TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi số lượng F0 tăng liên tục

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, trong những ngày qua, số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn cao; số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh khẳng định vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh.

 F0 tăng nhanh, y tế cơ sở quá tải

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, số ca tử vong và số ca mắc mới trong những tuần cuối tháng 11 luôn tăng; đặc biệt là ca nhập viện trong ngày luôn cao hơn số ca xuất viện. Cụ thể, ngày 25/11 có 1.104 trường hợp xuất viện nhưng có đến 1.512 trường hợp nhập viện; ngày 26/11 có 1.516 trường hợp nhập viện nhưng chỉ có 1.022 trường hợp xuất viện; ngày 27/11 có 1.326 trường hợp nhập viện nhưng chỉ có 1.030 trường hợp xuất viện…

Chú thích ảnh
Các giường bệnh ở tầng 1, 2 Bệnh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình đều kín giường.

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại Bệnh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình (quận Tân Bình) cho thấy, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận 70 - 100 bệnh nhân nhập viện ở tất cả các tầng và tăng so với 2 tuần trước đó. Theo đó, nếu như ở tầng 1 có 150 giường bệnh nhưng đến nay đã có khoảng 200 bệnh nhân nằm; tầng 2 có 350 giường nhưng hiện cũng đang có trên 400 bệnh nhân điều trị.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến điều trị đa tầng Tân Bình, thiết kế bệnh viện có 1.000 giường bệnh nhưng do có một số khu vực chưa triển khai hết, dẫn đến bệnh viện mới chỉ đáp ứng được khoảng 850 bệnh nhân. Hầu hết các tầng đều phủ kín. Để đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, bệnh viện đã kê thêm 50 giường dọc các hành lang.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Hồ Hữu Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình cho biết, riêng ở khu vực tầng 3 chưa quá tải nhưng thiếu nhân lực, bởi so với tiêu chuẩn quy định, số nhân viên y tế thấp so với số bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đang có khoảng trên 66.000 F0 đang được cách ly, theo dõi tại nhà.

“Khi Thành phố mở cửa hoạt động trở lại bình thường, các bệnh viện cũng chuyển đổi công năng, lo các hoạt động khám bệnh thông thường nên nhân lực bị giảm bớt. Bên cạnh đó, các tình ngyện viên cũng trở lại hoạt động thông thường nên dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực cục bộ”, bác sĩ Hồ Hữu Đức nói.

Trước tình trạng thiếu nhận lực của Bênh viện Dã chiến đa tầng Tân Bình, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cử 4 bác sĩ và 16 điều dưỡng thuộc Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện quận Phú Nhuận đến hỗ trợ cho bệnh viện. “Nguồn nhân lực này sẽ giảm tải áp lực cho 3 tầng điều trị đang thiếu nhân lực, dẫn đến quá tải hiện nay”, lãnh đạo Bệnh viện chia sẻ.

Tương tự, tại các trạm y tế cũng đang trong tình trạng quá tải trong việc quản lý và chăm sóc F0 tại nhà. Đại diện Trạm y tế Phường 22 (quận Bình Thạnh) cho biết, hiện trạm đang theo dõi 500 ca F0 và trung bình mỗi ngày có 30 ca F0 mới. Thế nhưng, trạm chỉ có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng nên không quản lý xuể.

“Với số lượng F0 tại nhà ngày càng tăng, nhân sự y tế không thể đáp ứng, do đó không có thời gian gọi điện thoại thăm hỏi hay xuống trực tiếp thăm khám”, đại diện Trạm y tế Phường 22 chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang có 82.536 bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị, cách ly; trong đó có 14.580 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3; 6.199 trường hợp đang các ly tại các cơ sở cách ly tập trung và 66.862 trường hợp F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.

Nhiều giải pháp tiếp cận F0 nhanh nhất

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại Trạm y tế phường Thạnh Mỹ Lợi (thành phố Thủ Đức) chuẩn bị đi phát các gói thuốc cho F0 cách ly tại nhà.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho rằng, số ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố trong những ngày qua vẫn cao nhưng tình hình vẫn đang được kiểm soát. Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch tại TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức 2 và Thành phố cũng đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý tình huống khi số ca mắc mới tăng cao.

