Đây là mục tiêu của Ban Chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về Chương trình xây dựng nông thôn mới trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn thành phố năm 2020
Qua đó, thành phố phấn đấu hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 – 2020, các huyện Cần Giờ, Bình Chánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để phấn đấu đạt 50% xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Thành phố cũng triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sống, thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nông thôn; hoàn thành và nâng cao chất lượng các mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực như thực hiện lồng ghép, huy động nguồn lực địa phương, đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện để tổ chức triển khai Chương trình; nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng nông thôn đảm bảo đồng bộ, kết nối phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm về thực hiện các nhóm tiêu chí về quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa – xã hội – môi trường; hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội. Trong đó, về quy hoạch sẽ xây dựng các khu vực cảnh quan trọng tâm để tạo điểm nhấn và nét độc đáo riêng có đối với mỗi xã nông thôn mới nâng cao cũng như nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, Thành phố đẩy nhanh công tác triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật thuộc Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện và 56 xã đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng nông thôn đảm bảo đồng bộ, kết nối phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị.
Đối với kinh tế và tổ chức sản xuất, tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2019-2025; xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ; tăng cường đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao; chú trọng tập trung chuẩn hóa 16 sản phẩm OCOP theo kế hoạch (gồm 13 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và 3 sản phẩm nhóm lưu nhiệm – nội thất – trang trí).
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đổi mới nội dung hoạt động của hệ thống nhà văn hóa; nghiên cứu tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động theo nguyên tắc chuyên nghiệp hóa; tiếp tục triển khai, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Các đơn vị, địa phương thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; làm tốt công tác vận động quần chúng, huy động và phát huy ngày càng tốt hơn sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự ngay tại cơ sở...
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 56 xã giai đoạn 2016 – 2020 và Đề án xây dựng huyện nông thôn mới của 5 huyện ngoại thành. Đến đầu năm 2020, bình quân mỗi xã đạt 18,66/19 tiêu chí nâng chất (tăng 3,26 tiêu chí so với cuối năm 2018 là 15,4 tiêu chí); bình quân mỗi huyện đạt 7,2/9 tiêu chí (tăng 3 tiêu chí so với cuối năm 2018 là 4,6 tiêu chí/huyện); 31/56 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019.