Dịch bệnh tác động lên mọi mặt
Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng: Dự thảo báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 9 tháng năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021; đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo kinh tế - văn hóa – xã hội, ngân sách 9 tháng năm 2021; mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 29 ngày 21/12/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu cũng thảo luận về dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội nghị lần thứ 9 không chỉ có ý nghĩa trong năm 2021, mà còn là tiền đề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, đặc biệt là giai đoạn bình thường mới. Vì vậy, các đại biểu phải tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, tìm ra các giải pháp tích cực, hiệu quả, khả thi, nhằm chỉ đạo, lãnh đạo để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2021 và chặng đường tiếp theo.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, đợt dịch bệnh lần thứ tư vừa qua đã tác động lên mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của thành phố. Đa số các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, nhiều chỉ số giảm, nhất là chỉ số tốc độ tăng trưởng GRDP giảm mạnh; chỉ có một số chỉ tiêu đạt kết quả khá như: tỉ lệ thu ngân sách nhà nước ước đạt 74%, trong đó thu nội địa đạt 71%, thu từ xuất nhập khẩu 80%, tăng so với cùng kỳ. Vì vậy, tại hội nghị, các đại biểu cần nghiên cứu thật kỹ báo cáo kinh tế - văn hóa – xã hội 9 tháng năm 2021, tiếp tục thảo luận, đánh giá khách quan và toàn diện tình hình phát triển kinh tế thành phố và dự báo đến hết năm 2021.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, nguồn vốn hiện nay không đáp ứng nhu cầu; do đó cần phân tích rõ nguyên nhân, khó khăn, kể cả những hạn chế, yếu kém, nhất là nguyên nhân chủ quan để khắc phục nhanh nhất; đặc biệt là bàn các giải pháp khả thi để huy động nguồn vốn trong thời gian tới.
Liên quan đến công tác dân vận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, Thành phố gặp rất nhiều khó khăn, nhưng qua đó cũng thấy được sức mạnh của khối đại đoàn kết. “Trong bối cảnh chưa từng có, chúng ta đã thấy rõ hơn phẩm chất tốt đẹp của cán bộ, từ ở cấp Thành phố đến cơ sở, đồng thời cũng nhận thấy yếu kém của từng tổ chức, cá nhân. Vì vậy, các đại biểu cần tập trung thảo luận và tìm những giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong tình hình mới", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Đối với việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, đây là vấn đề quan trọng, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài. Vì vậy, đề nghị các đại biểu phải đánh giá đúng vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này, nhất là những đóng góp quan trọng trong giai đoạn vừa qua. Cùng với đó là bàn cơ chế, chính sách giúp đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế và bình thường mới, vượt qua khó khăn.
7 nhóm giải pháp trọng tâm
Tại hội nghị, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trình bày dự thảo Tờ trình về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách của Thành phố 9 tháng năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.
Theo ông Lê Hòa Bình, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài, đã tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế- xã hội, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu. Công tác kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, tâm lý của người dân, sức chịu đựng của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng năm 2021 vẫn cơ bản hoàn thành và là điểm sáng đáng ghi nhận.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ. Các dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.045.000 tỉ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2020. Giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao Thành phố ước đạt 16,215 tỷ USD, tăng 12,51% so với cùng kỳ...
Ông Lê Hòa Bình cho biết, đối với 20 chỉ tiêu chủ yếu với 29 chỉ tiêu thành phần theo Nghị quyết 89/2020 của HĐND TP Hồ Chí Minh, Thành phố dự kiến hoàn thành 11/29 chỉ tiêu, dự kiến chưa hoàn thành 13/29 chỉ tiêu; chưa đủ cơ sở tính toán được 5/29 chỉ tiêu; đối với Chương trình công tác năm 2021, đến nay Thành phố đã hoàn thành 57/174 nội dung, nhiều nội dung phải tạm hoãn hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện cho phù hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến tỷ lệ nội dung trễ hạn còn ở mức cao.
"Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của thành phố Thủ Đức; triển khai xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức; xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Thủ Đức...", ông Lê Hòa Bình nói.
Để hoàn thành các nhiệm vụ cuối năm, ông Lê Hòa Bình đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới phương thức, triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 thông qua các chiến lược, chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp trên từng lĩnh vực. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai các giải pháp tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 an toàn, hiệu quả. Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai mở cửa từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.
Đối với hoạt động kinh tế, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế, như triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các dự án đầu tư công, thúc đẩy các dự án đầu tư tư nhân, cải cách hành chính và chuyển đổi số; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của dịch bệnh. Tập trung triển khai các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; phấn đấu đạt trên 90% chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021.
Theo ông Lê Hòa Bình, Thành phố cũng tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040; hoàn thành việc xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch kinh tế - xã hội Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo quy hoạch có tầm nhìn, chất lượng tốt, phù hợp trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh chú trọng cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, giãn dân tại các khu vực có điều kiện sống không bảo đảm. TP Hồ Chí Minh cũng đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm của thành phố như: dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); dự án Metro số 1, Metro số 2, dự án Lotte; cầu Thủ Thiêm 2...