Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, năm nay, mùa mưa ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đến sớm hơn năm trước gần 3 tuần. Hiện Thành phố vẫn còn 15 điểm ngập khi mưa vẫn chưa khắc phục được. Do đó, mỗi mùa mưa đến, người dân lại phập phồng lo ngập.
Nhiều hộ dân tại phường 14, Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận mưa to kéo dài nhiều giờ vào chiều 6/5 gây ngập hàng chục tuyến đường, tuyến hẻm như đường Cây Sung, đường Bến Bình Đông, đường Ngô Sỹ Liên, đường Hoàng Sỹ Khải, đường Hoài Thanh... Mưa kèm gió mạnh còn khiến nhiều nhà dân bị gió cuốn tốc mái, đứt dây diện, lực lượng chức năng phải mất nhiều giờ để thu dọn, sửa chữa. Theo các hộ dân, năm nay mùa mưa đến quá sớm, mưa đầu mùa nhưng lại to và dai dẳng khiến người dân chưa kịp chuẩn bị dựng cửa chắn nước, gia cố mái tôn. Tuy khu vực phường 14, Quận 8 không phải “rốn ngập” của Thành phố nhưng gặp mưa quá to vẫn ngập nước. Những năm gần đây, tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng hơn nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Trước đó, hàng loạt các cơn mưa trái mùa rải rác từ ngày 16 đến 28/4 đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập dù lượng mưa không lớn. Có thể kể đến các tuyến đường Kha Vạn Cân, Quốc Hương, Tô Ngọc Vân (Thành phố Thủ Đức), Bình Lợi (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12)...Trong đó, đường Tô Ngọc Vân (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Linh Đông, Thành phố Thủ Đức) bị ngập nặng nhất, có đoạn ngập quá nửa bánh xe. Các cơn mưa thường rơi đúng vào giờ tan tầm gây ùn tắc giao thông, hàng loạt xe chết máy, người dân “bì bõm” di chuyển về nhà.
Chị Trần Hồng Lan, nhà ở khu dân cư Thảo Điền (phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức) chia sẻ, thấy mùa mưa năm nay đến sớm, mưa lại nặng hạt nên từ cuối tháng 4, gia đình chị đã lắp thêm cửa chắn ngập ngay cổng vào sân và cửa chính, đồng thời đặt bao cát trên mái tôn đề phòng gió cuốn, sơn sửa lại tường nhà chống thấm nước. Theo chị Lan, cứ đến mùa mưa, khu Thảo Điền lại trở thành “rốn ngập”. Năm nào, các hộ dân cũng phải bỏ ra một khoản chi phí gia cố lại nhà.
Để đáp ứng mong muốn của người dân, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông - Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa nhiều công trình chống ngập hoàn thành đúng thời hạn. Có thể kể đến công trình nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vừa hoàn thành và đưa vào khai thác vào đúng ngày 30/4. Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, đây là công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 473 tỷ đồng. Dự án có chiều dài hơn 3,1km, rộng 35-50m theo hiện trạng. Mặt đường sau khi hoàn thiện được trải nhựa, vỉa hè dọc đường được đóng gạch mới và lắp đặt đèn chiếu sáng phù hợp với quy hoạch của Thành phố. Dự án còn đầu tư hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước... Nhiều người dân hy vọng công trình sẽ giúp giải quyết được câu chuyện ngập nước dai dẳng tồn tại nhiều năm qua ở khu vực này.
Một dự án trọng điểm khác là dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè) với tổng vốn gần 300 tỷ đồng đã hoàn thành trong tháng 4 vừa qua. Công trình làm hệ thống cống tròn dọc tuyến, bề rộng từ 80cm đến 2m và xây cửa xả tăng khả năng thoát nước ra kênh rạch, đồng thời kết hợp nâng mặt đường lên 30 - 40cm những đoạn trũng thấp, bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh..., đảm bảo giải quyết hiệu quả thoát nước mặt đường khi mưa và thoát nước sinh hoạt cho lưu vực tuyến đường. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm hẳn nguy cơ ngập nước trong mùa mưa năm nay cho tuyến đường được xem là một trong những “rốn ngập” nghiêm trọng nhất của TP Hồ Chí Minh mỗi khi mưa lớn.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông - Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh những dự án hoàn thành đúng hạn, vẫn còn rất nhiều dự án đang gặp khó khăn trong tiến độ thực hiện vì nhiều nguyên do.
Đơn cử như nhóm 3 dự án cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giải quyết 4 điểm ngập trên các đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân và Bàu Cát dự kiến khởi công từ quý 3/2020 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai dù đã đấu thầu xây lắp vì đã quá thời gian thực hiện. Các đơn vị liên quan đang phối điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, sau khi được phê duyệt điều chỉnh sẽ tiến hành khởi công trong nửa cuối năm 2021.
Tương tự, năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã cho khảo sát, dự tính xây 7 hồ điều tiết ngầm tại nhiều vị trí để chống ngập. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có hồ điều tiết nào được triển khai xây dựng. Trong đó, dự án cải thiện hệ thống thoát nước chiều dài 2,5km trên đường Võ Văn Ngân (Thành phố Thủ Đức) với tổng kinh phí 129 tỷ đồng được người dân mong chờ nhất do đây là tuyến đường ngập nặng nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn “án binh bất động”.
Theo ông Lương Minh Phúc, nguyên nhân chính là vì nhiều quận, huyện không thống nhất với vị trí đặt các hồ theo thiết kế do lo ngại ảnh hưởng đến một số công trình khác đang triển khai. Bên cạnh đó, nhiều địa phương lại không có quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư nên hàng loạt dự án phải tạm dừng để chờ Chính phủ hướng dẫn, xác định tài sản công chi trả cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, dự án chống ngập do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 10.000 tỷ đồng, gồm 6 cống ngăn triều (Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận), với mục tiêu kiểm soát ngập cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, được khởi công từ tháng 6/2016, đến đã thi công 90% khối lượng công việc nhưng đang đứng trước nguy cơ dừng thi công do vướng mắc về ký kết phụ lục hợp đồng, thủ tục thanh toán…
Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia đô thị - môi trường nhận định, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng ngập do thời tiết, triều cường nặng nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do vậy, Thành phố có nhu cầu rất cấp thiết về các dự án, công trình chống ngập đạt hiệu quả cao. Để đồng bộ quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập trước tình trạng trì trệ như hiện tại, theo ông Lê Huy Bá, Thành phố cần tháo gỡ được những vấn đề khó khăn về nguồn lực và quan tâm tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả cao. Muốn làm được những điều này, nhất định phải thực hiện hợp tác đa ngành, trong đó cần một bộ phận đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban, ngành cùng tham gia.
Tiến sỹ Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường,Trường Đại học Thủy Lợi cho rằng, TP Hồ Chí Minh vốn có sẵn nhiều hồ chứa nước dung tích khá lớn trong các công viên như hồ ở công viên Lê Thị Riêng, Kỳ Hòa (Quận 10), hồ Khu Du lịch Đầm Sen (Quận 11), hồ Văn Thánh (quận Bình Thạnh)... Nếu việc xây dựng hồ điều tiết gặp khó khăn, có thể tận dụng hệ thống các hồ này để phục vụ chống ngập thay vì chỉ để tạo cảnh quan khá lãng phí như hiện nay. Muốn làm được việc này, Thành phố phải có mô hình quản lý hồ công cộng để kết nối các hồ với hệ thống cống bên ngoài bằng van điều tiết nhằm thu nước mưa chống ngập cho khu vực xung quanh, sau đó mới tiến hành lọc lại nước hồ nếu nước quá bẩn.
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quý II năm 2021, Thành phố sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để đưa các dự án đang bị đình trệ sớm khởi công và thi công trở lại. Theo đó, dự án cải thiện hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân (Thành phố Thủ Đức) đang gấp rút kiểm tra hiện trạng, bổ sung hồ sơ pháp lý để triển khai thi công trong tháng này. Bên cạnh đó, dự án cải thiện hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức) hiện đang bị vướng mặt bằng một ngôi nhà cũng sẽ nhanh chóng giải quyết để tiến hành bàn giao mặt bằng và triển khai thi công trong năm nay. Các dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý và đường Trương Công Định (quận Tân Phú); dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (quận Tân Bình)... đều dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.