Về chăm sóc và tiếp cận F0 trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND Quận 7 cho biết, hiện nay Quận 7 đã thành lập 21 trạm y tế lưu động; tăng cường nhân sự từ Trung tâm y tế, huy động tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ. Bên cạnh đó, quận còn kiện toàn 828 tổ y tế tự quản để hình thành tổ chăm sóc F0 theo hướng dẫn của Sở Y tế.

“Đến nay, quận đã và đang đảm bảo việc cấp, phát thuốc cho F0 trên địa bàn. Theo đó, duy trì và đảm bảo liên lạc thông suốt đường dây nóng của hệ thống tế 24/7, qua đó kịp thời nắm bắt thông tin và chăm sóc F0”, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan cho biết thêm.

Về năng lực tiếp nhận cách ly, thu dung điều trị, Quận 7 duy trì Bệnh viện Dã chiến với 150 giường ICU và sẵn sàng 500 giường để tiếp nhận cách ly tập trung, thu dung và một khu cách ly 300 giường.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm cho F0 đã đủ thời gian cách ly.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố đang có 319 Trạm y tế cố hữu; để bổ sung nhân lực chăm sóc F0 kịp thời, Thành phố cũng thành lập thêm các Trạm y tế lưu động. Tính đến nay, Thành phố đã có thêm 349 Trạm y tế lưu động; tổng đài 1022 với trên 200 bác sĩ có thể tư vấn chăm sóc sức khoẻ cho F0 tại nhà. Thành phố khởi động lại hệ thống bác sĩ đồng hành với khoảng 1.500 bác sĩ kết nối, thăm hỏi hàng ngày đối với F0 phân công phụ trách trên từng địa bàn và đánh giá mức độ chuyển nặng để có thể chuyển viện kịp thời…

Nhằm đảm bảo lực lượng thu dung và điều trị, Sở Y tế cũng tăng cường điều nhân viên y tế đến những bệnh viện dã chiến 3 tầng, bổ sung nhân lực cho các Trạm y tế lưu động tại các khu vực có F0 tăng như huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Cùng với đó, phối hợp với Hội Đông y TP Hồ Chí Minh để cấp thuốc hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm, để hỗ trợ thêm cho các hệ thống y tế lưu động, hệ thống y tế tuyến cơ sở trong việc chăm sóc F0, Sở Y tế cũng đã trình với UBND TP Hồ Chí Minh đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của y tế tư nhân. Theo đó, tất cả các phòng khám y tế tư nhân đều có thể tham gia.

Thông tin về năng lực điều trị tại các bệnh viện thành phố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố có đến 31.000 giường bệnh ở các bệnh viện tầng 2 và tầng 3, nhưng hiện số bệnh nhân đang điều trị tại hai tầng này khoảng trên 14.000 bệnh nhân. Do đó, các bệnh viện điều trị COVID-19 vẫn đáp ứng nhu cầu F0 nhập viện điều trị.

“Tuy nhiên, để làm tốt công tác điều trị, hiện nay, chúng tôi vẫn đang cố gắng để không xảy ra tình trạng quá tải ở bệnh viện. Nhiệm vụ quan trọng đề ra đó là bằng mọi biện pháp giảm số ca F0 mới và nâng cao năng lực điều trị trên địa bàn. Đề án được thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm một nguồn lực nữa để người dân có thể lựa chọn gói hỗ trợ tốt nhất, yên tâm điều trị tại nhà”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Các trường xây dựng kịch bản ứng phó khi F0 xuất hiện trong trường học
TP Hồ Chí Minh: Các trường xây dựng kịch bản ứng phó khi F0 xuất hiện trong trường học

Ngày 29/11, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành giáo dục Thành phố đã xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 để tổ chức đón học sinh trở lại trường; trong đó, các cơ sở giáo dục phải chuẩn bị kịch bản, phương án cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý nếu xuất hiện F0, F1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN