TP Hồ Chí Minh: 433 khu vực trọng điểm cần tập trung phòng, chống ngập lụt

UBND TP Hồ Chí Minh xác định có 433 khu vực trọng điểm cần tập trung phòng chống, ứng phó khi xảy ra mưa lớn kéo dài, triều cường, xả lũ.

Trong đó, một số địa phương có nhiều điểm như Quận 1 (49 điểm), Quận 8 (48 điểm), Quận 3 (43 điểm), thành phố Thủ Đức (44 điểm), Quận 12 (23 điểm), Bình Thạnh (22 điểm). 

Chú thích ảnh
Triều cường gây ngập nặng trên đường Huỳnh Tân Phát. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN phát

Theo Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố vừa được ban hành, khi có dự báo mưa lớn diện rộng (tổng lượng mưa đạt trên 50mm trong 24 giờ) và đỉnh triều cường (mực nước đo tại trạm Phú An) vượt mức báo động II (từ 1,50 m trở lên), xả lũ của hồ Dầu Tiếng > 200 m/s, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố trực thuộc Sở Xây dựng) xác định các khu vực sẽ bị ảnh hưởng ngập để thông tin cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó.

Nhằm chủ động phòng, chống để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra ngập lụt do mưa lớn, triều cường kết hợp xả lũ, UBND Thành phố yêu cầu tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ " (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và "ba sẵn sàng" (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) trong quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ ngay tại cơ sở.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả, UBND Thành phố yêu cầu vào trước mùa mưa, triều cường (từ tháng 1 đến tháng 6 hằng năm), UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và gia cố các công trình phòng, chống ngập lụt, cống ngăn triều, bờ bao, tiêu thoát nước. Đồng thời, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức nạo vét, khai thông hệ thống kênh, mương, cống tiêu thoát nước trên địa bàn theo kế hoạch ngay từ đầu năm; chủ động kiểm tra rà soát, xác định bổ sung các khu vực xung yếu cần phải sơ tán, di dời dân, các địa điểm tạm cư an toàn để tiếp nhận số dân được dự kiến sẽ sơ tán, di dời trong thời gian xảy ra ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Để đảm bảo lực lượng khi ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố dự kiến huy động gần 30.000 người từ các sở, ngành, đơn vị đến quận - huyện, phường - xã - thị trấn tham gia. Trong đó, lực lượng nòng cốt của Thành phố là 4.240 người; lực lượng của quận - huyện là 9.356 người và lực lượng của các xã - phường - thị trấn là 16.020 người. Tùy theo tình hình diễn biến mưa lớn, triều cường, xả lũ và mức độ ảnh hưởng ngập lụt, thiệt hại xảy ra ở từng khu vực, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương theo yêu cầu.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 9 đợt lốc xoáy và mưa giông, có 4 đợt triều cường cao, trong đó 2 đợt trên báo động cấp II và 2 đợt trên báo động cấp III; 3 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch.

Thiên tai đã khiến 2 người tử vong do cây xanh ngã đổ khi mưa giông; làm tốc mái, hư hỏng 17 căn nhà; 18 phòng trọ, 1 trường học, ngã đổ 319 cây xanh; diện tích đất sạt lở khoảng 2.470 m2. Các đợt triều cường đã gây ngập úng tại một số tuyến đường như: đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền; đường số 2 và đường số 12, phường An Phú; đường số 21 đoạn tiếp giáp sông Đồng Nai, phường Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2, nay là thành phố Thủ Đức); đường Hoàng Diệu, Vĩnh Khánh, Vĩnh Hội, Tân Vĩnh, Trương Đình Hợi, Nguyễn Thần Hiến, Tôn Đản, Tôn Thất Thuyết (Quận 4); đường Phạm Hữu Lầu, đường Trần Xuân Soạn (Quận 7); đường Phú Định (Quận 8); đường số 7, phường Bình Trị Đông B; đường số 1, khu phố 5, phường Tân Tạo A; đường Hồ Học Lãm, khu dân cư Nam Hùng Vương, khu dân cư Hương lộ 5, đường Lê Tấn Bê, đường Võ Văn Kiệt, phường An Lạc (quận Bình Tân)…

A.Tuấn (TTXVN)
Triều cường dâng cao, đường và nhà dân ở TP Thủ Đức ngập sâu gần 1m
Triều cường dâng cao, đường và nhà dân ở TP Thủ Đức ngập sâu gần 1m

Đến trưa 3/1, nước ngập sâu ở khu vực đường 38 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) vẫn chưa rút khiến sinh hoạt của người dân gặp khó khăn, giao thông ùn tắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN