Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã hoàn thành sớm các mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, trong đó, 8/19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM hoàn thành vượt kế hoạch so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Xác định con đường xây dựng NTM đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn nhiều khó khăn, từ những kết quả của 10 năm qua, mục tiêu tiếp theo của Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những nội dung chính của Hội nghị toàn quốc hệ thống văn phòng điều phối Nông thôn mới các cấp năm 2020.
Hội nghị có sự góp mặt của hàng trăm đại biểu đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước. Đây là hoạt động thường niên nhằm đánh giá lại hoạt động của hệ thống Văn phòng Điều phối Nông thôn mới NTM các cấp năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.
Hội nghị đã đánh giá những kết quả về xây dựng NTM trên cả nước tính đến tháng 5/2020, trong đó đánh giá vai trò và chất lượng công tác tham mưu của hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp; định hướng và đề ra giải pháp cụ thể để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 với các mục tiêu, yêu cầu đặt ra là tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai toàn diện chương trình nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả và tổ chức tổng kết các chương trình, đề án trọng tâm như chương trình OCOP, đề án môi trường, đề án nông thôn mới cấp huyện, đề án nông thôn mới vùng khó khăn... và định hướng chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Nhấn mạnh mục tiêu năm 2020, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, tiêu chí nâng cao chất lượng NTM và tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu là cố gắng nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần cho người dân khi đã và đang xây dựng NTM. Thu nhập phải tăng, giáo dục và bảo hiểm y tế phải đáp ứng cho người dân, linh hoạt các tiêu chí để phù hợp với từng địa phương.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, công chức và người lao động của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã hoàn thành không những vượt mức kế hoạch mà còn đảm bảo chất lượng, đi vào chiều sâu và hiệu quả, góp phần định hướng cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững; Đã tham mưu tốt các nhiệm vụ trọng tâm cho Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, như: Quy định về tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; Đề án hỗ trợ thôn, bản thuộc các xã khó khăn; Chương trình OCOP; phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM; khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM… Văn phòng Điều phối NTM phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt vai trò điều phối trong xây dựng NTM.
Năm 2020 là năm hết sức quan trọng, có nhiều nhiệm vụ rất nặng nề để phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 50% số xã cả nước đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 5 tiêu chí... Văn phòng Điều phối NTM các cấp cần sớm hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo Trung ương xác định mục tiêu, nhiệm vụ triển khai giai đoạn sau năm 2020. Xây dựng các kế hoạch các công việc cần thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, hướng dẫn các địa phương để sớm triển khai các nhiệm vụ trong năm tới.
Bên cạnh những nội dung tổng kết đánh giá, thảo luận, rút kinh nghiệm, hội nghị lần này còn dành thời gian để khảo sát thực tiễn, đánh giá thực tiễn bằng các hoạt động tham quan thực tế một số mô hình nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị.
Quảng Trị là một trong những tỉnh có xuất phát điểm thấp với tiêu chí bình quân 3,6 tiêu chí/xã, sau 10 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhưng Quảng Trị đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí. Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, vùng nông thôn của Quảng Trị đã có những chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cùa người dân. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, có nhiều mô hình chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa, có liên kết, tạo lợi nhuận cao cho người nông dân; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Kết quả mà Quảng Trị thu được là tính đến nay, toàn tỉnh đã có 52/117 xã (chiếm 44,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 34 xã so với năm 2015).
“Phong trào xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn, lan tỏa sâu rộng và người dân đồng tình hưởng ứng. Nhận thức của người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Từ những thành tựu của 10 năm qua, mục tiêu tiếp theo của Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Phấn đấu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 15 tiêu chí; những địa phương (xã, huyện, tỉnh) đã được công nhận đạt chuẩn tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020.
Văn phòng điều phối NTM các cấp được tổ chức riêng, chuyên trách, chuyên nghiệp, có hệ thống tổ chức theo ngành dọc đã tạo nhiều thuận lợi trong quá trình quản lý, điều hành thực hiện Chương trình. Đặc biệt, công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện Chương trình ở cấp huyện, cấp xã có sự chuyển biến rõ nét, phát huy được trách nhiệm và vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo, cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ tỉnh xuống cơ sở đảm bảo đồng bộ, thống nhất.