TP Hồ Chí Minh đặt tình hình dịch COVID-19 ở mức độ nguy cơ rất cao

“Từ khi tiếp nhận 2 ca đầu tiên là cha con người Trung Quốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cho đến thời điểm này, chưa có lúc nào các ca bệnh tại thành phố lên hơn 30 ca như lần này", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nói tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 9/2.

Ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất chưa xác định được nguồn lây

Liên quan đến ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã ghi nhận 32 trường hợp mắc COVID-19 do Bộ Y tế công bố. Qua điều tra giám sát, Thành phố ghi nhận khoảng 1.324 trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh trên và có hàng chục địa điểm bị phong tỏa.

Chú thích ảnh
Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa xác định được nguồn lây.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá diễn biến ổ dịch tại công ty bốc xếp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là khá phức tạp bởi chưa thể xác định được nguồn lây cũng như thời điểm khởi đầu. "Do đó có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới, rất khó kiểm soát", ông Nguyễn Thành Phong đánh giá.

“Thông thường từ F1 sẽ chuyển sang F2, nhưng hiện nay phần lớn F2 chuyển sang F0. Chưa chắc nguồn lây của ổ dịch tại công ty bốc xếp Cảng hàng không Tân Sơn Nhất bắt nguồn từ Chí Linh (Hải Dương), bệnh nhân 1979 và chuỗi lây nhiễm của bệnh nhân 2002, 2003, 2004 và 2005. Các trường hợp lây nhiễm mới tới thời điểm này là F1 của các bệnh nhân trên. Đặc biệt, trong đó có những trường hợp âm tính, nhưng người nhà dương tính. Như vậy, ổ dịch lây nhiễm có thể đã có từ trước”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết: "Đây là đợt dịch bùng phát ở sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc đầu tưởng đơn giản nhưng nảy sinh tình huống rất bất ngờ, đó là F1 âm tính nhưng 15 ca F2 lại dương tính. Về mặt logic, bệnh nhân 1979 không phải ca đầu tiên, chúng tôi đang điều tra tìm hiểu rõ".

Nhận định về tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, dịch bệnh COVID-19 tại thành phố đang ở mức độ nguy cơ rất cao. Do đó, Thành phố phải sẵn sàng có kịch bản cho tình huống khẩn cấp. Ngoài Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Bệnh viện Ung Bướu… thì các cơ sở y tế khác cũng phải sẵn sàng từ đội ngũ, cơ sở vật chất cho các tình huống đặc biệt.

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, hiện dịch COVID-19 lây nhiễm tại thành phố theo diễn biến rất phức tạp; nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, vì vậy đòi hỏi tập trung chỉ đạo quyết liệt. Việc xét nghiệm sàng lọc truy vết cần làm tích cực, phong tỏa kịp thời, hợp lý, tránh lây lan các ca bệnh...

Theo đó, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu công tác phòng chống dịch phải thực hiện nghiêm, đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, thực hiện quy tắc 5K, trong đó có việc đeo khẩu trang; vận động nhân dân hạn chế tối đa tiếp xúc khi không thật sự cần thiết; phải lấy mẫu xét nghiệm những người có biểu hiện bệnh cùng với các trường hợp F1, F2; khi cần thiết sẽ thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 phù hợp với địa điểm từng địa phương, từng địa bàn, không áp dụng chung cho các trường hợp, tránh gây ảnh hưởng đến người dân khi không cần thiết.

Sẵn sàng với tình huống có nhiều ca bệnh

Thông tin về công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống y tế thành phố; đồng thời phối hợp chặt chẽ vối các cơ quan y tế đóng trên địa bàn tập trung cho công tác chống dịch.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng các khu cách ly, dự kiến có thể lên đến 10.000 giường, để đáp ứng tình huống khẩn cấp khi có nhiều người phải đi cách ly.  

Theo đó, Thành phố dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan y tế đóng trên địa bàn thành phố đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu đơn trong 24 giờ và nếu thực hiện mẫu gộp, có thể nâng công suất lên 120.000 – 150.000 mẫu/ngày; tập huấn và xây dựng lực lượng lấy mẫu tất cả bệnh viện công lập và Trung tâm y tế, đảm bảo công suất 100.000 mẫu/ngày.

Song song đó, Thành phố cũng triển khai kế hoạch đảm bảo điều trị trong trường hợp có 50 – 100 người bệnh; chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ để điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị 840 giường bệnh thường; 30 giường hồi sức; 10 máy thở chức năng cao; 10 máy thở xâm nhập và không xâm nhập; máy thở xách tay kèm van PEEP; 5 máy lọc máu liên tục và 5 hệ thống ECMO...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị thuộc Bộ tại TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận sẵn sàng nguồn lực trong truy vết, giám sát dịch tễ, xét nghiệm; tại sân bay Tân Sơn Nhất phải tăng cường thêm công tác rà soát, "quét đi quét lại".

Về vấn đề cách ly, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, TP Hồ Chí Minh vẫn áp dụng cách ly 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Tuy nhiên, các khu cách ly hiện không còn nhiều chỗ nên các quận, huyện chuẩn bị thêm các khu cách ly, kiểm tra giám sát chặt việc cách ly tại nhà.

“Dù tình hình dịch bệnh như thế nào cũng cần sự bình tĩnh, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nắm và thực hiện đúng quy định; đặc biệt cập nhật thông tin kịp thời, chỉ đạo xử lý chính xác tình hình để xử lý tốt từng trường hợp”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
33 điểm bị phong tỏa vì có ca mắc và nghi mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh
33 điểm bị phong tỏa vì có ca mắc và nghi mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh hiện đang có 33 điểm phong tỏa tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức vì liên quan đến các ca nghi nhiễm COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN