Liên tục xảy ra tình trạng đơn thư, vu khống
Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Mạnh Toàn (sinh năm 1969), Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tam Đảo (Vĩnh Phúc), về hành vi viết đơn, thư nặc danh, vu khống nhằm hạ uy tín lãnh đạo huyện Tam Đảo.
Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp ở Vĩnh Phúc, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Đảo, lãnh đạo các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc và Trung ương nhận được nhiều đơn thư nặc danh tố cáo các hành vi vi phạm của lãnh đạo huyện Tam Đảo.
Nhận thấy các nội dung tố cáo trên có dấu hiệu vu khống, không đúng sự thật; thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ.
Sau một thời gian điều tra, ngày 15/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã làm rõ: Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tam Đảo có hành vi viết đơn thư nặc danh, vu khống, nhằm hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo huyện Tam Đảo. Ngày 17/9, ông Toàn bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố điều tra tội vu khống theo Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Toàn để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Ngày 19/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Minh Tuấn về tội "Vu khống", theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với thời gian 2 tháng và được Viện Kiểm sát phê chuẩn. Sau khi mở rộng điều tra, ngày 1/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can (thời hạn 2 tháng) đối với Phạm Đình Quý về tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quá trình điều tra, 2 đối tượng bước đầu đã khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Hiện nay cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, tiếp tục điều tra về hành vi của 2 đối tượng nêu trên để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Công an đã giao Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm thông tin chi tiết hơn nếu nhà báo cần hỏi về vụ án này.
Theo báo cáo của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm 2020, các cơ quan hành chính tiếp nhận 305.769 đơn thư các loại , bao gồm: Đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Có 189.202 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 62% tổng số đơn tiếp nhận), trong đó có 55.928 đơn khiếu nại, 26.783 đơn tố cáo; có 20.958 vụ việc khiếu nại, 8.120 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2019, số đơn thư các loại tiếp nhận tăng 1,6%; đơn khiếu nại giảm 5,8%, đơn tố cáo tăng 20,8%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giảm 15,5%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 0,8%.
Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay
Nhiều nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo đã được Chính phủ nhận diện và đã có nhiều biện pháp, giải pháp chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, hầu hết các nguyên nhân cần có thời gian để khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, khiếu nại, tố cáo là lĩnh vực khó, để việc giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả đòi hỏi sự vào cuộc, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Chính phủ nhận định có 4 nhóm nguyên nhân cơ bản của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, đó là:
Việc thực thi pháp luật, công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Việc thanh, kiểm tra còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời, nhất là đối với một số lĩnh vực hay xảy ra khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương.
Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ dẫn tới vi phạm chế độ, chính sách, pháp luật; thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.
Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại đối thoại với dân, chưa tập trung, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Về chính sách, pháp luật, một số cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực đất đai như đã nêu tại các kỳ báo cáo trước. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo ở một số lĩnh vực như: Quy hoạch đô thị (nhất là liên quan đến dự án bất động sản), môi trường, chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, dự án BOT... có diễn biến phức tạp. Chính phủ đã giao các bộ, ngành chức năng phải thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện, từ những bất cập đã chỉ đạo cụ thể việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
khác, pháp luật về khiếu nại, tố cáo cũng có những bất cập nhất định. Bất cập trong lĩnh vực tố cáo đã cơ bản được giải quyết sau khi Quốc hội ban hành Luật tố cáo năm 2018, tuy nhiên pháp luật về tiếp công dân và khiếu nại cần tiếp tục được đánh giá, hoàn thiện. Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, đề xuất.
Trước mắt, để khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong giải quyết khiếu nại, Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Khiếu nại để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012; Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiến hành sửa đổi, hoàn thiện các thông tư hướng dẫn, quy trình, nghiệp vụ theo thẩm quyền.
Việc thực hiện công tác giám sát của các cơ quan chức năng ở một số địa phương, nhất là giám sát việc thực thi pháp luật ở những lĩnh vực hay phát sinh khiếu nại, tố cáo, còn hạn chế, có trường hợp vụ việc diễn biến phức tạp nhưng cơ quan giám sát không biết hoặc không có giải pháp kịp thời, phù hợp. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng có lúc chưa tốt, một số trường hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu thống nhất trong việc chỉ đạo xem xét, giải quyết vụ việc.
Nguyên nhân cuối cùng là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung hiệu quả chưa cao. Nhiều người khiếu nại, tố cáo có nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, sau khi được cán bộ tiếp, giải thích và hiểu rõ chính sách, pháp luật đã tự nguyện rút đơn.
Tuy nhiên có những trường hợp vụ việc đã được cơ quan chức năng rà soát, giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình; tổ chức đối thoại, vận động nhưng công dân vẫn tiếp khiếu (không khởi kiện vụ việc ra tòa án hành chính), thậm chí có trường hợp phản ứng tiêu cực, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động gây rối hoặc tham gia khiếu nại, tố cáo đông người, làm mất an ninh, trật tự.
Tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tiếp công dân
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về công tác tiếp công dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐ/TƯ ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị và Luật Tiếp công dân. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tiếp công dân ngay tại nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời những bức xúc, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của dân, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự.
Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và các cơ quan trực tiếp tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức chu đáo việc tiếp công dân theo đúng quy định, chủ động xử lý các tình huống phức tạp phát sinh, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác tổng kết, đánh giá việc thực hiện một số chính sách, pháp luật liên quan nhiều đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch UBND các cấp phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thực hiện tốt Kế hoạch “Năm dân vận chính quyền” 2019, “Năm dân vận khéo” 2020 do Ban dân vận Trung ương phát động gắn với nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tăng cường công tác xử lý đơn thư của công dân, tổ chức gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tiếp nhận, xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết đối với những đơn, thư do các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác chuyển đến; đơn thư khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp và những vụ việc dư luận xã hội quan tâm; vụ việc có dấu hiệu giải quyết không đúng pháp luật.
Giao Thanh tra Chính phủ tiếp nhận, xử lý đơn thư thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, thông qua việc xử lý đơn thư tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết hoặc yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đến các cơ quan Trung ương, phối hợp với Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội và Chính phủ.
Trong năm 2020, có 459.149 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 4% so với năm 2019), với 296.864 vụ việc (giảm 2,4%), có 3.779 lượt đoàn đông người (giảm 17,7%).
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5% (khiếu nại 17.171 vụ việc, đạt 81,9%; tố cáo 7.104 vụ việc, đạt 87,5%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.