Khẩn trương triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh chất thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Căn cứ thực tế xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong tình huống khẩn cấp hiện nay và nhằm đảm bảo an ninh chất thải trên địa bàn, tối 24/1, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo giải quyết việc điều phối công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo an ninh đô thị trên địa bàn Thành phố.

Chú thích ảnh
Một bãi rác tự phát với nhiều loại rác cồng kềnh, kích thước lớn như đệm giường, bàn ghế cũ... Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN

Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam làm rõ tình trạng công nhân ngưng làm việc ngày 23/1/2025 (trước đó, Công ty đã để xảy ra tình trạng này vào thời điểm tháng 4/2023). Trong trường hợp Công ty có văn bản cam kết không để xảy ra tình trạng nêu trên, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều phối khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn Thành phố về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Bãi chôn lấp số 3 và các Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt hiện hữu để đảm bảo an ninh, an toàn việc xử lý rác thải của Thành phố.

Trong trường hợp Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) dừng tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai thực hiện ngay phương án điều phối công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo an ninh chất thải trên địa bàn Thành phố. 

Cụ thể, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có lộ trình điều phối về nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tiếp tục vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về các nhà máy này. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý của UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có lộ trình điều phối về bãi chôn lấp Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư được điều phối về bãi chôn lấp số 3 - Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố làm chủ đầu tư để tiếp nhận, xử lý cho đến khi có chỉ đạo của UBND Thành phố.

Sở Giao thông Vận tải xem xét tổ chức giao thông cho toàn bộ các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được lưu thông 24/24 giờ để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn Thành phố; đồng thời, khẩn trương kiểm tra, gia cố, bảo dưỡng các tuyến Tỉnh lộ 8 (hướng từ cầu vượt Củ Chi về Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc) và tuyến đường Tam Tân, đường số 1 trong Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc trong trường hợp cần thiết.

UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức, sắp xếp công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ và kết nối hiệu quả công tác vận chuyển về các cơ sở xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi. 

UBND Thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố triển khai các giải pháp dự phòng xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố, cụ thể: đưa Bãi chôn lấp số 3 đi vào hoạt động, xử lý tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt cho Thành phố, triển khai thực hiện các thủ tục liên quan tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 2.000 - 6.000 tấn/ngày; triển khai các giải pháp dự phòng tiếp nhận thêm chất thải rắn sinh hoạt tại các Bãi chôn lấp số 1, 1A và số 2 trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an ninh chất thải cho Thành phố.

Trong trường hợp cần thiết, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố bổ sung phương tiện thu gom, vận chuyển để hỗ trợ công tác thu gom, vận chuyển cho các địa phương, đảm bảo giải tỏa khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trong ngày, không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị, Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa chủ động tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt sớm từ các phương tiện vận chuyển tránh việc ùn ứ phương tiện trong Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi; hỗ trợ tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt theo sự điều phối của Ủy ban nhân dân Thành phố trong trường hợp cần thiết.

Như phóng viên TTXVN đã đưa tin, vào 21 giờ 30 phút ngày 23/1, khoảng 80 xe rác ùn ứ, xếp hàng nối đuôi hơn 1,5km trên đoạn đường từ đầu Quốc lộ 50 vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Trong khi đó, cổng vào khu xử lý lại đóng chặt, không cho các xe vào đổ rác như thường lệ.

Đại diện chủ đầu tư bãi rác Đa Phước là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) xác nhận về việc ùn ứ rác thải vào thời điểm trên và cho biết, nguyên nhân do thời điểm đó nhiều công nhân đang đến văn phòng làm việc với lãnh đạo công ty khiến các khâu tiếp nhận bị đình trệ, dẫn tới ùn ứ kéo dài trên đường vào.

Anh Tuấn (TTXVN)
 Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội 
Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội 

Sáng 21/1, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội, nhằm xây dựng diễn đàn để cơ quan quản lý, chuyên gia, chính quyền địa phương cùng nhau thảo luận các giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội một cách hiệu quả, khả thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN