TP Hồ Chí Minh: 96% lao động quay lại làm việc sau Tết

Tính đến sáng 10/2, tỷ lệ lao động quay lại làm việc sau Tết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chiếm 96% - trên 1,9 triệu người. Khu chế xuất, khu công nghiệp là 262.000/273.000 người, khu công nghệ cao là 49.700/51.767. Còn với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp thì trên 1,6 triệu người đã quay trở lại làm việc.

Chú thích ảnh
Công nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Trên đây là nội dung nổi bật được ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đưa ra trong cuộc họp thông tin phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế định kỳ tại ThP Hồ Chí Minh ngày 10/2.

Đảm bảo chăm lo sức khỏe cho lao động sau Tết

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, một số doanh nghiệp đã chuẩn bị được đơn hàng đến tháng 7/2022, chính sách thu hút và giữ chân người lao động khá chu đáo. Dự kiến, nhu cầu lao động sau Tết tại TP Hồ Chí Minh cần khoảng 30.000 người. Theo thống kê của hệ thống dịch vụ, việc làm, các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, dệt may, da giày, lương thực, thực phẩm… Mức lương trên 6 triệu đồng với lao động không cần trình độ chuyên môn và 8 đến hơn 10 triệu đồng cho người có tay nghề. 

Ông Trần Ngọc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, số tiền chăm lo Tết cho người lao động trong năm nay cao hơn 1,5 lần so với các năm trước. Lượng lao động trở lại làm việc từ ngày 5/2 - 9/2 đạt tỷ lệ cao hơn khá nhiều so với các năm. 

Trong các năm trước, tính đến ngày 10 - 15/2 chỉ khoảng 70 - 80% lao động trở lại làm việc sau Tết, năm nay là trên 90%. Sau Tết, Liên đoàn ghi nhận trên 1.000 công nhân mắc COVID-19 khi quay trở lại làm việc. Đây đều là các trường hợp nhẹ, không nguy hiểm. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 đạt trên 86%; riêng khu công nghiệp đạt trên 96%. Liên đoàn đang phối hợp với các bệnh viện, hỗ trợ phục hồi cho bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh để đảm bảo sức khỏe lao động. 

Thiếu giáo viên mầm non cục bộ

Liên quan dến công tác tổ chức dạy và học trực tuyến, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, ngành giáo dục đang tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7-12. Hiện, công tác tổ chức dạy học trực tiếp đã ổn định, không gián đoạn. Từ ngày 7 - 9/2, Sở ghi nhận 5 trường hợp F0 tại trường và đều được xử lý đúng quy trình. 

Với bậc tiểu học và học sinh lớp 6, các cơ sở giáo dục đang chuẩn bị những công đoạn cuối để ngày 14/2 đón học sinh quay trở lại trường học. Đồng thời, những cơ sở giáo dục từng được trưng dụng làm nơi phòng, chống dịch đều đã có thể mở cửa, đón học sinh. Từ ngày 1/3, tùy theo điều kiện, ngành giáo dục mở rộng cho đối tượng trẻ em khác đến trường. 

Về việc thiếu giáo viên mầm non, theo ông Trịnh Duy Trọng, hiện, tất cả cơ sở giáo dục mầm non công lập đều đảm bảo 100% trẻ đến trường được chăm lo. Trường ngoài công lập có tình trạng thiếu giáo viên bảo mẫu cục bộ do người lao động về quê sau dịch. Tuy nhiên, với số phụ huynh đăng ký cho trẻ đến trường từ ngày 14/2 thì cơ sở giáo dục hoàn toàn đáp ứng được.

Hiện, số phụ huynh học sinh đồng thuận và đăng ký cho trẻ đến trường từ ngày 14/2 ở khối tiểu học là 80 - 85%, khối mầm non là 60 - 80%. 

Số ca F0 có xu hướng tăng nhẹ sau Tết

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sau những năm dịch COVID-19 bùng phát, năm nay, toàn bộ người dân thành phố được hưởng cái Tết Nhâm Dần trọn vẹn nhờ sự chuẩn bị chu đáo và tuân thủ quy định phòng, chống dịch của người dân. Sau kỳ nghỉ Tết, từ ngày 8 - 10/2, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ, đến hôm nay (ngày 11/2) là 242 ca. 

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, trong vài ngày tới, số ca mắc COVID-19 sẽ tăng nhưng ca nặng, thở máy, tử vong không tăng, thậm chí sẽ giảm do quá trình điều trị tốt. Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường tiêm vaccine cho người dân.

Về việc sắp xếp bệnh viện, Sở Y tế đã có văn bản trình UBND TP Hồ Chí Minh để tham mưu kế hoạch chuyển đổi công năng, duy trì hoạt động bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị và trung tâm hồi sức COVID-19. Trong đó, dự kiến, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (thành phố Thủ Đức) sẽ giải thể, hoàn thành sứ mệnh. 

Lý giải về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, hiện tại, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã đến lúc hoạt động trở lại để đảm bảo chăm sóc sức khỏe người bệnh. Lãnh đạo Bệnh Chợ Rẫy cũng đề xuất hoàn thành sứ mệnh đối với bệnh viện này. Trường hợp người bệnh COVID-19 nhẹ còn điều trị tại bệnh viện này sẽ được chuyển đến một trong 2 Trung tâm Hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng. 

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa 3 bệnh viện dã chiến là Bệnh viện dã chiến số 6, số 8 và số 12, những cơ sở được trưng dụng từ các tòa nhà Khu tái định cư Thủ Thiêm. Trong đó, Bệnh viện dã chiến số 12 vốn là nơi dành riêng điều trị ca nhiễm biến chủng Omicron. Hiện, số ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron tại TP Hồ Chí Minh vẫn dừng lại ở con số 92 trường hợp, chưa ghi nhận ca bệnh nào tử vong. 

“Bộ Y tế cũng chỉ đạo việc quản lý ca nhiễm Omicron không chỉ riêng một bệnh viện dã chiến, mà người dân có thể đến các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí cách ly tại nhà nếu có nhu cầu và đủ điều kiện. Do đó, Bệnh viện dã chiến số 12 xem như đã hoàn thành sứ mệnh và Sở Y tế sẽ tạm ngưng hoạt động bệnh viện này”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng sẵn sàng kế hoạch để tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi sau khi có chỉ đạo từ Bộ Y tế. Cơ quan này sẽ cùng các đơn vị rà soát, lập danh sách, chuẩn bị đội tiêm từ bệnh viện nhi, thành lập đội cấp cứu để đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người nguy cơ nhưng mở rộng đối tượng từ 50 tuổi trở lên.

Tính đến 18 giờ ngày 9/2, có 515.816 người mắc COVID-19 phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố. Hiện tại, 618 bệnh nhân được điều trị COVID-19, trong đó có 35 trẻ dưới 16 tuổi, 88 ca nặng đang thở máy, 13 người được can thiệp ECMO. Ngày 9/2, có 97 ca nhập viện, 39 ca xuất viện và 4 ca tử vong.

Thu Hương (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN