Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí một lần nữa cho thấy yêu cầu về một hệ thống giải pháp hiệu quả để ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí đô thị ở Việt Nam đang ngày càng trở nên cấp bách. Là trung tâm kinh tế quan trọng và cũng là một trong những đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao trên cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung nghiên cứu nhiều phương án quản lý chất lượng môi trường không khí với mong muốn sớm tìm ra giải pháp cho vấn để ô nhiễm không khí trên địa bàn.
Nhiều nguồn phát thải khó kiểm soát
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2020, toàn thành phố có khoảng 8,94 triệu xe cá nhân gồm 825.300 ôtô và 8,12 triệu xe máy lưu thông hàng ngày (tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019), chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua. Từ năm 2010 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm hơn 4 triệu xe, bình quân mỗi người dân có một xe máy hoặc ôtô.
Trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố; nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi lơ lửng trong khí thải ra rất cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính của vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định một số nguồn phát thải khác rất khó kiểm soát bên cạnh các phương tiện giao thông như bụi từ các hoạt động xây dựng công trình; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp; khí thải từ lò đốt sử dụng nguyên liệu hoá thạch như nhiệt điện than, sản xuất xi măng, hóa chất, phân bón... trong nội thành Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận đang làm cho mức độ ô nhiễm không khí của thành phố trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Báo cáo về diễn biến chất lượng không khí từ năm 2010 đến nay của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh thường dao động ở mức xấu đến rất xấu với chỉ số AQI từ 150 đến trên 200; nồng độ bụi mịn PM 2.5 có xu hướng tăng theo từng năm gây nên nguy cơ tiềm ẩn các căn bệnh về đường hô hấp cho cộng đồng. Các khu vực giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (Quận 7), quận Gò Vấp, An Sương (Quận 12)... là những “điểm nóng” thường xuyên có nồng độ ô nhiễm vượt quy chuẩn, có khi vượt đến 100%.
Báo cáo trên cũng chỉ rõ, chất lượng không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ tháng 1-4/2020 khi cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch COVID-19 có xu hướng được cải thiện hơn so với cùng kỳ những năm trước. Đây cũng là khoảng thời gian ghi nhận lượng phương tiện tham gia giao thông trong các khu vực nội đô giảm đến mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm dừng hoặc giảm. Điều này cho thấy tác động rõ rệt của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất đến chất lượng không khí đô thị thành phố.
Công tác quản lý còn nhiều hạn chế
Đối với công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, trong giai đoạn 2016-2020, các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện kiểm kê, đánh giá các nguồn thải; tổ chức kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất vi phạm về vận hành hệ thống xử lý nước thải và khí thải… Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính là việc thu thập và công bố các chỉ số chất lượng không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh còn chậm do vẫn đang thực hiện quan trắc không khí bằng phương pháp thủ công thông qua việc vận hành thiết bị bằng tay do các kỹ sư môi trường trực thuộc Sở thực hiện. Sau khi có kết quả quan trắc, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thành phố phải qua một thời gian phân tích rồi gửi qua Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn xử lý số liệu, tiếp đó mới đưa lên các bảng thông báo điện tử trên đường phố.
Ngoài ra, số lượng thiết bị quan trắc đặt tại thành phố cũng không nhiều, chỉ có 30 vị trí quan trắc trên toàn địa bàn. Tần suất thực hiện quan trắc 10 ngày/tháng vào các khung giờ 7g30 - 8g30 và 15g - 16g. Với tần suất quan trắc này không đủ để cung cấp liên tục cho Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như người dân thành phố thông tin, số liệu chính xác về những thay đổi, mức độ ô nhiễm trong chất lượng môi trường không khí để có cách ứng phó hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố đẩy nhanh đầu tư hệ thống trạm quan trắc tự động; trước mắt đã đưa vào vận hành thử 6 trạm quan trắc tự động tại một số điểm. Theo lộ trình đầu tư, đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 58 trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, số lượng cán bộ môi trường cấp thành phố tại Thành phố Hồ Chí Minh còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu khối lượng công việc; nhiều dự án môi trường cấp bách như nạo vét kênh Rạch Dừa tại Quận 12, công trình thủy lợi kênh Tam Tân chậm tiến độ triển khai; rác thải sinh hoạt hàng ngày hơn 7.000 tấn nhưng biện pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp... ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí và môi trường nói chung của thành phố.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), nguồn gây ô nhiễm từ xe cá nhân đang được nhận định là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại thành phố, vì vậy trước mắt phải có giải pháp cấp bách giảm ô nhiễm phát thải từ ôtô, xe máy bằng cách giảm số lượng xe cá nhân thông qua việc phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tiếp đó, cần kiểm soát mức độ phát thải xe cộ thông qua kiểm định khí thải ôtô và xe máy hàng năm; trường hợp xe không đạt cần duy tu, bảo dưỡng để đạt tiêu chuẩn phát thải khi chạy trên đường. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng các tuyến phố phát thải thấp quy định rõ xe máy, ôtô đạt tiêu chuẩn nào mới được chạy.
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian tới, thành phố cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; có chế tài xử phạt đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có hành vi gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần đưa nội dung bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tăng cường đầu tư vào các dự án môi trường cấp bách, trọng điểm trên địa bàn; có thêm chính sách ưu đãi để đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường thành phố.
Ngoài ra, Giáo sư Lê Huy Bá cho rằng, thành phố cần đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, tiến tới thay thế xe gắn máy, xe môtô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hoá thạch bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường; thu hồi, loại bỏ xe cũ không đủ điều kiện lưu hành; trồng nhiều cây xanh; phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết lặng gió để hạn chế bụi phát tán…
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới bên cạnh việc triển khai các trạm quan trắc tự động, Sở sẽ đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép tăng tần suất quan trắc môi trường không khí lên mỗi ngày 3 lần thay vì 10 ngày/tháng như hiện nay. Đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, cơ sở không phù hợp quy hoạch trong khu dân cư, Sở sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế buộc di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung và yêu cầu lắp đặt hệ thống xử lý khí thải.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh triển khai công tác vệ sinh, tưới nước rửa mặt đường, không để bụi bay ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; quản lý hoạt động vận tải thành phố theo hướng phát thải thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy nhanh việc đầu tư mới phương tiện xe buýt, xe khách và chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch; tiến hành kiểm tra khí thải đối với các xe buýt, ô tô khách, xe tải xả khói đen làm ô nhiễm không khí, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì mức phát thải phương tiện khi tham gia giao thông.