẫn đầu Việt Nam. Thành phố cũng có thể tận dụng hạ tầng giao thông kết nối và thế mạnh của từng tỉnh để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị của vùng.

Bài, ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh thu hút lao động ngành dịch vụ và công nghiệp
TP Hồ Chí Minh thu hút lao động ngành dịch vụ và công nghiệp

Ngày 4/2, Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh dự tính: Lực lượng lao động tại TP Hồ Chí Minh năm 2023 là hơn 4,8 triệu người, chiếm hơn nửa tổng số dân của địa phương. Trong đó, lao động nữ ước tính hơn 2,2 triệu người, chiếm 46,17%; lực lượng lao động ở thành thị là hơn 3,7 triệu lao động, chiếm 77,8%; khu vực nông thôn là hơn 1 triệu người, chiếm 22,3%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN