Yêu người cùng giới

Bạn gái thân mến!


Mình là công nhân ở một khu công nghiệp. Mình thuê phòng trọ ở chung với hai chị nữa. Thời gian đầu tụi mình sống bình thường, mọi sinh hoạt đều chung nhau.


Nhưng sau vài tháng, mình nhận thấy chị Hòa (hơn mình 2 tuổi) có tình cảm rất “đặc biệt” với mình. Ban đầu mình chỉ nghĩ đó là tình cảm chị em, vì tất cả đều xa gia đình, thiếu thốn tình cảm. Nhưng dần dần, mình nhận thấy ánh mắt chị ấy nhìn mình đầy vẻ đắm đuối, si mê.


Khi đêm xuống, mình bắt đầu mất ngủ vì chị ấy thường ôm chặt mình và hôn hít, bàn tay chị ấy sờ soạng khắp cơ thể mình. Cử chỉ, thái độ của chị ấy làm mình sợ vô cùng nên mình tránh nằm gần và không dám đắp chăn chung, những lúc như vậy chị ấy thường trằn trọc, mất ngủ cả đêm.


Nếu chỉ có hai chị em, chị Hòa thường không làm chủ được bản thân, chị đòi hỏi được vuốt ve âu yếm mình như một người con trai với một người con gái. Khi bàn tay chị ấy chạm vào người là mình lại run lên, sởn gai ốc. Thỉnh thoảng chị ấy lại giận hờn và trách mình sao không yêu thương chị ấy.


Thực ra mình cũng rất thương chị ấy, nhưng mình không thể “đáp lại” tình cảm của chị ấy được. Mình cũng đã tâm sự, khuyên nhủ chị ấy rất nhiều, nói nhẹ nhàng cũng có mà nặng lời cũng có, nhưng chị ấy không hề thay đổi.


Chị nói có thể vì mình mà làm tất cả, kể cả nếu phải chết! Chị ấy có thể van xin, năn nỉ hàng giờ để mình cho chị ấy ngủ chung, dù chỉ một lúc. Rồi chị ấy thức trắng đêm để làm thơ về mình, rất tha thiết, sầu thảm khiến mình không thể làm ngơ hoặc bỏ mặc chị ấy.


Chuyện này đã kéo dài hơn 1 năm. Hiện nay cũng có vài người con trai để ý và thương chị ấy, nhưng chị ấy không hề rung động hay có chút tình cảm nào đối với họ. Mình phải nói thêm rằng, chị ấy hoàn toàn là một phụ nữ bình thường, thậm chí có phần xinh đẹp.


Có lần mình nói: “Chị không thể sống thế này mãi được. Chị nên chọn và yêu lấy một người, khi đó chị sẽ quên được tình cảm ngang trái với em”, chị ấy bảo: “Chị không lấy chồng đâu, điều đó sẽ tốt hơn cho chị. Dù có lấy chồng chị cũng không bao giờ hạnh phúc, vì chị không hề yêu họ”.


Nhưng có lúc chị ấy lại ngậm ngùi: “Chị cũng sợ, nếu không lấy chồng mình sẽ bị thiên hạ coi là người không bình thường, và chị sẽ khó mà quên em được. Chị cũng không biết đời mình sẽ ra sao nếu thiếu em, nếu em đi lấy chồng...”.

Mình rất thương chị Hòa và muốn giúp chị ấy thoát khỏi trạng thái tình cảm kỳ quặc và không bình thường hiện nay, nhưng mình không biết phải nhìn nhận về chị ấy như thế nào và giúp đỡ chị ấy ra sao. Mong Bạn gái cho mình một lời khuyên.

Thanh Loan (KCN Hưng Yên)

Thanh Loan thân mến!


Qua những hiện tượng bạn mô tả thì có thể nói chị Hòa là người có xu hướng yêu người cùng giới, hay còn gọi là người có “giới tính thứ ba”.


Bạn đã xử sự đúng khi không hắt hủi xa lánh mà còn cảm thông, chia sẻ với chị Hòa. Nhưng để giúp đỡ chị ấy một cách hiệu quả, bạn cần phải có những hiểu biết nhất định về hiện tượng đặc biệt này.


Cho đến nay, khoa học còn chưa tìm ra được cơ chế phát sinh của hiện tượng đồng tính luyến ái nên chưa có những biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ cho những người muốn chữa trị.


Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, đồng tính không phải là một “căn bệnh”, mà là một dạng của thiên hướng tình dục dị tính, nằm trong xu hướng “đa dạng sinh học” của thế giới tự nhiên.


Nhiều nghiên cứu cho thấy, có từ 2% đến 20% dân số thế giới có biểu hiện đồng tính ở một mức độ nào đó.


Những thập kỷ trước, trong nhiều nền văn hóa, người ta thường có thành kiến và kỳ thị với người đồng tính, vì coi đó là tội lỗi, bệnh hoạn, quái gở và đáng ghê sợ.


Trong nhiều trường hợp, người đồng tính còn bị bạo hành, bị kết tội là nguyên nhân của tệ nạn xã hội, bị lên án về mặt đạo đức.


Ở một số nước Hồi giáo, người quan hệ đồng tính có thể bị phạt tù hoặc thậm chí bị tử hình. Từ giữa thế kỷ 20, ở hầu hết các nước phát triển, đồng tính dần dần không còn bị xem là một căn bệnh.


Trên quan điểm pháp luật, nhiều quốc gia đã thừa nhận quyền của những người đồng giới, thậm chí cho phép họ thành lập hội, hoặc được kết hôn với nhau. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, chứng ghê sợ đồng tính luyến ái vẫn còn, đặc biệt nó làm cho nhiều người trẻ phải chịu đựng và gặp nhiều khó khăn trong xã hội, đôi khi dẫn đến tự tử.


Tại Việt Nam, hiện nay không có luật cấm quan hệ tình dục đồng tính, nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình thì cấm kết hôn giữa hai người cùng giới tính.


Một số người nêu quan điểm cảm thông và không kỳ thị đối với người đồng tính, tuy nhiên đại bộ phận người dân còn kỳ thị cũng như có những suy nghĩ sai lệch về người đồng tính. Hiện không có nhiều tổ chức, phong trào nhằm giáo dục, định hướng cho người đồng tính ở Việt Nam.


Theo các nhà giới tính học, ở Việt Nam có hai loại người đồng tính “thật” và “giả”. Những người “đồng tính thật” là do bẩm sinh, còn đồng tính “giả” là những người thích “thử nghiệm” các kiểu tình dục mới, nhưng cuối cùng cũng trở về lối thông thường.


Quay lại với trường hợp của chị Hòa, bạn nên giúp đỡ chị ấy tích cực hơn, như trao đổi cởi mở về vấn đề đồng tính, khuyến khích chị ấy tìm hiểu kiến thức khoa học để dám đối diện thẳng thắn với vấn đề của mình, nhằm xác định một thái độ sống phù hợp.


Bạn cũng cần khẳng định rằng, bạn không thuộc về “thế giới thứ ba” như chị ấy nên không thể “chiều” theo ý chị ấy được, nhưng bạn luôn sẵn sàng làm một người bạn cảm thông và chia sẻ với chị ấy.


Những người đồng tính thường cô độc, mặc cảm và cực đoan, vì vậy bạn cần cư xử tế nhị, trong mọi trường hợp nên giữ kín chuyện để bảo vệ danh dự cho chị ấy. Khi chị ấy có những biểu hiện ổn định tâm lý thì bạn nên dần tách ra, chuyển chỗ ở để tránh bị làm phiền. Chúc bạn thành công.


Theo TGPN


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN