Đó là kết quả sáng tạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thông qua việc đa dạng hóa hoạt động của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư.
Chia sẻ về sự ra đời của “Ki-ốt thông tin đại đoàn kết”, bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình cho biết, năm 2018, khi chuyển từ Phòng Tư pháp quận về công tác tại Mặt trận đúng vào thời điểm cán bộ Mặt trận đang trăn trở tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả vận động người dân tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và tuyên truyền về Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho nhân dân để chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận Thành phố diễn ra vào năm sau.
Là người có kinh nghiệm đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trên địa bàn, bà Lê Thị Thu Trà nhận thấy, các hoạt động tuyên truyền lúc đó chủ yếu thông qua các hội nghị tuyên truyền pháp luật, qua bảng tin khu phố hay bản tin phường và người dân chỉ là người tiếp thu thụ động, không có sự phản hồi. Bên cạnh lý do thời gian bận rộn thì việc ngại đi đến công sở cũng là lý do giữa người dân và cán bộ cơ sở thiếu sự trao đổi thông tin.
Chính vì vậy, bà Lê Thị Thu Trà đề nghị xây dựng một “ki-ốt” tuyên truyền pháp luật trong khuôn khổ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, với mục tiêu vừa đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt trong Ngày hội Đại đoàn kết, vừa tuyên truyền pháp luật và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Người dân khi đến với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tiếp xúc với những thông tin pháp luật, trao đổi, tìm lời giải đáp cho những khúc mắc của bản thân và giúp Mặt trận làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân trong khu vực.
Sáng kiến của bà Lê Thị Thu Trà đã nhận được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình ủng hộ và đồng thuận triển khai đồng loạt tại tất cả 15 phường của quận Tân Bình ngay trong Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc ở khu dân cư năm 2018 với 77 ki-ốt tại 87 điểm (khu vực tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết, tại trụ sở UBND phường và một số khu phố), thu hút 24.235 người dân quan tâm, phát hành 85.267 bản tài liệu tuyên truyền; tư vấn pháp luật miễn phí cho 2.367 người.
Ki-ốt thông tin đại đoàn kết bao gồm các loại tài liệu phổ biến kiến thức pháp luật căn bản như Luật MTTQ Việt Nam; Luật Công đoàn, Luật Cư trú... và những tài liệu liên quan đến các vấn đề thời sự nóng người dân quan tâm như về thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư khiếu tố,… Ngoài ra, người dân sẽ được các cán bộ Tư pháp, Hội Luật gia, Liên đoàn Lao động, Công an tư vấn pháp lý trực tiếp, giải đáp những vấn đề còn khúc mắc hay những tình huống cụ thể cần giải quyết.
Gắn bó với ki-ốt thông tin đại đoàn kết ngay từ ngày mới thành lập trong vai trò người tư vấn pháp lý, ông Lê Lành, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Phường 11 cho biết, các vấn đề cần giải đáp cho người dân rất đa dạng, nhưng mỗi năm lại có sự tập trung vào một vài lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như năm 2018 thì chủ yếu về dịch vụ công trực tuyến, những năm dịch COVID-19 thì chủ yếu về chính sách hỗ trợ, năm nay thì về cư trú, mã số định danh cá nhân…
“Dường như trong không khí của ngày Đại đoàn kết, mọi người cởi mở, bạo dạn hơn, nên nhiều khi ngoài những kiến thức pháp luật căn bản, chúng tôi phải tư vấn cả những vấn đề rất tế nhị liên quan đến việc lập thừa kế, giải quyết quan hệ gia đình hay những vướng mắc của người dân với chính quyền cơ sở. Nhưng cũng nhờ đó mà chúng tôi có được những thông tin hữu ích về tình hình chung của cư dân để có đề nghị cơ quan chức năng những các giải quyết phù hợp”- ông Lê Lành vui vẻ cho biết.
Đến nay, sau 4 năm triển khai, mô hình “Ki-ốt thông tin đại đoàn kết” đã thể hiện được tính tích cực và ngày càng được hoàn thiện, triển khai rộng khắp không chỉ trên địa bàn quận Tân Bình. Thành công của “Ki-ốt thông tin đại đoàn kết” đã được giới thiệu điển hình và triển khai áp dụng ở các quận, huyện của Thành phố như một sáng kiến giải pháp thu hút nhân dân đến với Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, từ đó củng cố bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngay từ các khu phố, phường xã.
Hiện nay, mô hình “Ki-ốt thông tin đại đoàn kết” đã lan tỏa, phát triển thành nhiều mô hình tương tự với nhiều tên gọi khác nhau ở các địa phương của Thành phố trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư; Ngày Pháp luật Việt Nam… Riêng tại quận Tân Bình, bên cạnh “Ki-ốt thông tin đại đoàn kết” trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, tại trụ sở UBND các phường, có thêm các hoạt động phối hợp bên lề như xây dựng phiên tòa giả định, tổ chức thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu pháp luật, các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong nhà trường…
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình “Ki-ốt thông tin Đại đoàn kết” thể hiện được giải pháp sáng tạo và hiệu quả trong việc đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân ở khu dân cư tham gia các hoạt động do Mặt trận tổ chức nói chung và tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nơi khu phố nói riêng.
“Từ mô hình này, tin rằng góp thêm giá trị lan tỏa, khuyến khích sự sáng tạo của cán bộ Mặt trận các địa phương trong đổi mới phương thức hoạt động. Cần có thêm nhiều giải pháp thực hiện hướng đến nhân dân, kết nối - khơi sức từ nhân dân chung tay, đồng thuận tham gia những hoạt động hướng đến xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt; luôn chủ động, sáng tạo từ những việc giản đơn thường ngày”- bà Phan Kiều Thanh Hương nhấn mạnh.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận hiệu quả, tính sáng tạo của mô hình “Ki-ốt thông tin đại đoàn kết”, sắp tới, tại buổi họp mặt Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Lê Thị Thu Trà sẽ là một trong 2 cá nhân vinh dự được nhận giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh” lần thứ 3 năm 2022, vì những đóng góp cho công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lan tỏa giá trị đoàn kết, nghĩa tình của thành phố mang tên Bác.