Hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong các KCX, KCN

Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 để bảo vệ sản xuất, bảo vệ công nhân; tuyệt đối không được chủ quan lơ là, hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN).

Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số doanh nghiệp thuộc Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức, ngày 15/5.

Chú thích ảnh
 Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra khu vực bếp ăn của Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Đức).

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng Đoàn kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đã kiểm tra hoạt động sản xuất và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty Theodore Alexander (chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ nội thất, gỗ nguyên liệu), Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (chuyên gia công giày cho nhãn hàng Nike), Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (chuyên sản xuất linh kiện điện tử) thuộc Khu chế xuất Linh Trung 1, trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Thành Phong cùng Đoàn kiểm tra đã làm việc với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA). Tại buổi làm việc, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cho biết, hiện thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 1.700 doanh nghiệp, trong đó 1/3 số này là doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Tổng số lao động hiện nay là khoảng 280.000 lao động, trong đó có khoảng 3.000 lao động người nước ngoài. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung. Vì thế, ngay từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, HEPZA cũng đã có sự chủ động cùng với công đoàn và các doanh nghiệp xây dựng phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tuyên truyền công nhân thường xuyên thực hiện theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC).  

“Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trong từng đơn vị, kích hoạt các bộ chỉ số an toàn sản xuất, đánh giá của doanh nghiệp và kiên quyết chấn chỉnh, thậm chí tạm dừng hoạt động doanh nghiệp chưa đạt an toàn. Chúng tôi cũng phối hợp với HCDC và Trung tâm y tế các quận/huyện tổ chức lấy mẫu tầm soát diện rộng công nhân bên trong nhà xưởng, kể cả nơi lưu trú của công nhân”, ông Hứa Quốc Hưng cho hay. Tính đến ngày 15/5, đã có 18.600 mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được thực hiện tầm soát tại các doanh nghiệp và đang tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, HEPZA cũng hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện an toàn trong sản xuất, tuyên truyền hướng dẫn cho chủ doanh nghiệp chăm lo cho người lao động khi người lao động bị cách ly hoặc nhiễm bệnh phải điều trị để người lao động yên tâm.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra khu vực sản xuất của Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Đức).

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong biểu dương công tác phòng, chống dịch tại các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Thành Phong, qua kiểm tra, các doanh nghiệp đều có ý thức cao trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và có sự chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp triển khai tốt công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải có một cam kết ba bên gồm chính quyền địa phương, HEPZA và người quản lý doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch, nếu không tuân thủ buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu HEPZA triển khai phần mềm khai báo y tế của Sở Y tế và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ứng dụng vào đường truyền của các doanh nghiệp để dễ dàng quản lý. “Tất cả các trường hợp công nhân xin nghỉ phép, ra khỏi Thành phố đều phải có ý kiến của người quản lý nhân sự doanh nghiệp, trong trường hợp xảy ra vấn đề, tiện truy vết. Công nhân, người lao động bắt buộc phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế trung thực để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng”, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, mặc dù từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19 mới nhưng trong bối cảnh các ca nhiễm cộng đồng trên cả nước có diễn biến phức tạp, tăng hằng ngày, đã xuất hiện ổ dịch ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, do đó, tinh thần của lãnh đạo Thành phố là không được chủ quan, lơ là. Nhằm đảm bảo an toàn hơn trong sản xuất, các doanh nghiệp cần bố trí, phân luồng khu nhà ăn cho nhân viên, phân số thứ tự, ngồi cố định để tiện theo dõi; chủ động bố trí nhà cách ly tạm thời ngay trong các doanh nghiệp đề phòng xuất hiện trường hợp nghi ngờ. Doanh nghiệp cũng cần phối hợp với HEPZA và các đơn vị khác tổ chức diễn tập xử trí tình huống có dịch bệnh, vận động công nhân, người lao động nghiêm chỉnh chấp hành quy định để bảo đảm sự an toàn trong điều kiện hiện nay.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Quảng Ninh thực hiện tuần cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử
Quảng Ninh thực hiện tuần cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử

Tỉnh Quảng Ninh xác định, từ nay đến ngày 23/5 là tuần cao điểm nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để giữ vững địa bàn an toàn tuyệt đối phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN