Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng và thực hiện thành công nhiều phong trào, mô hình đổi mới, sáng tạo và được nhân rộng ra phạm vi cả nước. Đứng trước thách thức nội tại về quy hoạch đô thị cũng như để đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát huy cao nhất nguồn lực sẵn có, tiếp tục khơi dậy truyền thống năng động, sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và được Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập “thành phố trong thành phố” mang tên thành phố Thủ Đức.
Thành phố của sáng tạo
Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ trong việc tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa dựa trên lợi thế tiềm năng sẵn có của mình.
Theo dự thảo đề án, thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập (giữ nguyên quy mô diện tích và dân số) Quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 có quy mô khoảng 21.000 ha, dân số 1 triệu người. Thành phố Thủ Đức đã hình thành 4 nền tảng quan trọng gồm: Khu Công nghệ cao quy mô 913 ha ở Quận 9 có tỷ lệ đầu tư lấp đầy khoảng 90 % với 156 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) diện tích khoảng 643 ha, có trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và khoảng 100.000 sinh viên. Khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) diện tích khoảng 657 ha, chức năng chính là trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và dân cư hiện đại. Hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm có tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội.
Dự kiến, thành phố Thủ Đức sẽ hình thành các khu vực trọng điểm gồm: Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm, Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, Trung tâm Công nghệ cao Sài Gòn, Trung tâm Sản xuất tự động hóa và Khu Công viên khoa học (SHTP giai đoạn 2), Đại học Quốc gia ( Trung tâm Công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục), Khu vực kết nối Đại học Quốc gia và khu công nghệ cao, khu vực Tam Đa và lân cận Đại học Long Phước (Trung tâm công nghệ sinh thái), Khu đô thị cảng Trường Thọ (khu đô thị tương lai, nơi ứng dụng các công nghệ tiên tiến đô thị).
Mục tiêu cốt lõi của thành phố Thủ Đức là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển. Sau khi hình thành, thành phố Thủ Đức sẽ gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) đảm nhận vai trò trung tâm tài chính. Khu công nghệ cao (Quận 9) sẽ sản xuất tự động, chuyển đổi ngành công nghiệp. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, Trung tâm Công nghệ sinh thái Tam Đa (Quận 9) xây dựng công nghệ sinh học và công nghệ nông nghiệp. Trung tâm Thể thao Rạch Chiếc (Quận 2) sẽ nâng cấp ngành chăm sóc sức khỏe, thu hút nhân tài đến sống.
Dự tính, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh khai thác tốt hơn lợi thế về vị trí, tạo cơ hội thuận lợi để tận dụng nguồn nhân lực trẻ, sức tăng trưởng nhanh và tỉ lệ đô thị hoá cao, dần hình thành các chuỗi giá trị trong các ngành công nghệ cao, phát triển khoa học công nghệ như một yếu tố chủ chốt để phát triển đô thị nhanh và bền vững. Thành phố thu hút được nhân tài và phát triển các kỹ năng trong lực lượng lao động, đồng thời góp phần tinh giảm bộ máy hành chính, đẩy tiến trình cải cách hành chánh dựa vào công nghệ mạnh mẽ hơn.
Đáng chú ý, thông qua những thay đổi trong cơ chế phân cấp về ngân sách cho thành phố trực thuộc, Thành phố Hồ Chí Minh được tăng cường khả năng huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại thành phố Thủ Đức theo cơ chế phân bổ có yếu tố ưu tiên đối với các ngành đặc thù mũi nhọn phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo. Cùng với đó, việc xác định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền sẽ dần hình thành nền tảng vững chắc cho các cam kết của chính quyền với nhà đầu tư, đảm bảo tính ổn định của các cơ chế, chính sách. Trong khi đó, công tác quy hoạch đô thị sáng tạo tương tác cao nhận đã và đang nhận được sự quan tâm tích cực của các tổ chức quốc tế, bày tỏ kỳ vọng vào sự thay đổi mang tính cải tiến, hợp tác, tạo môi trường kinh doanh phù hợp thông lệ quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Thành phố đã xây dựng đề án và kiến nghị Trung ương về việc sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, với tên tạm gọi là thành phố Thủ Đức. Thành phố này rộng hơn 21.000 ha và sẽ có khoảng 1 triệu dân. Nếu thành phố này được thành lập, đây sẽ thực sự là thành phố công nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ. Khu vực này chiếm khoảng 10% diện tích, 10% dân số thành phố nhưng có thể đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố, tức bằng khoảng 7% GDP của cả nước. Như vậy, quy mô kinh tế của thành phố Thủ Đức này sẽ lớn hơn Đồng Nai, Bình Dương và chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Cụ thể một số vai trò, nội dung của thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố Thủ Đức sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa. Đây còn là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ cũng như thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nhanh chóng hoàn thiện đề án
Đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức, Chính phủ đề nghị trong quá trình xây dựng Đề án, Thành phố Hồ Chí Minh cần lưu ý về quy hoạch chung, tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng thành phố Thủ Đức, làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới. Đồng thời, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được gắn trong quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cần làm rõ hình thức huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố Thủ Đức, thiết kế không gian thành phố Thủ Đức rộng rãi, xanh sạch đẹp, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương tiến hành các công việc để hoàn thiện đề án thành phố Thủ Đức. Vừa qua UBND quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 đã tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, có từ 82 – 97% cử tri đồng ý với việc sáp nhập 3 quận nói trên để thành lập thành phố Thủ Đức. Đây là động lực quan trọng để thành phố vững tin hoàn thiện và triển khai đề án, đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và sự mong mỏi của người dân thành phố.
Góp ý hoàn thiện đề án thành phố Thủ Đức, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố cho rằng, đề án nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức chưa đề cấp cơ chế điều hành, cũng như chưa nêu những hệ lụy của việc sáp nhập để từ đó có đánh giá và đưa ra phương án giải quyết khoa học. Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, đề án cần bổ sung thêm cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cần có đánh giá cơ sở hạ tầng, các tiêu chí phát triển của thành phố Thủ Đức, tác động chính trị về quốc phòng, an ninh…
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright, để có nguồn nhân lực đáp ứng cho việc xây dựng, phát triển các đô thị trong đó có thành phố phía Đông, Thành phố Hồ Chí Minh có thể tính đến việc tập trung vào một vài trường đại học hay tổ chức nghiên cứu có khả năng tạo ra các kết quả nghiên cứu đỉnh cao. Bên cạnh đó thành phố cần khơi lại tính tiên phong và khả năng dẫn dắt của thành phố với truyền thống không ngừng đổi mới, sáng tạo, thực hiện bằng được việc liên kết vùng vốn đang là điểm hạn chế lớn. Hiện nay “đối thủ” cạnh tranh của Thành phố Hồ Chí Minh không phải là các địa phương trong nước, các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam mà là các thành phố lớn trong khu vực châu Á, Đông Nam Á. Các địa phương lân cận là một nền tảng rất tốt để có thể mở rộng nguồn lực và tiềm năng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, liên kết vùng là việc cần làm ngay.
“Thành phố cần khơi thông sức dân, tạo dựng vốn xã hội là nhân tố quyết định sự thành công. Khi sức dân được khơi thông, lòng dân được tập hợp, con đường phát triển sẽ mở ra phía trước, những ý tưởng, những siêu dự án là cơ hội để tập hợp lòng dân tạo ra tinh thần lạc quan và kỳ vọng cao về tương lai người dân và chính quyền chung tay xây dựng thành phố”, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nêu ý kiến.
Dưới góc độ quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu xem thành phố Thủ Đức vẫn như một quận lớn, nếu không có cấp quận, lãnh đạo thành phố Thủ Đức có quyền hành chỉ ngang cấp quận của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất yếu về quyền hạn, không tương xứng với trách nhiệm, dẫn tới việc làm gì cũng phải chờ cấp cao hơn phê duyệt, mất hàng tháng như hiện nay thì sẽ không đủ lực để làm thành phố phía Đông.
“Ở Thượng Hải ( Trung Quốc), nếu cá nhân xin mở một công ty hay cấp phép xây một cao ốc, chính quyền có thể làm gấp trong một tuần với một cơ chế linh hoạt, cởi mở. Nếu ngay từ đầu, chúng ta không có một cơ chế khác biệt cho thành phố Thủ Đức sẽ khó có thể thành công”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.
Cùng với đó, phải giải quyết bài toán về nguồn lực tài chính và con người vì nguồn vốn xây dựng thành phố Thủ Đức không thể lấy từ ngân sách, mà phần lớn phải từ xã hội hóa. Vì thế phải có những bản quy hoạch - nơi mà nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra xây dự án khu công nghệ cao hoặc bất động sản, nhưng cũng đảm bảo lợi ích cho người dân về hạ tầng, tiện ích công cộng và môi sinh, mới đạt được kỳ vọng chung.
Về vấn đề nguồn lực con người, để đạt mục tiêu đóng góp trên 1/3 GDP của Thành phố Hồ Chí Minh như mong muốn, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố Thủ Đức cần thêm ít nhất khoảng nửa triệu dân mới. Nhưng không phải nửa triệu dân như bình thường, mà phải là nửa triệu dân phải có trình độ cao, có kỹ năng, tay nghề, kiến thức và làm việc trong những ngành nghề có thu nhập cao. Con người có chất lượng chính là sự hấp dẫn về giá trị cho thành phố phía Đông - kiểu đô thị trí thức, thông minh, sáng tạo như Thung lũng Silicon của Mỹ. Và vì thế, nếu muốn có thêm nửa triệu dân trình độ cao, nhà quản lý trước tiên phải tạo ra tương đương số lượng việc làm thu nhập cao và môi trường sống chất lượng cao tương xứng.
“Bên cạnh đó, phải thực hiện chỉnh trang, giải quyết vấn đề giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học, an ninh và chất lượng sống cho một triệu dân cư hiện hữu ở Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức. Tất cả những vấn đề của đô thị hiện hữu phải được đặt trên bàn cùng lúc với các dự án phát triển đô thị mới, nhằm tránh sự tương phản về kẹt xe, ô nhiễm, ngập lụt, thất nghiệp. Và lúc này, bản quy hoạch của thành phố Thủ Đức phải được lồng vào một bản quy hoạch mềm nữa, đó là bản quy hoạch cân bằng giữa lợi ích của các bên: Chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, trong đó, chất lượng sống của người dân phải được đặt lên hàng đầu”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.