Sau một năm triển khai Chỉ thị, Gia Lai đã có 15/32 làng đăng ký đạt chuẩn làng nông thôn mới và tiếp tục phấn đấu thêm 56 thôn, làng đạt chuẩn trong năm 2019.
Cụ thể, có 39 làng thuộc 38 xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đăng ký đạt chuẩn làng nông thôn mới trong năm 2019. Cùng với đó, 17 làng đã đăng ký trong năm 2018 nhưng chưa đạt chuẩn sẽ tiếp tục thực hiện, phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019.
Để thực hiện đúng kế hoạch đề ra, tỉnh Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là người dân trong các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh tăng cường vận động, tuyên truyền, phát huy tối đa vai trò chủ thể của từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng các khu dân cư xanh, sạch, đẹp, có kinh tế xã hội phát triển, an ninh trật tự được bảo đảm, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cho rằng, nếu không có thôn, làng nông thôn mới, thì sẽ không có xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới. Chính vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới tại các thôn, làng, đặc biệt là các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Gia Lai. Tuy nhiên, muốn xây dựng được các thôn, làng nông thôn mới, điều quan trọng nhất là phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số; cần lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện chương trình; giải quyết vấn đề đất ở, đất canh tác, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cho người dân, đảm bảo phải “định canh, định cư”.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục nêu cao tinh thần thật cao để từ năm 2019, tỉnh phải đạt được nhiều hơn về số lượng làng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục giảm nhanh và bền vững tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đề án, hỗ trợ việc xây dựng các thôn, làng nông thôn mới. Các cấp tăng cường tổ chức kết nghĩa các xã, thôn người Kinh với các xã, thôn người đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ nhau trong việc xây dựng làng, xã nông thôn mới.
Theo thống kê của tỉnh, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai chiếm hơn 86% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Nguyên nhân được xác định là do một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; việc tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn thiếu tính liên kết bền vững; nhiều nơi mới chỉ tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Đầu năm 2018, Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Chỉ thị 12-CT/TU nhằm cụ thể hóa thực hiện các chỉ thị, chỉ đạo của trung ương về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong vùng dân tộc thiểu số. Mục tiêu là sắp xếp lại dân cư, bố trí lại sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các làng dân tộc thiểu số, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới; trong đó, nhấn mạnh vai trò của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải xác định rõ trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công cán bộ, Đảng viên tham gia cùng các làng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Năm 2018, Gia Lai có 661 thôn, làng đặc biệt khó khăn; trong đó, 32 làng thuộc 30 xã của 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đăng ký xây dựng làng nông thôn mới theo Chỉ thị 12-CT/TU. Các làng đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới được UBND các địa phương hướng dẫn rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.
Qua đó, các làng đã triển khai bố trí, quy hoạch lại khu dân cư; bê tông hóa 14,5 km đường giao thông nông thôn; khơi thông kênh mương nội đồng, bờ đập công trình thủy lợi… Các làng cũng được hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, thực hiện mô hình cánh đồng lớn, tưới nước tiết kiệm; hỗ trợ cây, con giống, phân bón… với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.