Tập trung bảo toàn lực lượng tuyến đầu và tính mạng của người dân

Tiếp tục phát huy sức mạnh tối đa mọi nguồn lực, kêu gọi, huy động sức dân để chăm lo cho dân và phải bảo toàn lực lượng tuyến đầu, tính mạng của người dân, nâng cao công tác điều trị COVID-19, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; bảo vệ vững chắc các vùng xanh và thu hẹp dần vùng đỏ, thiết lập an toàn trong các khu dân cư, khu phố, tổ dân phố, ấp.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm được Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đặt ra đối với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở trong Kết luận đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, ban hành ngày 11/8.

Chú thích ảnh
10 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng được Bệnh viện Hồi sức COVID-19 điều trị khỏi bệnh và cho xuất viện. Ảnh: TTXVN phát

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cần quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian quý báu, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến của dịch bệnh; cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kiên quyết hơn nữa trong tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong những ngày sắp tới.

Trong công tác điều trị, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tăng cường công tác điều trị tích cực các ca F0 bệnh nặng; khai thác triệt để, tối đa công năng, tần suất hoạt động, trang thiết bị y tế có sẵn tại các Trung tâm hồi sức tích cực hỗ trợ các Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 tuyến dưới theo phân tầng, phác đồ điều trị. Công tác quản lý F0 không triệu chứng, F1 tại nhà phải đồng bộ, thống nhất, liên thông từ khâu phối hợp, đến quy trình điều trị, bảo đảm thông tin kết nối, liên lạc kịp thời với các lực lượng phản ứng nhanh, Bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca F0 khi có triệu chứng, trở nặng; tránh tình trạng xử lý chậm các trường hợp được phát hiện, cần chăm sóc kịp thời, nhằm giảm số ca tử vong trong điều trị COVID-19.

Về tiêm vaccine, các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê danh sách các cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, người trên 65 tuổi có bệnh nền chưa được tiêm chủng, phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tổ chức các đội tiêm lưu động, lực lượng phản ứng nhanh để mở rộng chiến dịch tiêm vaccine đến với người dân; đồng thời, tổ chức quản lý chặt chẽ các điểm tiêm cố định, hướng dẫn người đến tiêm bảo đảm giãn cách, thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

Thành phố tập trung thực hiện công tác chăm lo bảo đảm đời sống, tinh thần của người dân trong tâm dịch; các gói an sinh xã hội phải đến được tận nhà, trao tay đến các đối tượng được thụ hưởng, tránh bỏ sót hoặc chậm chăm lo; tăng cường liên kết, tạo điều kiện ưu tiên, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp; nghiên cứu giải quyết những đề xuất, kiến nghị, tạo cơ chế mở cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động, sản xuất phù hợp với tình hình dịch hiện nay.
 
Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin, tuyên truyền, bảo đảm chính xác, đầy đủ, định hướng tốt dư luận; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng công tác phòng, chống dịch để thông tin sai sự thật; đồng thời, tích cực truyền thông, đưa tin những hình ảnh, hành động, nghĩa cử cao đẹp trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Về kết quả thực hiện Chỉ thị 12 trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá cao các biện pháp phòng, chống dịch của từng địa phương ngày càng tích cực hơn, quyết liệt hơn; có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ứng phó nhanh, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong xử lý các tình huống, diễn tiến của tình hình dịch trên địa bàn, nhất là xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ và sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tình hình kiểm soát dịch có chiều hướng chuyển biến tích cực hơn, áp dụng các biện pháp cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng F1, F0 và cách ly tập trung F0 tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức bước đầu đã góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố trong công tác thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tiến độ tiêm vaccine bảo đảm theo kế hoạch, ghi nhận một số địa phương có cách làm sáng tạo trong triển khai tổ chức tiêm vaccine cho người dân như hình thành đội tiêm lưu động, đội phản ứng nhanh đến tiêm cho các nhóm ưu tiên tại các khu cách ly, phong tỏa; tiêm cho người trên 65 tuổi, người khó khăn, yếu thế. Đây là cách làm cần được triển khai, nhân rộng để góp phần đẩy nhanh việc tiêm chủng trong nhân dân, phủ nhanh miễn dịch cộng đồng.

Công tác an sinh xã hội đã có những hỗ trợ, chia sẻ, động viên, giải quyết kịp thời; nhiều địa phương đã chủ động tổ chức chăm lo chu đáo đến từng hộ dân, triển khai các gói an sinh xã hội bảo đảm đến tận các hộ dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu và hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết khác cho nhân dân. Thiết lập các kênh thông tin, đường dây nóng và thành lập đội phản ứng nhanh để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch; giải quyết chế độ chính sách, chăm lo các gói an sinh xã hội cho người dân có nhiều tín hiệu tốt và là kênh thông tin hiệu quả giúp các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phòng, chống dịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh thành phố vẫn còn rất phức tạp, lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch đang trong tình trạng quá tải về sức lực, nhu cầu nhân sự y tế cần tăng cường. Việc phong tỏa rộng và chậm gỡ phong tỏa gây quá tải cho công tác phòng, chống dịch. Quy trình tiếp nhận và điều trị các ca F0 có triệu chứng, bệnh nặng có lúc chưa kịp thời. Một số nơi tổ chức tiêm vaccine chưa bảo đảm các yêu cầu quy định của giãn cách, trở thành điểm nguy cơ lây nhiễm cao. Công tác truyền thông, quản lý kiểm soát thông tin tuyên truyền có lúc chưa kịp thời, chưa định hướng tốt dư luận xã hội.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 131.800 trường hợp mắc COVID-19. Trong ngày 10/8, Thành phố đã tiêm vaccine cho hơn 310.000 người. Cùng ngày, Thành phố cũng đã tiêm vaccine Vero Cell dựa trên văn bản đề xuất của các đơn vị, trong đó có Tập đoàn FPT, từ nguồn 19.000 liều được Bộ Y tế phân bổ ngày 6/7. Riêng 1 triệu liều vaccine Vero Cell mới nhận về, Thành phố đang làm việc và chờ ý kiến từ Bộ Y tế. Tính từ ngày 22/7 đến ngày 10/8, Thành phố đã tiêm được hơn 2.852.000 người.

H.Tuấn (TTXVN)
Đồng Nai ưu tiên bảo vệ, tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên tuyến đầu
Đồng Nai ưu tiên bảo vệ, tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên tuyến đầu

Ngày 10/8, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN