Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cảnh báo sớm và giảm tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thực trạng ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc không khí nhiều tuần qua cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 tại thành phố đều vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, trong đợt đo từ 31/10 - 6/11, chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 19% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn. Đợt đo tiếp theo từ ngày 7/11 đến ngày 13/11 cho thấy chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 21,9% giá trị quan trắc không đạt. Giai đoạn 14/11-20/11, các chỉ tiêu bụi (TSP) có 42,9% giá trị quan trắc không đạt, chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 9,5% giá trị quan trắc không đạt.
Trong nhiều ngày qua, từ sáng sớm đến tận trưa, đi trên các tuyến đường, người dân Thành phố Hồ Chí Minh dễ dàng nhận thấy bầu không khí như được bao phủ trong một lớp sương mù đặc quánh. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng thường thấy tại khu vực Nam Bộ vào những tháng cuối năm, thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô. Hiện tượng này được Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh công bố với tên gọi “mù quang hóa”. Đây là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.
Phó Giao sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, lượng bụi mịn PM2.5 của thành phố hiện cao gấp 4 - 5 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng tỷ lệ PM2.5 từ phương tiện giao thông chiếm 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố. Còn tổng phát thải khí nhà kính năm 2019 của Thành phố Hồ Chí Minh là trên 58 triệu tấn CO2/năm, trong đó sản xuất công nghiệp 30%, giao thông vận tải 20% (xe mô tô chiếm trên 80% với hơn 8 triệu cái).
Theo các chuyên gia môi trường, bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Con người khi hít phải sẽ len lỏi sâu vào trong phổi, phế quản, máu,… gây ra nguy cơ các bệnh về phổi, máu, mạch,… Nghiên cứu của WHO cho rằng, bụi PM2.5 là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn gây ra những tổn hại rất lớn đến môi trường như hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ozon, biến đổi khí hậu,… đặc biệt là hiện tượng mưa axit. Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh có mức ô nhiễm không khí đứng thứ hai Đông Nam Á sau Jakarta của Indonesia và đứng thứ 12 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.
Có thể nổi, ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả,… Do đó, Thành phố cần phải nhanh chóng có giải pháp để khắc phục, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí càng sớm càng tốt.
Cải thiện chất lượng không khí
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe mô tô, nếu không đạt chuẩn khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng xe thường xuyên. Qua đó, tiến tới chuyển từ xe mô tô sang sử dụng xe công cộng, tàu điện hoặc xe buýt sạch; thay thế xe buýt dùng công nghệ cũ bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch hơn.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí, đồng thời, theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về sở. Từ đó, kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông và Vận tải tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đạt 15%, đến năm 2030 đạt 25%.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai dự án nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí (dự án TA9608-REG). Ngoài nghiên cứu chất lượng không khí tập trung vào hiện trạng chất lượng không khí, các tác động và quản lý thì dự án cũng nhắm đến tìm ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí thông qua đổi mới công nghệ, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ nâng cao năng lực với các ước lượng chi phí đầu tư để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Trung tâm Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Ireland triển khai Dự án ứng dụng theo dõi chất lượng không khí HealthyAIR với 6 trạm quan trắc tại Thành phố Hồ Chí Minh để thu thập dữ liệu, xử lý và đưa ra những dự đoán về ô nhiễm không khí thông qua app, sau đó dự án sẽ đưa ra chính sách làm thế nào để giảm tình trạng này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí nhằm cải thiện chất lượng không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí,...
Đồng thời, ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí đến bệnh tật, sức khỏe cộng đồng và đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trước hết tại các khu đô thị lớn, địa bàn tập trung nhiều nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm cao làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí...