Đây là nội dung được Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chia sẻ tại buổi thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 28/6.
Theo ông Dương Anh Đức, công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 dù có vấn đề trong 1 - 2 ngày đầu nhưng sau đó đã được điều chỉnh và đến giờ phút này đã thành công, an toàn.
“Dù thời gian tiêm chủng chậm hơn 1 ngày so với dự kiến, nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần. Đó là sự nỗ lực đáng khâm phục của tất cả các lực lượng tham gia vào đợt tiêm chủng cũng như sự hợp tác của người dân thành phố...”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Đề cập đến kế hoạch giãn cách, chống dịch trong thời gian tới, ông Dương Anh Đức cho biết, tuần qua phát hiện nhiều ca F0, đa số là trong khu vực cách ly và khu phong tỏa, một số ca được phát hiện thông qua tầm soát người dân khám bệnh ở bệnh viện. Do đó, TP Hồ Chí Minh đã phân loại các địa phương theo mức độ nguy cơ thành 3 nhóm, ít hơn một nhóm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, những quận, huyện có nguy cơ rất cao gồm quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, Quận 8, quận Tân Phú và một phần của Thành phố Thủ Đức (Quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, huyện Củ Chi, Quận 1, Quận 4, Quận 5, Quận 12, quận Bình Thạnh và quận Tân Bình và một phần của Thành phố Thủ Đức (Quận 2 và Quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, Quận 7, Quận 10, Quận 11 và quận Phú Nhuận. Trên cơ sở 3 nhóm nguy cơ được phân chia, các địa phương tổ chức phương án phù hợp.
Ngoài ra, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu người dân thành phố cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 ngày 19/6/2021 với một số nội dung thắt chặt hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Dương Anh Đức, thời gian tới TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp như Chỉ thị số 10 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Thành phố cũng ban hành kế hoạch tầm soát lấy mẫu để đưa ra biện pháp phù hợp, sớm đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới.
Về việc triển khai cách ly F1 tại nhà theo đề nghị của Bộ Y tế, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là vấn đề mà người dân và báo chí quan tâm. Theo hướng dẫn cách ly tại nhà các trường hợp F1 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) xem xét, tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 và Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh quyết định.
“Văn bản của Bộ Y tế tương đối cụ thể, mục tiêu cuối cùng là an toàn của cộng đồng chứ không chỉ là giải quyết bài toán về chỗ cách ly. Các điều kiện của Bộ Y tế đưa ra rất nghiêm ngặt, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khi triển khai, bên cạnh yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên y tế cũng phải tham gia nên cần từng bước thí điểm trước khi nhân rộng. Theo đó, thành phố tổ chức càng thận trọng thì mức độ an toàn của cộng đồng sẽ đảm bảo hơn.
Về năng lực xét nghiệm, để đảm bảo cho công tác lấy 500.000 mẫu/ngày đang triển khai, ông Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố có số lượng đơn vị được cấp phép làm xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 nhiều nhất cả nước, hiện năng lực khoảng 20.000 mẫu/ngày.
Để đáp ứng công tác lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, ngành y tế TP Hồ Chí Minh được hỗ trợ thêm một cơ sở xét nghiệm đặt ở Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (Thành phố Thủ Đức) với năng lực 30.000 mẫu/ngày. Như vậy, nếu lấy mẫu gộp 10 thì cộng cả năng lực hiện hữu và sự hỗ trợ thêm, thành phố sẽ đủ năng lực xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày.