Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này tại Canada nhằm tìm ra những giải pháp trong tương lai trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.
Lịch sử thế giới đã ghi nhận nhiều vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có sự kiện ô nhiễm không khí ở London (Anh), diễn ra từ ngày 5 - 9/12/1952. Sau một thời gian thời tiết lạnh giá và thiếu gió, cộng với không khí ô nhiễm thải ra từ các nhà máy điện, nhà máy sản xuất công nghiệp, thành phố London dần chìm vào một lớp “sương mù” dày đặc chưa từng có. Được coi là đợt ô nhiễm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh, lớp “sương mù” dày đặc kéo dài trong 5 ngày đã làm khoảng 4.000 người tử vong, hầu hết trong số đó là trẻ em và người già, hoặc những người có vấn đề về hô hấp. Dữ liệu từ sự kiện này càng cho con người thấy rằng việc hít thở không khí ô nhiễm với nồng độ cao sẽ gây hại cho sức khỏe nghiêm trọng như thế nào.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ đã xem xét tác hại đối với sức khỏe do ô nhiễm không khí từ một góc độ khác. Các nhà khoa học đã xem xét hồ sơ điều tra dân số của trên 7 triệu người Canada từ năm 1981 đến năm 2016 kết hợp với dữ liệu ô nhiễm không khí để tìm hiểu xem liệu mức độ ô nhiễm bụi mịn ở nồng độ thấp có gây hại hay không. Kết quả cho thấy mặc dù có không khí tương đối trong lành, song mỗi năm, gần 8.000 người Canada vẫn tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời. Đáng chú ý, ngay cả những người ở những khu vực không khí trong lành nhất cũng ghi nhận sức khỏe bị ảnh hưởng
Nghiên cứu tại Canada là một trong 3 nghiên cứu được Viện nghiên cứu về những ảnh hưởng đối với sức khỏe của Mỹ tài trợ. Hai công trình còn lại nghiên cứu trên 60 triệu người ở Mỹ và 27 triệu người ở châu Âu. Tất cả đều đi đến kết luận chung rằng không có giới hạn nào có thể được áp dụng để xác định chất lượng không khí an toàn.
Giáo sư Michael Brauer tại Đại học British Columbia, người dẫn đầu nghiên cứu tại Canada, cho biết những phát hiện trên cho thấy những lợi ích sức khỏe quan trọng có thể đạt được từ việc tiếp tục giảm ô nhiễm không khí kết hợp với các tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt hơn, kể cả ở các quốc gia như Canada và Anh. Từ việc không xác định được mức độ ô nhiễm không khí ở mức được gọi là "an toàn", các nhà nghiên cứu cho rằng các nước nên thay đổi cách tiếp cận và tập trung vào nỗ lực giảm ô nhiễm không khí qua từng năm, thay vì chỉ đặt ra các tiêu chuẩn nồng độ cố định của các tác nhân gây ô nhiễm vốn chỉ được xem xét mỗi 5 đến 10 năm.
Tháng trước, một báo cáo tại Anh cho thấy ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây ra chứng sa sút trí tuệ. Trong khi đó, một báo cáo khác ở Mỹ nêu rõ bệnh hen suyễn có thể khởi phát như thế nào khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm từ hoạt động giao thông. Mặc dù Vương quốc Anh và các nước châu Âu đã cam kết thực hiện các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí, song ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự cần thiết phải hành động để cải thiện chất lượng không khí ở mọi nơi.
Dữ liệu được WHO công bố hồi tháng 4 vừa qua cho thấy mức độ ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao nguy hiểm ở nhiều nơi trên thế giới khi gần như toàn bộ dân số thế giới (99%) hít thở không khí có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao. Con số mà WHO đưa ra nêu bật tầm quan trọng của việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và áp dụng các biện pháp cụ thể khác để giảm mức độ ô nhiễm không khí.