Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhóm cư dân vùng biển, đảo có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới y tế biển, đảo còn nhiều khó khăn về trang thiết bị. Để nâng cao năng lực khám chữa bệnh, việc tăng cường đầu tư trang thiết bị cho hệ thống y tế biển đảo thông qua xã hội hóa là rất cần thiết. Nhọc nhằn khám, chữa bệnh Cuộc sống người dân ở các vùng biển, đảo và ven biển có đặc thù là bị chia cắt với đất liền. Nếu cơ sở y tế không đủ trang thiết bị cần thiết cho việc điều trị, bệnh nhân sẽ phải chuyển vào đất liền, đi lại rất vất vả, tốn kém, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng...
Bác sỹ Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) điều trị cho bệnh nhân (ảnh do bệnh viện cung cấp).
|
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một ngư dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tâm sự, sống trên đảo lo nhất là mỗi khi nhà có người bị tai nạn hoặc bị ốm nặng, cần phải phải cấp cứu. Cách đây không lâu, một người bà con của anh bị tai nạn, gia đình đã phải thuê cả một chuyến tàu với chi phí gần 40 triệu đồng chỉ để chở bệnh nhân vào đất liền, đó là chưa kể những chi phí khác nữa...
Máy xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang I - Chroma Reader do hãng Biotech Hàn Quốc sản xuất có khả năng thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán nhiều loại bệnh liên quan đến các bệnh lý, trong đó có bướu cổ, ung thư, đái tháo đường, bệnh truyền nhiễm, miễn dịch... máy được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, công suất thấp và đặc biệt dễ sử dụng, có khả năng hỗ trợ trong chẩn đoán nhiều loại bệnh lý phổ biến, do đó phù hợp với các cơ sở y tế cần sự lưu động, công suất sử dụng thấp như các trạm y tế xã, các cơ sở y tế tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo...
Đại diện Vụ trang thiết bị, Bộ Y tế cho biết. |
Thực tế này thường xuyên xảy ra đối với các cơ sở y tế ở các vùng biển đảo, cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Ông Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) thừa nhận, công tác khám chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân ở huyện đảo đang gặp không ít khó khăn. Ngoài việc thiếu cán bộ chuyên khoa, đặc biệt là bác sỹ chuyên khoa ngoại, khoa sản nên trung tâm gặp nhiều khó khăn khi có bệnh nhân cấp cứu. Một trong những khó khăn lớn nữa là các trang thiết bị y tế tuy đã được đầu tư, song vẫn chưa đồng bộ so với nhu cầu cấp cứu thực tế. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư qua nhiều năm đã xuống cấp, chưa được nâng cấp sửa chữa, nên hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt, phương tiện vận chuyển bệnh nhân trên biển nhỏ, không thể đáp ứng nhu cầu cấp cứu trong điều kiện sóng to, gió lớn trên cấp 6.
Với gần một nửa số tỉnh, thành có biển, Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để trở thành một quốc gia mạnh về biển. Nhưng để đạt mục tiêu đó, một trong những việc cần làm là phát triển hệ thống y tế, nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Sự ra đời của Ðề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020″ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, cũng là để hiện thực hóa mục tiêu đó.
Trao đổi với PV báo Tin Tức, PGS - TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo triển khai Đề án 317 Bộ Y tế cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 317/QĐ - TTg ngày 7/2/2013 phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” và Quyết định số 683/QĐ - TTg ngày 3/5/2013 thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo (BCĐ 683) do PGS - TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng Ban chỉ đạo, có một ý nghĩa to lớn, tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, tập trung các nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế biển, đảo và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương trong việc tổ chức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho ngư dân, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo.
Sau hơn 1 năm Đề án 317 được phê duyệt, Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai ở khu vực biển Tây Nam, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động như phát động “ngành y tế cùng ngư dân bám biển”; đã vận động quyên góp và tặng hơn 800 tủ thuốc cho tàu cá đánh bắt xa bờ khu vực huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hội Thầy thuốc trẻ, đoàn thanh niên các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã vận động và tổ chức nhiều đoàn khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho bà con sinh sống trên các xã đảo, huyện đảo...
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Lê Tuấn cũng thừa nhận, sau hơn một năm triển khai Đề án 317, ngành y tế vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn do hạn chế nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế đặc thù trang bị phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo.
Vận động xã hội hóa đầu tư cho y tếNếu các cơ sở y tế biển đảo được trang bị đầy đủ máy xét nghiệm phù hợp, thì có thể phát hiện sớm các bệnh phổ thông, các bác sỹ chẩn đoán bệnh tốt hơn, sẽ làm giảm bớt tình trạng đổ về thành phố làm xét nghiệm, dẫn tới lãng phí thời gian, tiền của.
Tuy nhiên, các bác sỹ cũng chia sẻ, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, việc đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư đầy đủ các trang thiết bị cho y tế biển đảo là vô cùng khó khăn. Vì vậy, một trong những giải pháp được nhiều người trong nghề đưa ra là vận động sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp cùng chung tay đóng góp, hỗ trợ các trang thiết bị y tế.
Việc làm ý nghĩa này đã được một số đơn vị thực hiện và phát huy hiệu quả. Báo Tin Tức (TTXVN) thời gian qua đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Dương tổ chức trao tặng Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) hệ thống thiết bị xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang (i - CHROMA) của hãng Boditech - Hàn Quốc.
Bác sỹ Phạm Văn Hải - Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa huyện đảo Bạch Long Vĩ, một trong những đơn vị được trao tặng máy, cho biết, tháng 8/2014, ngay khi nhận được máy trị giá 150 triệu đồng, Ban Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo khoa Khám bệnh xây dựng quy chế bảo quản, vận hành và sử dụng máy an toàn, hiệu quả đáp ứng được công tác KCB cho nhân dân huyện đảo. Từ khi đưa vào hoạt động (tháng 9/2014), bệnh viện đã làm xét nghiệm cho trên 40 bệnh nhân, hạn chế tình trạng phải gửi bệnh nhân về đất liền làm xét nghiệm, giảm tốn kém, khó khăn cho người bệnh. Bác sỹ Hải cho biết, từ khi có máy xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang ICHROMA, quá trình khám chữa bệnh của bác sỹ thuận lợi hơn nhiều.
Việc chẩn đoán các bệnh cấp cứu liên quan đến tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... được nhanh hơn, chính xác hơn, giảm căng thẳng cho bệnh nhân và đẩy sớm khâu điều trị. Quan trọng nhất là bác sỹ có thể đánh giá được kết quả điều trị của mình qua chỉ số xét nghiệm. Bác sỹ Phạm Văn Hải kể, tháng trước, bệnh viện tiếp nhận một ngư dân ở Đà Nẵng bị bệnh đái tháo đường, nhưng vẫn phải đi đánh cá trên biển. Khi hết thuốc, ông rất lo sợ vì có dấu hiệu tăng đường huyết trở lại. Được vào Bệnh viện huyện đảo Bạch Long Vĩ thăm khám, bác sỹ đã làm các xét nghiệm đường huyết nhanh và bệnh nhân sử dụng thuốc hạ đường huyết kịp thời, nhờ đó bệnh nhân đã nhanh chóng bình phục và ổn định.
Đối với Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), ông Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc Trung tâm cho biết, từ khi nhận và đưa máy ICHROMA vào sử dụng, trung tâm đã thực hiện xét nghiệm cho trên 70 bệnh nhân. Nhìn chung, bà con rất phấn khởi vì có thể kiểm tra phát hiện 1 số bệnh như nhồi máu cơ tim, K tuyến tiền liệt, K gan, K ruột kết, đái tháo đường, mang thai, các bệnh truyền nhiễm, viêm khớp, thiếu máu mà không cần phải lên tuyến trên. Nhờ có máy, các bác sỹ cũng đã thuận tiện hơn trong việc chẩn đoán xác định bệnh và có hướng điều trị tích cực.
Có thể nói, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc các đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ trang thiết bị cho các bệnh viện, trung tâm y tế biển đảo là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa, là giải pháp “vẹn cả đôi đường” để phát triển bền vững y tế biển đảo Việt Nam.
Nhóm PV