Thế nhưng, bằng nội lực, cùng sự vận dụng linh hoạt nhiều chương trình chính sách của Đảng và Nhà nước, xã Sơn Lang nay đã đổi thay nhiều.
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Sơn Lang lựa chọn phương châm "dễ làm trước, khó làm sau" và vận dụng sức mạnh toàn dân. Cùng với đó, xã đã vận dụng, sử dụng hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước ưu tiên vào các tiêu chí khó.
Dọc con đường bê tông thẳng tắp dẫn về làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, những ngôi nhà mới xây mọc san sát, xen lẫn những vườn cà phê, cây ăn quả xanh mướt là minh chứng sinh động cho sự đổi thay của vùng quê này.
Trong ngôi nhà sàn đã lên màu nước sơn bóng, ông Đinh Văn Đoàn (72 tuổi, làng Hà Nừng, xã Sơn Lang) vui mừng trước sự đổi thay mạnh mẽ của ngôi làng nơi ông đã gắn bó. Những con đường đất đỏ năm xưa nay được thay bằng đường bê tông phẳng lì. Ông Đoàn cho biết: "Trước đây, đời sống của dân làng khó khăn lắm, cuộc sống gắn với những mùa rẫy lúc được lúc mất nên hầu như năm nào cũng thiếu ăn, thiếu mặc. Hơn 10 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân đã có sự thay đổi. Những ruộng lúa bậc thang cho năng suất cao, những vườn cây cà phê đã thay thế ruộng bắp, sắn... năm xưa”.
Có thể nói, sự thay đổi về diện mạo của Sơn Lang hôm nay phải kể đến sự đồng lòng của người dân cùng với chính quyền chung sức xây dựng quê hương đổi mới. Những tuyến đường to, đẹp từ sức dân hay các công trình trường học, công trình công cộng đều có dấu ấn rất lớn của người dân. Chỉ tính riêng trong năm 2019, người dân trong xã đã đóng góp hơn 16.000 m 2 đất, trên 5.000 ngày công, đóng góp 5,8 tỷ đồng chung tay cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, đường liên xã, liên huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm với tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%. Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa đạt tỷ lệ cứng hóa hơn 70%.
Đặc biệt, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã Sơn Lang đã đạt trên 38 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 chỉ còn gần 4%; trên 93% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện… đều đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Mặc dù là xã vùng sâu, vùng xa nhưng tỉ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 80- 100%. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt hơn 70%, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt hơn 25%... Với những kết quả đó, tháng 2/2020, Sơn Lang đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Lê Duy Kiên - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Lang cho biết, có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện; sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đoàn kết thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân.
Trong thời gian tới, xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; vận động người dân nâng cao nhận thức trong làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa…