TP Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thực hiện ‘mục tiêu kép’

Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh có đông công nhân hiện nay khá cao, nên các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn được tiếp cận nguồn vaccine để tiêm cho người lao động.

Sớm có vaccine tiêm cho người lao động

Ngày 10/6, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp trên địa bàn để tìm ra những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong mùa dịch bệnh. Ảnh: TTBC

Tại hội nghị, đa số ý kiến doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn sớm có vaccine để tiêm cho người lao động; thậm chí, một số doanh nghiệp xin được phép tiếp cận và liên hệ mua vaccine phòng COVID-19 thông qua Bộ Y tế kiểm định để tiến hành tiêm phòng trong DN.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái Sơn cho biết, muốn đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì đối tượng cần ưu tiên vaccine hiện nay chính là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. 

“Vừa qua, khi có thông tin về lô vaccin của Nga, các đơn vị  đã đăng ký hơn 900.000 liều, điều này cho thấy nhu cầu tiêm vaccine cho người lao động đang rất cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thông tin, đầu mối, nguồn vaccine an toàn và đầy đủ pháp lý để sẵn sàng đầu tư tiêm cho người lao động. Muốn ổn định sản xuất và đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch, các doanh nghiệp có đông công nhân đang mong muốn Chính phủ, Nhà nước sớm tìm nguồn vaccine chính thống để tiêm ngừa đại trà cho công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp”, ông Trần Việt Anh kiến nghị.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel cho biết, ngành du lịch sẽ không chống chọi được khi đại dịch COVID-19 bùng phát đúng lúc các doanh nghiệp du lịch đang yếu nhất. Được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy ngành du lịch cũng mong muốn tiếp cận được nguồn vaccine để sớm hoạt động trở lại.

"Chúng tôi giờ không thể đưa ra được phương án, khung thời gian khi nào có thể bắt đầu hoạt động trở lại vì dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp du lịch kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất. Chúng tôi giờ chỉ mong muốn sớm có vaccine để khống chế được dịch bệnh”, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh, đề xuất TP Hồ Chí Minh nên ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng là lái xe giao hàng ở tất cả doanh nghiệp. Đây cũng là lực lượng giúp hàng hoá lưu thông, thông suốt đi các tỉnh mà không bị đứt gãy trong suốt thời gian qua.

Thông tin về nguồn cung vaccine cho công nhân, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay rất khó tiếp cận vaccine vì nước ta vẫn đang là nước kiểm soát dịch khá tốt, nguồn vaccine của các nước vẫn đang ưu tiên cho các nước đang bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề hơn Việt Nam.

"Cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vaccine. Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP Hồ Chí Minh với tinh thần mang về cho người dân càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt để đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép của Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, trước mắt, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn trong thời gian vaccine chưa về kịp”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Ba giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong 5 tháng qua, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình kinh tế những tháng qua có chuyển biến tốt so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 456.104 tỷ đồng, tăng 8,9% (trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8%); kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 174.608,470 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ…

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, dưới tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, lực lượng lao động tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp liên tục sụt giảm; người lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc; thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; việc tiếp cận khách hàng và chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn…

Chú thích ảnh
Kinh tế TP Hồ Chí Minh trong những tháng qua có chuyển biến tốt so với cùng kỳ. Ảnh Minh hoạ

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh cơ bản đã được kiểm soát "chứ không phải nơi đang có dịch bệnh tràn lan để các tỉnh, thành áp dụng các biện pháp “ngăn sông cấm chợ” với TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh, thành phố cần thực hiện liên kết với TP Hồ Chí Minh vừa trong công tác chống dịch vừa hợp tác phát triển kinh tế xã hội". 

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP Hồ Chí Minh vẫn xác định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, chăm lo cho đời sống người lao động như hỗ trợ giảm giá điện, nước sinh hoạt cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh - dịch vụ - thương mại, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

“Đối với nhóm chính sách hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ về nguồn nhiên liệu, sản phẩm chủ lực, tiềm năng của thành phố, chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chương trình mở rộng thị trường. Ngoài ra, Thành phố cũng có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động trong doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, hỗ trợ chi phi tiêm vaccine…”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP Hồ Chí Minh cũng đang kiến nghị Chính phủ những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh như: Điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước, xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động …

Đối với vấn đề tiêm vaccine cho người lao động, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP Hồ Chí Minh đang từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh và chú trọng triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả công nhân tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất. Bởi, việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao càng sớm càng tốt sẽ giúp tình hình kinh tế TP Hồ Chí Minh luôn lưu thông, không bị đứt gãy.

“Trong ngày mai 11/6, tôi sẽ nghe kế hoạch cụ thể về lộ trình tiêm vaccine từ nay đến cuối năm 2021 và quý I/2022. Hiện nay, việc áp dụng 5K + tiêm vaccine là yếu tố quyết định và căn cơ để ngăn chặn dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh tế tại TP Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chú thích ảnh

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Doanh nghiệp mong muốn TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh gói hỗ trợ thứ hai
Doanh nghiệp mong muốn TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh gói hỗ trợ thứ hai

Các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thành phố triển khai nhanh gói hỗ trợ thứ hai để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN