Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội 

Sáng 21/1, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội, nhằm xây dựng diễn đàn để cơ quan quản lý, chuyên gia, chính quyền địa phương cùng nhau thảo luận các giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội một cách hiệu quả, khả thi.

Chú thích ảnh
Quang cảnh toạ đàm.

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài. Theo kết quả nghiên cứu, kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính (đóng góp từ 58 - 74%) cho bầu không khí thành phố.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đánh giá, những ngày cuối năm, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nhức nhối. Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn so với TP Hồ Chí Minh  do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.

Nguyên nhân nữa, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố và từ các tỉnh về Hà Nội đông hơn so với những thời gian khác trong năm khiến chất lượng không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông.

Theo thống kê quý IV tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kém là 48,91%, đạt mức xấu là 44,37%. Thời điểm chất lượng không khí ảnh hưởng sức khoẻ người dân chiếm nhiều hơn so với cả năm.

Bà Lưu Thị Thanh Chi cho biết, giải pháp, vùng phát thải thấp được đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ được triển khai trong năm 2025. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng những hướng dẫn chi tiết để thực hiện vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí.

Hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025. Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát…; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.

Cùng với đó, Hà Nội cũng vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh, điện trên thành phố. Từ đó, tiến tới Hà Nội đạt tỷ lệ 100% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh trong năm 2035.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại toạ đàm.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, riêng với những vấn đề nội tại ô nhiễm của Hà Nội thì UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở ngành có báo cáo xây dựng chất lượng không khí Hà Nội. Đây là động thái quyết liệt của TP Hà Nội, thể hiện chúng ta không thể thờ ơ trước môi trường không khí. Qua theo dõi chất lượng không khí trên website của Tổng cục môi trường có thể thấy mức độ ô nhiễm đang gia tăng qua các năm, đây là vấn đề thực sự lo ngại. 

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, không khí "có chân", không phải ở đâu gây ô nhiễm thì ô nhiễm ở đó mà ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác. Chất lượng môi trường không khí chịu ảnh hưởng rất lớn của khí hậu thời tiết, đặc biệt cứ đến cuối năm lại chịu tác động rất lớn, do đó cần nhìn nhận tổng quát để thấy đâu là yếu tố chủ quan, đâu là yếu tố khách quan khi xem xét nguyên nhân ô nhiễm không khí. 

Bà Nguyễn Hoàng Ánh nhận định, có 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng; giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; đốt mở; dân sinh và khí hậu thời tiết. Ô nhiễm thường bùng phát dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế xã hội đạt mức cao nhất, xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy xí nghiệp tăng công suất tối đa, cộng thêm "chăn ấm" của khí hậu thời tiết ủ vào khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng đột biến.

Chú thích ảnh
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, các báo cáo, nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên gia và Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra không khí tại Hà Nội thường ô nhiễm nhất vào mùa đông. Đặc biệt năm nay, tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn là do ít mưa.

“Chúng ta không thể điều khiển được khí hậu, thời tiết, do đó phải tìm nguyên nhân gây ô nhiễm để đưa ra giải pháp xử lý. Có thể thấy vấn đề phát thải của phương tiện giao thông - một trong những nguyên nhân lớn gây nên ô nhiễm môi trường tại TP Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh), Bangkok (Thái Lan)... nói chung là một trong những nguyên nhân mà chúng ta có thể tác động được, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

TS Hoàng Dương Tùng cho biết thêm, ngoài các nguyên nhân gây được nêu ra nhiều năm qua như hoạt động xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, đốt rác... cần phải nghiên cứu về vùng môi trường có tác động đến chất lượng không khí Hà Nội. Ví dụ như hoạt động của các nhà máy xi măng tại Hà Nam, hay đốt rơm rạ ở Thái Bình sẽ có tác động không nhỏ tới môi trường của Hà Nội. Chỉ khi kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường thủ đô thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được.

Thu Trang/Báo Tin tức
Ô nhiễm không khí làm tổn thương nghiêm trọng não bộ
Ô nhiễm không khí làm tổn thương nghiêm trọng não bộ

Theo tập san khoa học Nature ngày 14/1, nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm với chứng sa sút trí tuệ và các rối loạn não bộ khác. Giờ đây, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu cơ chế gây hại của các chất ô nhiễm và mức độ tác động của chúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN