TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp

Sáng 17/2, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho biết doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về vốn, lãi suất, thị trường xuất khẩu... Vì vậy, doanh nghiệp mong chính quyền TP Hồ Chí Minh đồng hành cùng tháo gỡ các khó khăn.

Chú thích ảnh
Hội nghị có sự tham dự của Bí thư TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và hơn 100 đại biểu là đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, cùng sở ban ngành.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch TP Hồ Chí Minh cho biết năm 2022, GRDP đã đạt 9,03% cao hơn chỉ tiêu thành phố đặt ra là 6 - 6,5% và cao hơn GRDP trung bình cả nước là 6%. Cùng với đó, những chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm an sinh xã hội đều đạt hiệu quả cao. Có được hiệu quả này là sự tham gia đồng bộ, nhịp nhàng có trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nhìn chung nền kinh tế thành phố vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch cùng với nhiều biến động chung của thế giới và trong nước, vì thế đã tác động và ảnh hưởng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, bước sang năm 2023, một số ngành đã và đang gặp khó khăn nghiêm trọng, trước hết là ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa. Thực tế ghi nhận cho thấy, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30 - 40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Ở lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái; nhiều doanh nghiệp phải thu thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới; thị trường gần như đóng băng và có khả năng kéo dài… Ngoài ra, một số doanh nghiệp ngành khác đang gặp khó khăn về vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đế kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại hội nghị. 

“Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng hầu hết đều trên 10%/năm, đây sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp khi sử dụng đòn bẩy vay nợ. Theo đó, Ngân hàng nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh nhằm hạ lãi suất vay. Thậm chí, việc khống chế tỉ lệ "biên độ lãi ròng" (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay", ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề vốn, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết: "Không chỉ lãi suất cho vay quá cao, việc ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng hoặc định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% giá trị tài sản năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng của doanh nghiệp, càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng,  nếu trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu".

Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, lãi suất tăng cao đang ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất thời gian qua. Với lãi suất vay vốn phải trả trên 10%, cộng với giá điện nước, nguyên liệu đang tăng sẽ càng khiến tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp cực thấp. Điều này đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đuối sức.

Mặt khác, theo bà Lý Kim Chi, đang có tình trạng doanh nghiệp vừa và lớn đã có thương hiệu, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ toàn diện về lãi suất, chính sách vốn, đầu tư, vùng nguyên vật liệu... để gia tăng nội lực sản xuất và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cam kết đồng hành với doanh nghiệp

Trả lời các vấn đề liên quan đến lãi suất, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp với những khó khăn, vướng mắc liên quan cơ chế chính sách lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu và phản ánh kiến nghị Ngân hàng nước Việt Nam xử lý theo thẩm quyền. Đối với các khó khăn vướng mắc liên quan con người, do cán bộ tín dụng gây khó cho doanh nghiệp sẽ kiên quyết xử lý, giải quyết cho doanh nghiệp. Đối với các khó khăn vướng mắc liên quan doanh nghiệp như tình hình tài chính yếu kém, dự án kinh doanh không khả thi, sổ sách kế toán không minh bạch… doanh nghiệp phải tự hoàn thiện để tiếp cận tín dụng được thuận lợi.

Theo ông Võ Văn Hoan, TP Hồ Chí Minh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sớm nhất, trong đó các vấn đề liên quan đến Trung ương, TP Hồ Chí Minh sẽ có kiến nghị, còn các vấn đề liên quan đến TP Hồ Chí Minh sẽ giao cho từng sở, ngành giải quyết, thậm chí có thể mời từng doanh nghiệp đang gặp khó khăn vướng mắc lên để giải quyết cụ thể từng vấn đề. Bởi theo thống kê, các vướng mắc phản ánh của doanh nghiệp không chỉ liên quan tài chính mà còn liên quan đất đai, xây dựng, đầu tư… và rất nhiều ngành nghề khác nhau.

"Sắp tới, các sở, ngành có liên quan cần chủ động mời từng nhóm hoặc từng doanh nghiệp cụ thể để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ. Với những nội dung liên quan chính sách và chiến lược dài hạn, nhất là ngành công thương thì cần xem xét đưa vào đề án quy hoạch, phát triển các ngành. Khó khăn của doanh nghiệp nhiều nhưng liên quan đến pháp lý và trách nhiệm công vụ thì chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương nếu vượt thẩm quyền, còn trách nhiệm công vụ cần nâng cao, cải thiện chất lượng", ông Võ Văn Hoan cho biết thêm.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần soi từng đầu việc để tìm giải pháp, từng đề xuất của doanh nghiệp ở từng ngành cụ thể cũng được chỉ đạo để tháo gỡ trong thời gian tới; cần tiếp tục chuyển đổi số, đẩy mạnh hơn nữa và cải cách ở từng cơ quan cho đến hệ thống chính quyền; phải làm sao công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Thủ tục là phải tối giản nhưng trong bối cảnh càng khó khăn, sự nỗ lực càng phải tiếp tục.

“Về lâu dài, muốn giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp cần cơ chế mới để phù hợp với bối cảnh mới; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực du lịch để khôi phục ngành du lịch trở lại. Thành phố cũng cần quan tâm đến việc cải thiện môi trường sống, văn minh, hiện đại và phải gắn chặt với văn hóa, an ninh, trật tự, an toàn, kết nối vùng… để đảm bảo đời sống tinh thần vật chất cho người dân và doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Nên cho biết thêm.

 

Bài và ảnh: PV/Báo Tin tức
Doanh nghiệp mong chờ 'phá băng' thị trường BĐS
Doanh nghiệp mong chờ 'phá băng' thị trường BĐS

Câu chuyện vướng mắc pháp lý không còn là mới ở TP Hồ Chí Minh khi có cả trăm dự án đang chờ được tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp cũng vì hai chữ "pháp lý" mà kinh doanh đình trệ, dự án nằm chờ trên giấy, thiệt hại trăm, ngàn tỉ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN