Đây là kết luận được đưa ra tại buổi giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7/10.
Tại buổi làm việc, Phó Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Kiến Quốc cho biết: Từ ngày 1/1/2016 - 30/6/2020, Thành phố tổ chức tiếp 239.245 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó, tiếp thường xuyên trên 193.000 lượt, lãnh đạo tiếp 45.000 lượt. Thành phố đã giải quyết 5.534/6.008 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó, xác định có tới 62,29% vụ việc khiếu nại sai. Thành phố đã giải quyết 870/909 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, trong đó xác định 54,02% vụ việc tố cáo sai.
Các vấn đề khiếu nại, tố cáo tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu liên quan đến đất đai, nhà ở; hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng; vấn đề đơn giá bồi thường đất…
Cũng trong giai đoạn này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã xem xét giải quyết 269/439 trường hợp khiếu nại, tố cáo do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chuyển; giao sở, ngành, quận/huyện xem xét giải quyết, báo cáo 133 vụ việc; đang xử lý, giải quyết 37 vụ việc.
Theo Phó Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung, việc tiếp công dân của lãnh đạo các cấp đã có chuyển biến tích cực, hướng đến mục tiêu “trọng dân, gần dân, lắng nghe người dân”. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng lên, có giải pháp khả thi, hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật.
Đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức nghiên cứu phân tích nguyên nhân tình trạng khiếu nại, tố cáo không giảm để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo thường liên quan đến nhiều đơn vị nên các ban, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong giải quyết vấn đề, tránh chồng chéo, kéo dài thời gian giải quyết, góp phần giảm điểm bùng nổ, bức xúc của nhân dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương cho rằng, vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao đạo đức, tư cách, trình độ, sự hiểu biết của người dân và cán bộ. Những vướng mắc, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật dẫn đến phát sinh mâu thuẫn trong xã hội cũng như tình trạng khiếu nại, tố cáo. Giải quyết tận gốc vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ tạo được sự đồng thuận, động lực phát triển toàn xã hội.
Ghi nhận các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nêu cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cơ quan để tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị, địa phương cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo, sử dụng cán bộ làm công tác tiếp công dân; đảm bảo cán bộ phải “có tâm, đủ tầm, có kỹ năng và kinh nghiệm”, giải quyết yêu cầu của công dân, tuân thủ pháp luật, công khai, dân chủ, minh bạch.
Theo ông Ngô Minh Châu, để giảm tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo cần có sự đồng bộ, thống nhất về hệ thống pháp luật để không tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng, trục lợi. Việc hoàn thiện pháp luật cần có tính ổn định lâu dài, trong đó ưu tiên lĩnh vực quy hoạch xây dựng, xây dựng, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng… Đồng thời, công tác giáo dục pháp luật tiếp tục được chú trọng nhằm nâng cao trách nhiệm công dân. Người dân khi đã am hiểu pháp luật, tự chịu trách nhiệm về việc làm, hành động của mình sẽ giảm thiểu khiếu kiện, đặc biệt các vụ việc kéo dài, vụ việc được cấp Trung ương có kết luận giải quyết.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả. Thành phố chủ động phối hợp với Trung ương giải quyết một số vụ việc phức tạp, kéo dài như Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Dự án Khu công nghệ cao…
Nhất trí với phương hướng, giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác này, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, tiếp tục duy trì đảm bảo đúng lịch tiếp công dân của lãnh đạo sở, ngành, UBND các cấp; sớm giải quyết vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, đặc biệt vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi người dân liên quan đến chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp về dự án nhà ở kéo dài, dự bán bất động sản...
Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị làm tốt công tác phản hồi thông tin giải quyết khiến nại, tố cáo của công dân đến các cơ quan dân cử; tổng hợp và có ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản pháp quy, quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ.