TP Hồ Chí Minh: Tái định vị trung tâm thương mại - dịch vụ trong khu vực

Việc hợp nhất không gian phát triển giữa TP Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành TP Hồ Chí Minh mới đang mở ra cơ hội định hình một hệ sinh thái thương mại - dịch vụ - logistics hiện đại, tích hợp và bền vững.

Chú thích ảnh
Quang cảnh tọa đàm “Không gian phát triển TP Hồ Chí Minh - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ”.

Chiều 11/7, tại phường Vũng Tàu (TP Hồ Chí Minh), Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “Không gian phát triển TP Hồ Chí Minh - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ”. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh vừa hợp nhất địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, để tìm giải pháp tái định vị vai trò trung tâm kinh tế vùng và thiết lập hệ sinh thái thương mại - logistics - bán lẻ hiện đại, hiệu quả.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sự kiện ngày 1/7 không chỉ là sự điều chỉnh hành chính mang tính cơ học, mà còn mở ra còn cơ hội chiến lược để tái định vị kinh tế TP Hồ Chí Minh trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á.

Đáng chú ý, bước khởi đầu quan trọng cho chiến lược phát triển không gian kinh tế thương mại mới của TP Hồ Chí Minh cần hướng đến hệ sinh thái thương mại tích hợp, đa trung tâm, hiện đại và bền vững. Nơi các địa phương sau sáp nhập không chỉ hỗ trợ nhau mà cùng nhau tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn khu vực Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm chiều 11/7.

Tương tự, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, hiện nay, TP Hồ Chí Minh vốn là địa phương dẫn đầu cả nước về tổng mức bán lẻ, với hơn 1,2 triệu tỉ đồng, nay được bổ sung thêm từ Bı̀nh Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, cơ cấu dân cư của TP Hồ Chí Minh mới cũng mang đặc trưng đô thị hóa cao, với tầng lớp trung lưu và cận trung lưu chiếm tỷ trọng lớn. Nhı̀n từ góc độ thị trường, TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm tiêu dùng và dịch vụ đa dạng nhất Việt Nam, vừa đóng vai trò đầu mối phân phối, vừa là nơi dẫn dắt thị hiếu tiêu dùng quốc gia.

Ngoài ra, việc tích hợp không gian phát triển với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo nên một hệ sinh thái thương mại - logistics khép kín hiếm có. Ở đó, tỉnh Bình Dương cũ có hệ thống khu công nghiệp và kho vận hiện đại như: Sóng Thần, VSIP, Bàu Bàng; trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu cũ cũng sở hữu cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải có khả năng kết nối trực tiếp với các tuyến hàng hải quốc tế. Đây là nền tảng để TP Hồ Chí Minh mở rộng chức năng từ tiêu dùng nội địa sang trung chuyển xuất nhập khẩu và sản xuất - phân phối quy mô lớn.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, để phát huy các lợi thế, thế mạnh sau khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng mô hình “một thành phố - ba trung tâm” đây là hướng đi phù hợp, khả thi mà nhiều nước đang áp dụng.

Ở đó, TP Hồ Chí Minh giữ vai trò trung tâm bán lẻ, tiêu dùng cao cấp nhờ quy mô dân số lớn, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, mạng lưới thương mại đa dạng. Bình Dương là trung tâm logistics - thương mại công nghiệp với hệ thống hạ tầng hiện đại, chi phí hợp lý và chính sách thu hút đầu tư năng động. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giữ vai trò trung tâm thương mại - cảng biển chiến lược, cửa ngõ xuất nhập khẩu khu vực phía Nam. Mỗi trung tâm này sẽ đảm nhiệm một chức năng riêng biệt nhưng vẫn kết nối chặt chẽ theo chuỗi, tránh chồng chéo và tăng hiệu quả quy hoạch liên vùng.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, mặc dù đóng vai trò là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn nhất cả nước, tuy nhiên TP Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với những nút thắt lớn cần tháo gỡ gồm: hạ tầng thương mại thiếu đồng bộ, hệ thống phân phối rời rạc, tốc độ chuyển đổi số còn chậm và thương mại điện tử phát triển nhưng chưa gắn kết chặt chẽ với logistics truyền thống…

''Muốn tháo gỡ các nút thắt trên, TP Hồ Chí Minh mới cần tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, logistics thông minh, xây dựng trung tâm phân phối hiện đại, sàn giao dịch điện tử và chuỗi logistics cảng biển thông minh để kết nối chặt chẽ giao thương với vùng, quốc tế... Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển thương mại, dịch vụ với các tỉnh phía Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất - phân phối - tiêu dùng hiệu quả'', ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm. 

Song song đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho rằng, để thúc đẩy ngành thương mại dịch vụ TP Hồ Chí Minh phát triển, TP Hồ Chí Minh cần phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Đây được xem là động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế thương mại, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh trong tương lai.

 

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Tập đoàn Công nghệ Tài chính MoMo, sau sáp nhập, ngành bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa, tiểu thương vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong lưu thông hàng hóa của TP Hồ Chí Minh và giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc số hóa hoạt động của khu vực này là điều phải quan tâm và đẩy mạnh triển khai. Khi áp dụng chuyển đổi số, các hộ kinh doanh cũng có cơ hội tái cấu trúc hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng thích ứng với thị trường thay đổi nhanh chóng khi thị trường mở rộng hơn.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc
Thương mại hóa 5G - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Thương mại hóa 5G - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phủ sóng 5G toàn quốc. Những cam kết và chính sách hỗ trợ cùng quyết tâm mở rộng phủ sóng 5G của các doanh nghiệp viễn thông được kỳ vọng đưa Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN